Bệnh vẩy nến thể mảng: Dấu hiệu nhận biết và điều trị

Vẩy nến thể mảng là dạng vẩy nến phổ biến nhất ở bệnh vẩy nến – một bệnh tự miễn về da gây ngứa và đau. vẩy nến thể mảng gây ra các mảng da đỏ hoặc tím nổi lên, phủ bởi lớp da chết màu trắng. Chúng thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng, nhưng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể.

Vẩy nến thể mảng là một bệnh mãn tính gây khó chịu và mặc cảm. Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng các phương pháp điều trị sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng.

Triệu chứng của vẩy nến thể mảng

Các mảng vẩy xuất hiện thường có màu đỏ, nâu, tím hoặc xám tùy thuộc vào tông màu da người bệnh. Mảng vẩy thường xuất hiện ở cả hai bên cơ thể. Ví dụ, nếu chúng xuất hiện ở một khuỷu tay, chúng cũng sẽ xuất hiện ở khuỷu tay còn lại.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Ngứa, đau da
  • Da nứt nẻ
  • Chảy máu
  • Cảm giác bỏng rát và châm chích

Mảng vẩy và các triệu chứng có thể tái phát suốt đời.

Nguyên nhân gây vẩy nến thể mảng

Hiện chưa có lý do chính xác vì sao người bị mắc vẩy nến thể mảng. Đây được xem là một bệnh tự miễn, có nghĩa là hệ miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn tấn công các tế bào khỏe mạnh. Điều này khiến các tế bào da mới phát triển nhanh hơn bình thường và tích tụ thành các mảng dày.

Một số yếu tố nguy cơ khiến người bệnh bị vẩy nến như:

  • Di truyền: vẩy nến có xu hướng di truyền trong gia đình. Hơn 20% người mắc vẩy nến cho biết có người thân bị vẩy nến. Nghiên cứu cho thấy, nếu cả hai bố mẹ đều bị vẩy nến, bạn có khoảng 50% khả năng mắc bệnh.
  • Yếu tố kích thích: Có một yếu tố nào đó kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Các yếu tố kích thích phổ biến gồm:
    • Chấn thương da
    • Da khô
    • Một số thực phẩm và đồ uống
    • Cháy nắng nghiêm trọng
    • Sử dụng thuốc như lithium hoặc thuốc điều trị sốt rét
    • Nhiễm trùng, như viêm họng liên cầu khuẩn
    • Căng thẳng
    • Hút thuốc
    • Uống rượu

Vẩy nến thể mảng không lây lan qua tiếp xúc hay bất kỳ hình thức tiếp xúc gần nào.

Chẩn đoán vẩy nến thể mảng thường được thực hiện thông qua các bước trao đổi về tiền sử bệnh, và quan sát da bởi bác sĩ. Tuy nhiên, vì vẩy nến dễ bị nhầm lẫn eczema hoặc các bệnh da khác nên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cần làm sinh thiết mẫu da, thực hiện các xét nghiệm dị ứng hoặc xét nghiệm máu để loại trừ các nguyên nhân khác.

Các phương pháp điều trị vẩy nến thể mảng

Vẩy nến không thể chữa khỏi. Bạn sẽ có thể trải qua các chu kỳ khi phát ban có vẻ giảm đi rồi lại tái phát. Mục tiêu của việc điều trị là giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt tái phát.

Bạn có thể được kê thuốc bôi da hoặc thuốc uống, hoặc bác sĩ có thể khuyên bạn kết hợp cả hai. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Thuốc bôi có kê đơn thoa trực tiếp trên da, giúp giảm viêm hoặc làm chậm quá trình tăng sinh tế bào da.
  • Quang trị liệu: Liệu pháp chiếu tia cực tím lên da nhằm điều trị vẩy nến.
Các mảng vẩy nến xuất hiện thường có màu đỏ, nâu, tím hoặc xám tùy thuộc vào tông màu da người bệnh
Các mảng vẩy nến xuất hiện thường có màu đỏ, nâu, tím hoặc xám tùy thuộc vào tông màu da người bệnh

Thuốc điều trị vẩy nến thể mảng

Nếu kem bôi và quang trị liệu không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị toàn thân, nghĩa là thuốc sẽ lưu thông qua cơ thể thay vì chỉ tác động vào các mảng vẩy nến. Những loại thuốc này giúp làm dịu hệ miễn dịch hoặc làm chậm quá trình tăng sinh tế bào da. Thuốc được sử dụng dưới dạng viên uống, hoặc tiêm, truyền.

Các loại thuốc này tác động đến một loại tế bào miễn dịch cụ thể hoặc ngăn một số protein gây viêm. Tuy nhiên,chúng có thể làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể.

Các thuốc điều trị toàn thân cũng dễ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như trầm cảm, suy nghĩ hung hăng, vấn đề về gan hoặc tăng nguy cơ ung thư da. Do đó, việc thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp là vô cùng quan trọng.

Chung sống với bệnh vẩy nến thể mảng

Hầu hết người mắc vẩy nến thể mảng sẽ phải sống với bệnh này suốt đời. Tuy nhiên, có một số biện pháp để đối phó tốt hơn với bệnh:

  • Tránh các yếu tố kích thích: Những yếu tố như căng thẳng và hút thuốc không gây ra vẩy nến, nhưng có thể làm bệnh trầm trọng thêm. Hãy xác định các yếu tố kích thích các đợt bùng phát vẩy nến của bạn. Các yếu tố kích thích phổ biến có thể bao gồm:
    • Rượu
    • Dị ứng
    • Thời tiết lạnh và khô
    • Hormone
  • Theo dõi chế độ ăn uống: Một số loại thực phẩm khiến vẩy nến của bạn tái phát. Nếu có, hãy cố tránh các thực phẩm đó. Những thực phẩm gây kích thích phổ biến bao gồm:
    • Sản phẩm từ sữa
    • Trái cây có múi
    • Gluten, một loại protein có trong lúa mì
    • Các loại rau họ cà như cà chua, ớt và khoai tây
  • Một chế độ ăn chống viêm có thể giúp ích cho bệnh vẩy nến. Ăn nhiều thực phẩm như:
    • Cá béo, như cá thu và cá hồi
    • Rau xanh, như rau bina và cải xoăn
    • Dầu ô liu

Một số phương pháp giúp cải thiện tình trạng da bị vẩy nến thể mảng như:

  • Chăm sóc da: Chăm dùng kem dưỡng ẩm để làm dịu da. Tránh xà phòng mạnh. Tắm với bột yến mạch hoặc muối Epsom cũng giúp làm dịu da. Người bệnh cũng có thể thử dùng dầu gội dược liệu để điều trị vẩy nến da đầu.
  • Tìm kiếm sự trợ giúp: vẩy nến thể mảng có thể gây ảnh hưởng lớn về mặt cảm xúc, khiến người bệnh mặc cảm và căng thẳng. Có nhiều người mắc vẩy nến bị trầm cảm. Hãy trao đổi với bác sĩ về liệu pháp hoặc thuốc điều trị, đồng thời chia sẻ với người thân.
  • Trao đổi với bác sĩ: Hãy trao đổi với bác sĩ về tiến triển của bạn và những thay đổi về tình trạng bệnh. Bạn có thể cần thay đổi phương pháp điều trị theo thời gian. Đừng ngừng sử dụng thuốc điều trị vẩy nến đột ngột, vì điều này có thể dẫn đến bệnh nặng hơn. Hãy chú ý đến các triệu chứng có thể báo hiệu viêm khớp vẩy nến như đau khớp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe