U xương sụn là sự phát triển quá mức của xương, sụn ở gần các đầu xương hoặc gần với sụn phát triển của xương. Đây là những khối u lành tính và gây ảnh hưởng tới trẻ em và thanh thiếu niên. Hầu hết các trường hợp không cần điều trị nhưng cần phải được theo dõi để phòng ngừa những thay đổi của khối u và các biến chứng liên quan.
1. U xương sụn là gì?
U xương sụn là sự phát triển quá mức của sụn, xương ở các vị trí gần các đầu xương, hoặc gần với sụn phát triển của xương. Sự quá phát của xương sụn có thể gặp ở bất cứ vị trí nào có bản sụn phát triển như các xương dài bao gồm xương đùi, xương chày, xương cẳng tay và xương cánh tay, xương bả vai hoặc xương chậu. U xương sụn là một tổn thương lành tính thường gặp nhất ở các xương đang phát triển và trong quá trình phát triển của hệ xương, ảnh hưởng tới trẻ em và thanh thiếu niên tức trong độ tuổi từ 10 đến 25 tuổi. Tần suất u xương sụn gặp ở nam giới và nữ giới là như nhau.
U xương sụn có đặc điểm có màu trắng hoặc là kết quả tự nhiên của quá trình thúc đẩy phát triển xương. Khối u xương sụn có thể phát triển đơn độc hoặc đa u, tuy nhiên phần lớn trường hợp u xương sụn là những tổn thương đơn độc không di truyền. Bệnh u xương sụn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, nhưng có liên quan đến yếu tố gen, tuy nhiên có di truyền hay không thì chưa được khẳng định chính xác. Trong hầu hết những trường hợp, u xương sụn không cần điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh theo dõi định kỳ nhằm xác định những thay đổi của khối u và biến chứng có liên quan để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân phù hợp.
2. Các biểu hiện của u xương sụn là gì?
Những biểu hiện thường gặp nhất trong bệnh u xương sụn bao gồm:
- Một tổ chức cứng như u thường sờ thấy rõ, liền với xương và không đau
- Chiều cao của trẻ thường thấp hơn so với những trẻ trong cùng độ tuổi
- Đau ở các bắp cơ liền kề khối u
- Chiều dài của hai tay hoặc hai chân không cân xứng
- Có sự biến dạng về hình thái của tay hoặc chân như cong, vẹo,...
Thông thường, bệnh nhân không có đầy đủ những biểu hiện trên, mỗi người sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Bên cạnh đó, các triệu chứng của u xương sụn cũng có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Vì vậy, việc thăm khám tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa là việc làm cần thiết để chẩn đoán được chính xác.
3. Chẩn đoán u xương sụn như thế nào?
Bên cạnh việc thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử của người bệnh, một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể được thực hiện ví dụ như:
- Chụp X-quang: cho phép xác định được vị trí và kích thước của khối u, mối liên quan với sụn tiếp hợp,...
- Chụp cắt lớp vi tính: cho phép đánh giá được rõ hình ảnh của các khối u hơn, đặc biệt ở các vị trí khó như xương bả vai, khung chậu, xương sườn, đồng thời loại trừ các thương tổn u khác.
- Chụp cộng hưởng từ: cho phép đánh giá các tổn thương xương và phần mềm xung quanh tốt hơn.
4. Điều trị u xương sụn
Về cơ bản, bệnh nhân mắc u xương sụn có thể chung sống với bệnh. Việc điều trị được quyết định bởi bác sĩ dựa trên những yếu tố như:
- Tuổi tác, tình trạng sức khỏe toàn thân và tiền sử bệnh tật của bệnh nhân
- Sự tiến triển của những khối u xương sụn
- Mức độ đáp ứng điều trị của bệnh nhân với các phương pháp như: phẫu thuật, thuốc, các biện pháp trị liệu.
- Mong muốn của bệnh nhân: về nhiều khía cạnh như thẩm mỹ, vận động
Điều trị bệnh u xương sụn phụ thuộc vào vị trí, kích thước, số lượng khối u và mức độ ảnh hưởng đến vận động của khớp và toàn thân. Do vậy, những phương pháp điều trị có thể được thực hiện như:
- Phẫu thuật để lấy bỏ khối u
- Sử dụng thuốc nhằm kiểm soát các triệu chứng, đặc biệt là đau
Trường hợp bệnh nhân bị không xuất hiện triệu chứng thì có thể không cần điều trị nhưng phải theo dõi và kiểm tra định kỳ. Việc can thiệp điều trị u xương sụn bằng phẫu thuật thì nên can thiệp vào giai đoạn muộn khi trẻ gần đến tuổi trưởng thành, bởi vì u xương sụn có khả năng tái phát lại.
Tóm lại, u xương sụn là sự phát triển quá mức của sụn, xương ở các vị trí gần các đầu xương hoặc gần với sụn phát triển của xương. Đây là những khối u lành tính và gây ảnh hưởng tới trẻ em và thanh thiếu niên. Hầu hết các trường hợp không cần điều trị nhưng cần phải được theo dõi để phòng ngừa những thay đổi của khối u và các biến chứng liên quan. Do vậy, trong quá trình theo dõi nếu có xuất hiện những triệu chứng bất thường cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.