Thuốc Metasin được bào chế dưới dạng thuốc mỡ bôi da, với thành phần chính là Betamethasone. Tuân thủ chỉ định, liều dùng thuốc Metasin sẽ giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được những tác dụng phụ không mong muốn.
1. Thuốc Metasin là thuốc gì?
Thuốc Metasin là 1 loại thuốc điều trị bệnh da liễu với thành phần chính là Betamethasone, đây là 1 loại Corticosteroid tổng hợp. Nó có tác dụng Glucocorticoid rất mạnh kèm theo đó là tác dụng Mineralocorticoid không đáng kể. Khi sử dụng tại chỗ, Betamethason có hiệu quả trong điều trị bệnh da liễu đáp ứng với Corticosteroid do nó có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và co mạch.
Mức độ hấp thu thuốc Metasin qua da phụ thuộc vào nhiều yếu tố thể trạng da, băng kín, tá dược trong thuốc.
- Betamethasone trong thuốc Metasin dễ được hấp thu khi bôi tại chỗ. Khi bôi, đặc biệt khi băng kín sau khi bôi thuốc hoặc vùng da bị tổn thương sẽ làm tăng khả năng hấp thu thuốc qua da. Có thể có 1 lượng Betamethasone được hấp thu đủ để có tác dụng toàn thân.
- Betamethasone trong thuốc Metasin ít liên kết rộng rãi với Protein huyết tương.
- Sau khi hấp thu qua da, Betamethasone trong thuốc Metasin được chuyển hóa chủ yếu ở gan, sau đó được bài tiết qua thận.
Thuốc Metasin được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Làm giảm các triệu chứng viêm trong các bệnh da đáp ứng với Corticosteroid;
- Thương tổn thâm nhiễm khu trú;
- Phì đại của Liken (lichen) phẳng;
- Ban vảy nến;
- Sẹo lồi;
- Lupus ban dạng đĩa;
- Ban đỏ đa dạng (hội chứng Stevens - Johnson);
- Viêm da tróc vảy;
- Viêm da tiếp xúc.
Thuốc Metasin chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người bệnh ổn thương da do virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng trên diện rộng.
- Tổn thương có loét, mụn trứng cá.
- Người quá mẫn với Betamethason, các Corticosteroid khác hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Chú ý đề phòng khi sử dụng thuốc Metasin:
- Người bệnh cần ngưng dùng thuốc Metasin nếu xuất hiện tình trạng kích ứng, quá mẫn hoặc các phản ứng khác.
- Thuốc Metasin có thể được hấp thu gây tác dụng toàn thân. Vì vậy, cần chú ý theo dõi bệnh nhân khi điều trị thuốc Metasin kéo dài, khi sử dụng thuốc trên diện rộng, khi sử dụng kỹ thuật băng ghép và khi dùng thuốc Metasin cho trẻ em.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc Metasin cho phụ nữ có thai. Cần phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc đối với cả mẹ và thai nhi.
- Phụ nữ đang cho con bú tránh bôi thuốc Metasin lên vú khi cho con bú.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Metasin
Thuốc Metasin được sử dụng bằng cách bôi ngoài da. Liều lượng thuốc Metasin cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Liều thuốc tham khảo đó là bôi thuốc 1-2 lần/ ngày.
Các tác dụng toàn thân do dùng thuốc Metasin quá liều có thể gặp như là giữ natri và nước, tăng cảm giác thèm ăn, huy động calci và phospho kèm theo tình trạng loãng xương, tăng đường huyết...
Xử trí: Trường hợp quá liều Metasin cấp, người bệnh cần theo dõi điện giải đồ trong huyết thanh và nước tiểu. Đặc biệt cần chú ý tới việc cân bằng natri và kali. Trường hợp nhiễm độc mạn tính, nên ngừng thuốc Metasin từ từ và điều trị mất cân bằng điện giải nếu cần.
3. Tác dụng phụ của thuốc Metasin
Các tác dụng không phụ của thuốc Metasin liên quan cả đến liều lượng và thời gian điều trị.
Tác dụng phụ tại chỗ của thuốc Metasin bao gồm:
- Cảm giác nóng rát;
- Ngứa;
- Kích ứng;
- Viêm nang lông;
- Chứng rậm lông tóc;
- Phát ban dạng trứng cá;
- Giảm sắc tố;
- Nhiễm trùng thứ phát;
- Teo da;
- Nổi vân da;
- Viêm da dị ứng;
- Mày đay;
- Phù thần kinh mạch.
Tác dụng phụ toàn thân của thuốc Metasin gồm có:
- Mất kali;
- Giữ natri;
- Giữ nước;
- Kinh nguyệt thất thường;
- Hội chứng Cushing;
- Ức chế sự tăng trưởng của thai và trẻ nhỏ;
- Giảm dung nạp glucose;
- Yếu cơ, mất khối lượng cơ;
- Loãng xương;
- Sảng khoái;
- Thay đổi tâm trạng;
- Trầm cảm nặng;
- Mất ngủ;
- Tăng áp lực nội sọ lành tính;
- Đục thủy tinh thể;
- Glaucom;
- Loét dạ dày, chảy máu;
- Viêm tụy;
- Trướng bụng;
- Viêm loét thực quản.
Nếu bạn thấy có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xuất hiện khi sử dụng thuốc Metasin, cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
4. Tương tác của thuốc Metasin với các loại thuốc khác
Betamethasone trong thuốc Metasin dễ dàng được hấp thu khi sử dụng tại chỗ và có tác dụng toàn thân. Do đó, có thể xảy ra tương tác với các loại thuốc khác, gây ra:
- Tăng nguy cơ nhiễm độc gan nếu sử dụng cùng với thuốc paracetamol liều cao hoặc trường diễn.
- Tăng nồng độ glucose huyết, nên có thể cần phải điều chỉnh liều lượng của các loại thuốc chống đái tháo đường uống hoặc Insulin.
- Tăng khả năng gây loạn nhịp tim hay độc tính của thuốc Digitalis kèm với hạ kali huyết khi sử dụng cùng với glycosid digitalis.
- Có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông của các loại thuốc chống đông nhóm Coumarin nên có thể cần thiết phải điều chỉnh liều thuốc chống đông.
- Có thể làm tăng nồng độ salicylat trong máu khi sử dụng chung.
- Sử dụng cùng với thuốc chống viêm không steroid hoặc uống rượu có thể làm tăng mức độ trầm trọng của tình trạng loét đường tiêu hóa.
- Sử dụng cùng với thuốc chống trầm cảm ba vòng sẽ làm tăng các rối loạn tâm thần do Corticosteroid gây ra.
- Sử dụng thuốc Metasin cùng với Phenytoin, Phenobarbital, rifampicin hoặc ephedrin có thể làm tăng chuyển hóa và làm giảm tác dụng điều trị của Betamethason.
- Estrogen có thể làm thay đổi chuyển hóa và mức độ liên kết với protein của Betamethasone trong thuốc Metasin, làm giảm độ thanh thải, làm tăng tác dụng điều trị và tăng độc tính của Betamethason.
- Cần thận trọng khi sử dụng phối hợp aspirin với Metasin trong trường hợp giảm Prothrombin huyết.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Metasin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Metasin điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.