Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), một trong những nguyên nhân ung thư phổi chính được ghi nhận là hút thuốc lá và tiếp xúc với một số hóa chất, trong đó, ung thư phổi do hút thuốc lá chiếm gần 90% trong tổng số các trường hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Tô Kim Sang - Bác sĩ Nội Ung bướu tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi được phân loại thành ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Các giai đoạn ung thư phổi phản ánh mức độ phát triển và di căn của bệnh giúp bác sĩ đánh giá và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Tỷ lệ thành công sau điều trị và tiên lượng sống của bệnh ung thư phổi cao hơn nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm, trước khi ung thư di căn ra xa. Tuy nhiên, ung thư phổi thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu nên bệnh nhân thường phát hiện muộn.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ được phân thành bốn giai đoạn chính:
- Giai đoạn 1: Ung thư vẫn còn khu trú phổi và chưa di căn ra ngoài (không có di căn hạch hoặc các cơ quan khác)
- Giai đoạn 2: Ung thư ở phổi và di căn ra các hạch bạch huyết ở vùng xung quanh phế quản hoặc rốn phổi cùng bên với u phổi.
- Giai đoạn 3: Ung thư ở phổi và di căn ra các hạch bạch huyết trung thất.
- Giai đoạn 3A: Ung thư ở trong các hạch bạch huyết, nhưng chỉ ở một bên ngực, nơi mà ung thư xuất hiện lần đầu.
- Giai đoạn 3B: Ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết ở bên ngực còn lại hoặc phía trên xương đòn.
- Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn ra cả hai lá phổi, khu vực xung quanh phổi hoặc các cơ quan khác ở xa.
Ung thư phổi tế bào nhỏ được phân thành hai giai đoạn chính:
- Trong giai đoạn khu trú, ung thư chỉ xuất hiện ở một lá phổi hoặc các hạch bạch huyết ở gần, cùng bên ngực.
- Trong giai đoạn lan tràn, ung thư đã di căn đến:
- Rải rác ở cùng một bên phổi.
- Phổi ở bên còn lại.
- Các hạch bạch huyết ở trung thất phía đối diện hoặc hạch bạch huyết ở các vị trí khác như cổ, bụng,...
- Màng phổi và khoang màng phổi
- Tủy xương.
- Các cơ quan ở xa như gan, xương, não,...
- Tại thời điểm được chẩn đoán, hai trong số ba người mắc ung thư phổi tế bào nhỏ đã ở giai đoạn lan tràn.
2. Nguyên nhân ung thư phổi
Đứng đầu trong danh sách các nguyên nhân ung thư phổi, không thể không nhắc đến việc hút thuốc lá và tiếp xúc với một số hóa chất. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), gần 90% tổng số ca ung thư phổi được ghi nhận là do hút thuốc lá gây ra.
Ngoài ra, nguyên nhân ung thư phổi cũng có thể do đột biến gen của cơ thể. Khi tế bào sản sinh, phân chia và nhân rộng, chúng tạo thành các tế bào con giống hệt nhau. Quá trình này làm cơ thể liên tục tự đổi mới.
Việc hít phải các chất gây hại hoặc chất gây ung thư cũng là một nguyên nhân ung thư phổi điển hình. Ví dụ về các chất có hại như:
- Khói thuốc lá.
- Amiăng.
- Radon.
Ban đầu, cơ thể có khả năng tự phục hồi. Tuy nhiên, nếu quá trình tiếp xúc với các chất gây hại trên liên tục lặp lại thì các tế bào sẽ ngày càng bị tổn thương. Theo thời gian, tế bào bắt đầu hoạt động bất thường và phát triển mất kiểm soát. Đây là cơ chế phát triển của ung thư phổi trong cơ thể bệnh nhân.
Các tế bào phổi tích tụ độc chất có thể dẫn đến hình thành khối u, lành tính hoặc ác tính. Khối ung thư phổi ác tính có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân, cũng như di căn xa.
3. Các yếu tố nguy cơ khác của ung thư phổi
Bên cạnh các nguyên nhân ung thư phổi, chúng ta cần tìm hiểu những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Sau đây là những yếu tố nguy cơ thường gặp:
Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng một người có nguy cơ cao bị ung thư phổi nếu có một thành viên trong gia đình của người đó cũng mắc bệnh. Những mối quan hệ trực hệ này bao gồm mẹ, bố, anh chị em, cô, chú, ông bà.
Nguy cơ mắc ung thư phổi tăng cao ngay cả khi người đó không hút thuốc lá. Tuy nhiên, không rõ liệu yếu tố di truyền là nguyên nhân ung thư phổi trực tiếp hay chỉ gián tiếp làm tăng sự nhạy cảm của một người với căn bệnh này.
Yếu tố tuổi tác: Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư phổi thường phát hiện ở những người cao tuổi. Hai trong số ba người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi đều trên 65 tuổi, với độ tuổi trung bình khi chẩn đoán là khoảng 70. Tuổi tác càng cao thì thời gian tiếp xúc với các chất gây ung thư càng dài, càng dễ mắc phải ung thư phổi. Tuy nhiên, gần đây bệnh ung thư phổi đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở những người trẻ tuổi.
Tiền sử mắc bệnh phổi: Tiền sử mắc các bệnh phổi như bệnh lao, viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và khí phế thũng có thể gây viêm và sẹo ở phổi. Nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi tăng lên nếu một người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến phổi.
Sức đề kháng kém: Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể. Mặc dù trong cơ thể chúng ta có thể tồn tại các tế bào tiền u hoặc tế bào ung thư, nhưng hệ miễn dịch còn khỏe mạnh thì các tế bào này sẽ bị kiểm soát và tiêu diệt. Ngược lại, người có sức đề kháng yếu sẽ có nguy cơ cao mắc nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có ung thư phổi.
Từng xạ trị vùng ngực: Xạ trị được sử dụng để điều trị các loại ung thư khác như ung thư hạch không Hodgkin và ung thư vú, cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Nguy cơ này càng cao nếu người đó hay hút thuốc.
Tiếp xúc với khói thuốc: Ngay cả khi một người không hút thuốc, việc tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, hàng năm có khoảng 3.000 người ở Hoa Kỳ, chưa từng hút thuốc, tử vong vì bệnh ung thư phổi do hít phải khói thuốc.
Hút thuốc lá: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hút thuốc lá được xem là nguyên nhân ung thư phổi hàng đầu, chiếm gần 90% trong tổng số các trường hợp. Thuốc lá và khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có nhiều chất gây ung thư. Tần suất và thời gian hút thuốc càng lâu thì khả năng mắc ung thư phổi càng cao.
Chế độ ăn uống: Một chế độ ăn uống lành mạnh và hợp lý sẽ cung cấp cho cơ thể các vitamin và khoáng chất cần thiết để duy trì sức khỏe. Nếu không xây dựng một chế độ ăn đa dạng các thực phẩm lành mạnh, bao gồm cả trái cây và rau quả, con người sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi.
Yếu tố môi trường: Radon là một loại khí tự nhiên, xuất hiện do sự phân hủy uranium trong đá và đất. Khí này có khả năng thấm vào nền móng của các công trình xây dựng và đi vào không gian sống cũng như làm việc.
Amiăng là một vật liệu công nghiệp cách nhiệt và chống cháy được sử dụng trong xây dựng. Khi vật liệu bị xáo trộn, các sợi nhỏ có thể bay vào không khí và mọi người có thể vô tình hít vào. Nguy cơ mắc ung thư phổi tăng lên nếu mọi người tiếp xúc thường xuyên với amiăng.
Một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi thường gặp khác là do tiếp xúc với các hóa chất như thạch tín, berili, cadimi, vinyl clorua, hợp chất niken, hợp chất crom từ sản xuất than, khí mù tạt, ete clometyl từ khí thải diesel.
Tóm lại, có nhiều nguyên nhân ung thư phổi và các yếu tố nguy cơ, bao gồm hút thuốc lá, tiếp xúc với các hóa chất độc hại, và chế độ ăn uống không lành mạnh… Do đó, biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất là hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ ung thư phổi đã nêu trên. Ngoài ra, việc tầm soát ung thư phổi bằng CT phổi liều thấp cũng là một biện pháp hiệu quả để giúp phát hiện kịp thời ung thư phổi ở giai đoạn sớm - giai đoạn còn có thể điều trị khỏi bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
- Key statistics for lung cancer? (2016, May 16) cancer.org/cancer/lungcancer-non-smallcell/detailedguide/non-small-cell-lung-cancer-key-statistics
- Mayo Clinic Staff. (2015, September 25). Lung cancer mayoclinic.com/health/lung-cancer/DS00038
- What are the risk factors for lung cancer? (2016, July 20) cdc.gov/cancer/lung/basic_info/risk_factors.htm
- What causes non-small cell lung cancer? (2016, May 16)