Nếu bạn bị vẩy nến, một tình trạng da mãn tính do hệ miễn dịch hoạt động quá mức, bạn có thể có các mảng da đỏ, viêm hoặc đau do lớp da chết tích tụ khắp cơ thể. Vẩy nến cũng có thể xuất hiện ở quanh mắt, tình trạng này cần đặc biệt chú ý. Khoảng 1 trong 10 người bị vẩy nến gặp vấn đề liên quan đến mắt.
Triệu chứng vẩy nến vùng mắt cần chú ý
Vẩy nến thường xuất hiện trên da đầu, đầu gối, khuỷu tay, ngực và bụng. Khi vẩy nến xuất hiện ở quanh mắt có thể gây ra các dấu hiệu khác biệt, bao gồm:
- Mí mắt đỏ, sưng
- Mí mắt có vảy và bong tróc. Hiện tượng có thể khiến các nếp mí mắt cong lên hoặc sụp mí
- Vẩy bám trên lông mi
- Cảm giác ngứa hoặc bỏng rát ở mắt hoặc xung quanh mắt
Điều trị vẩy nến vùng mắt
Vùng da quanh mắt rất nhạy cảm và cần được xử lý cẩn thận hơn các bộ phận khác. Cần tránh chà xát hoặc cào vào mắt vì có thể khiến triệu chứng trở nặng hoặc dẫn đến nhiễm trùng. Các cách để quản lý vẩy nến vùng mắt bao gồm:
- Chườm ấm: Dùng khăn ẩm, ấm đặt trên mắt trong ít nhất một phút để làm mềm các vẩy bám trên lông mi.
- Lau mi mắt: Dùng bông thấm vào dung dịch dầu gội trẻ em pha loãng với nước ấm, nhẹ nhàng lau phần gốc lông mi trong khoảng 15 giây. Duy trì hàng ngày giúp loại bỏ vảy và giữ vùng da quanh mắt sạch sẽ, tránh nhiễm trùng.
- Nước mắt nhân tạo: nhỏ nước mắt nhân tạo có thể giúp giảm ngứa và bỏng rát ở mắt.
- Thuốc bôi: Bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ nhãn khoa có thể kê đơn các loại kem để điều trị vẩy nến vùng mắt. Các loại thuốc bao gồm:
- Kháng sinh bôi ngoài da: Bôi một lượng nhỏ thuốc mỡ lên các vùng bị ảnh hưởng vào mỗi đêm, hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tacrolimus (Protopic): Thuốc mỡ kê đơn này, được biết đến như là một chất ức chế calcineurin bôi ngoài da, thường được sử dụng để điều trị eczema. Tuy nhiên, tacrolimus cũng có thể điều trị các kích ứng da khác như vẩy nến. Thuốc này an toàn khi dùng quanh mắt.
- Bôi kem steroid: Những loại thuốc kê đơn này thường không được khuyến cáo vì sử dụng lâu dài có thể làm mỏng da quanh mắt và tăng nguy cơ bị bệnh glaucoma (cườm nước) hoặc đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, nếu gặp phải đợt bùng phát vẩy nến nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn một loại thuốc steroid điều trị ngắn hạn.
- Bôi kem không steroid
- Thuốc sinh học: Đây là các loại thuốc được tạo ra từ tế bào sống, có thể uống hoặc tiêm. Thuốc sinh học giúp ngăn chặn các tế bào miễn dịch hoặc protein cụ thể có vai trò trong bệnh vẩy nến. Khi thuốc hoạt động điều trị bệnh, các triệu chứng quanh mắt có thể cải thiện theo thời gian.
Luôn sử dụng các loại sữa rửa mặt hoặc kem dưỡng ẩm không gây kích ứng quanh mắt và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Các biến chứng về mắt khác
Hãy gặp bác sĩ nhãn khoa định kỳ nếu bạn bị vẩy nến vùng mắt. Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ kiểm tra các bệnh lý về mắt thường gặp hơn ở người bị vẩy nến, bao gồm:
- Viêm màng bồ đào: Sưng ở phía trước, giữa hoặc sau mắt.
- Viêm kết mạc (đau mắt đỏ): Khoảng 2/3 người bị vẩy nến có thể bị viêm kết mạc.
- Khô mắt: Tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến gần 1/5 người bị vẩy nến.
- Viêm bờ mi: Tình trạng đỏ hoặc sưng mí mắt.
- Đục thủy tinh thể: Hơn 60% người bị vẩy nến cũng sẽ bị đục thủy tinh thể. Nguyên nhân cụ thể hiện vẫn chưa rõ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd