Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chụp cộng hưởng từ tim nên được thực hiện đúng theo quy trình để đảm bảo cho sự an toàn của người bệnh cũng như tính hiệu quả của phương tiện. Một cách tổng quát, chụp cộng hưởng từ tim là một kỹ thuật an toàn, không xâm lấn và không phơi nhiễm tia xạ.
1. Cộng hưởng từ tim là gì?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là quá trình sử dụng một từ trường mạnh, các song điện từ và hệ thống máy vi tính xử lý để tạo ra các hình ảnh chi tiết những bộ phận trong cơ thể, các mô mềm, xương, và các cấu trúc nội tạng khác.
Chụp cộng hưởng từ tim là kỹ thuật cộng hưởng từ khảo sát đặc biệt cho tim, bao gồm các cấu trúc và chức năng của tim, các van tim, các cấu trúc xung quanh tim; từ đó giúp chẩn đoán và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp đối với những bệnh lý tim mạch.
2. Vì sao cần chụp cộng hưởng từ tim?
Các bác sĩ của bạn có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ tim nếu họ tin bạn bị nguy cơ suy tim hoặc các vấn đề khác về tim mạch.
Chụp cộng hưởng từ tim là xét nghiệm phổ biến để đánh giá và chẩn đoán các bệnh lý tim mạch, chẳng hạn như:
- Bệnh tim bẩm sinh
- Bệnh mạch vành
- Các tổn thương do nhồi máu cơ tim
- Suy tim
- Các bệnh lý van tim
- Viêm của các màng bao quanh tim (viêm màng ngoài tim)
3. Chống chỉ định chụp cộng hưởng từ tim
Một số trường hợp không nên chụp cộng hưởng từ tim như:
- Người mắc phải hội chứng sợ buồng kín vì trong lúc chụp, người bệnh được yêu cầu nằm yên trong khoang của máy trong khoảng từ 45 đến 60 phút. Người mắc hội chứng sợ buồng kín có thể khó hợp tác thực hiện được.
- Bệnh nhân chứa các dị vật bên trong cơ thể, bao gồm: máy tạo nhịp tim, cấy ốc tai, một vài loại clip sử dụng để điều trị phình mạch não. Từ trường có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị này và ngược lại chúng có thể là tác nhân làm suy giảm chất lượng hình ảnh. Các vật liệu thay thế nhân tạo thế hệ mới thường được nhà sản xuất cung cấp thông tin mô tả về nguy cơ khi chụp cộng hưởng từ trong các sổ tay hướng dẫn. Người bệnh cần trao đổi cẩn thận với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện.
4. Quy trình thực hiện chụp cộng hưởng từ tim
- Tư vấn giải thích cho người bệnh về cách thực hiện, nguy cơ khi chụp cộng hưởng từ động mạch chủ bụng. Dặn dò người bệnh không cần nhịn ăn trước khi chụp.
- Khai thác thông tin từ người bệnh để loại trừ các chống chỉ định.
- Bệnh nhân và người thân cùng vào phòng chụp cộng hưởng từ được yêu cầu cởi bỏ trang sức trước khi vào.
- Trong quá trình chụp, người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của kỹ thuật viên như giữ nguyên tư thế, hít vào, thở ra, ..
- Khi máy vận hành sẽ tạo ra nhiều tiếng ồn, vì thế người bệnh thường được trang bị các thiết bị chống ồn như ốp tai hoặc tai nghe loại bỏ tiếng ồn
- Tổng thời gian chụp có thể mất từ 45 đến 60 phút.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.