Chứng ngủ rũ Narcolepsy có chữa được không?

Hỏi

Xin chào bác sĩ, em là sinh viên, em có một số câu hỏi về bệnh ngủ rũ Narcolepsy:

  • Hiện tại đã có người nào được chẩn đoán với căn bệnh này ở Việt Nam chưa? Phương pháp chẩn đoán như thế nào?
  • Những người bị bệnh có được chữa trị chưa và làm sao để em liên lạc với bác sĩ để chẩn đoán?

Xin cảm ơn bác sĩ ạ!

Hoàng Huyền Nhung (1998)

Trả lời

Chào bạn. Một số đặc điểm của chứng ngủ rũ như sau:

Chứng ngủ rũ (tên tiếng Anh là Narcolepsy) là một rối loạn giấc ngủ mạn tính, đặc trưng bởi việc buồn ngủ quá độ vào ban ngày và ngủ gật đột ngột không cưỡng lại được. Những người mắc chứng ngủ rũ thường khó tỉnh táo được trong khoảng thời gian dài bất kể trường hợp nào. Chứng ngủ rũ có thể gây ra nhiều phiền toái nghiêm trọng cho cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Đôi khi chứng ngủ rũ còn đi kèm với mất trương lực cơ đột ngột thời gian ngắn. Nghĩa là mất kiểm soát đột ngột hoạt động của các cơ. Việc này thường được gây ra khi bệnh nhân có một cảm xúc mãnh liệt, thường gặp là khi cười nhiều, khi có một tin xấu hoặc tốt đột ngột.

Chứng ngủ rũ là một bệnh mạn tính và hiện nay vẫn chưa biết nguyên nhân và chưa có cách điều trị. Tuy nhiên, việc thực hiện theo tư vấn của bác sĩ và thay đổi tích cực lối sống có thể giúp người bệnh kiểm soát được các triệu chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cần thêm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, giáo viên để đối phó với chứng ngủ rũ.

Bệnh có thể gặp ở tất cả các chủng tộc, khắp nơi trên thế giới và Việt nam là không ngoại lệ. Tuy nhiên không có tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán nên thường theo dõi sau khi đã loại trừ các bệnh thực thể của não bộ.

Về chẩn đoán bệnh, căn cứ vào hỏi bệnh, khám và loại trừ các bệnh lý thực thể của não. Cần làm một số vấn đề sau:

  • Khai thác lịch sử giấc ngủ
  • Ghi chép giấc ngủ: Bệnh nhân ghi lại chi tiết lịch trình giấc ngủ trong 1 -2 tuần.

Ghi chép giấc ngủ của mình để bác sĩ chẩn đoán
Ghi chép giấc ngủ của mình để bác sĩ chẩn đoán

  • Đa ký giấc ngủ: Xét nghiệm này ghi lại các quá trình trong suốt giai đoạn ngủ gồm điện não, điện tim, điện cơ, hoạt động của mắt, nhịp thở.
  • Kiểm tra giấc ngủ ngắn trong ngày: Kiểm tra thời gian đi vào giấc ngủ ban ngày là bao nhiêu. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ngủ 4 – 5 lần ban ngày, mỗi lần cách nhau 2 tiếng. Những người mắc chứng ngủ rũ sẽ đi vào giấc ngủ nhanh hơn và tiến vào giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) nhanh chóng.

Hiện nay chưa có biện pháp điều trị chứng ngủ rũ và chưa thể chữa khỏi chứng ngủ rũ. Có thể cải thiện triệu chứng bằng các biện pháp:

Thay đổi lối sống:

  • Thực hiện đúng thời gian biểu: Đi ngủ và thức dậy đúng giờ trong cùng khoảng thời gian mỗi ngày.
  • Nghỉ ngơi: Nên ngủ một giấc ngắn khoảng 20 – 30 phút trong ngày.
  • Không sử dụng nicotin và rượu bia.
  • Tập thể dục thường xuyên ít nhất 5 lần/tuần
  • Tập Yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh rất hữu ích.

Sử dụng thuốc:

  • Thuốc kích thích thần kinh như dextroamphetamine, modafinil được dùng nhưng ít hiệu quả, có khi làm khó ngủ ban đêm.
  • Thuốc chống trầm cảm như imipramin, Effexor XR.
  • Xyrem (sodium oxybate) là một thuốc uống được FDA chấp thuận cho điều trị narcolepsy.

Để khám bệnh, bạn có thể đến các cơ sở y tế khám với bác sĩ chuyên về thần kinh.

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới Hệ thống Y tế Vinmec. Trân trọng.

Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ điều trị - Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe