Vẩy nến là một bệnh lý phức tạp, với các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau ở từng người. Một số người chỉ có những mảng da tổn thương nhỏ, trong khi người khác có thể bị phát ban lan rộng toàn thân. Đặc biệt, tình trạng bệnh có thể ổn định hoặc tiến triển theo thời gian. Vậy yếu tố nào ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Những yếu tố quyết định tình trạng bệnh vẩy nến
Có một số yếu tố quyết định mức độ nhẹ, vừa hay nghiêm trọng của bệnh vẩy nến. Bác sĩ thường đánh giá bệnh vẩy nến dựa trên các tiêu chí sau:
- Diện tích da bị ảnh hưởng:
- Nhẹ: Tổn thương dưới 2% diện tích cơ thể.
- Vừa: 3–10% diện tích da.
- Nặng: Hơn 10% diện tích cơ thể (tương đương với diện tích 10 lòng bàn tay).
Để ước tính, bạn có thể dùng lòng bàn tay của mình để đo, tương đương khoảng 1%.
- Đặc điểm tổn thương: Các mảng tổn thương dày, bong vảy hoặc đổi màu thường cho thấy mức độ vẩy nến nghiêm trọng hơn
- Chất lượng cuộc sống: Bệnh có gây khó khăn trong sinh hoạt, làm bạn ngại giao tiếp hoặc ảnh hưởng sức khỏe tinh thần không?
- Vị trí tổn thương: Vẩy nến ở những khu vực đặc biệt trên cơ thể có thể cho thấy bệnh nghiêm trọng hơn. Vẩy nến ở những vùng khó điều trị như da đầu, lòng bàn tay, bàn chân hoặc các nếp gấp da thường khó kiểm soát hơn.
Bệnh vẩy nến có tiến triển nặng hơn không?
Một số người chỉ có triệu chứng một lần, trong khi những người khác có chu kỳ bệnh tái phát rồi khỏi. Hoặc triệu chứng vẩy nến có thể kéo dài. Bạn cũng có thể bị vẩy nến nhẹ trong nhiều năm rồi đột ngột chuyển sang mức độ vừa hoặc nghiêm trọng mà không có cảnh báo.
Dù bệnh vẩy nến nhẹ, vừa hay nghiêm trọng, tình trạng viêm luôn tồn tại và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:
- Viêm khớp vẩy nến (PsA): Khoảng 30% người bị vẩy nến sẽ phát triển thành viêm khớp vẩy nến. Đây là loại viêm khớp gây đau khớp, cứng khớp và sưng, thường xuất hiện 10 năm sau khi vẩy nến hình thành.
- Hội chứng chuyển hóa: Hội chứng chuyển hóa là nhóm các tình trạng sức khỏe xảy ra cùng nhau và làm tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường type 2. Nghiên cứu cho thấy vẩy nến liên quan đến huyết áp cao, đường huyết cao, mỡ bụng dư thừa, béo phì, cholesterol xấu cao.
- Ung thư: Vẩy nến có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, thận, thanh quản (hộp giọng), gan, hệ bạch huyết, thực quản, miệng và tuyến tụy.
- Bệnh tim mạch: Bằng chứng khoa học ngày càng nhiều cho thấy mối liên hệ giữa vẩy nến và các bệnh lý tim mạch như bệnh tim và đột quỵ.
- Rối loạn tâm lý: Trầm cảm và lo âu đôi khi là một phần của bệnh vẩy nến. Nhiều người bị mặc cảm và tự ti do sự bất tiện mà bệnh vẩy nến gây ra.
- Các bệnh tự miễn khác: Khi bị vẩy nến, khả năng mắc bệnh tự miễn khác cũng tăng lên. Các bệnh này bao gồm bệnh celiac, bệnh đa xơ cứng và bệnh Crohn.
Tại sao vẩy nến tiến triển thành mức độ vừa hay nghiêm trọng?
Những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày, như thay đổi thời tiết hay cảm xúc, có thể gây ra hoặc làm nặng thêm cơn bùng phát vẩy nến.
Những yếu tố này bao gồm:
- Thời tiết: Lạnh, khô dễ gây kích ứng da. Ngược lại, nắng nóng đôi khi giúp cải thiện triệu chứng.
- Căng thẳng và thay đổi cảm xúc: Căng thẳng có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể, và phản ứng này xuất hiện trên da như cơn bùng phát vẩy nến.
- Nhiễm trùng: Viêm amidan, viêm xoang, viêm họng liên cầu khuẩn, HIV và các nhiễm trùng khác có thể kích hoạt vẩy nến và làm bệnh nặng thêm.
- Chấn thương da: Chấn thương da, ngay cả những va chạm hay bầm tím nhẹ, có thể gây ra cơn bùng phát vẩy nến sau này. Đây là phản ứng gọi là hiện tượng Koebner.
- Thuốc kê đơn: Một số loại thuốc điều trị huyết áp, rối loạn tâm lý hoặc sốt rét có thể làm bệnh nặng hơn.
- Thay đổi thuốc: Khi ngừng sử dụng một số loại thuốc hoặc khi thay đổi thuốc, bệnh có thể tái phát hoặc nặng thêm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd