Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lã Thị Thùy - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Vôi hóa van tim là bệnh lý tim mạch thường gặp, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời, khi các mảng vôi hóa làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và di chuyển vào tuần hoàn chung gây tắc hẹp mạch máu.
1. Thế nào là vôi hóa van tim?
Bệnh vôi hóa van tim là tình trạng khi các mảng canxi và mô mỡ, các khoáng chất dư thừa bám tại van. Điều này làm các van tim cứng và hẹp lại đóng mở kém linh hoạt. Van tim không thể đóng mở bình thường dẫn đến tim hoạt động không hiệu quả, giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể. Van tim bị hẹp dần dần làm gia tăng sức cản với dòng máu và tăng hoạt động tim. Bên cạnh đó, những mảng vôi hóa làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, cục máu đông di chuyển vào tuần hoàn chung gây tắc hẹp mạch máu, đặc biệt nếu tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch não gây đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng
2. Các van tim bị vôi hóa như thế nào?
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh vôi hóa van tim, một trong những nguyên nhân phổ biến là do sự lão hóa thông thường của van tim, vì thực tế tim là cơ quan hoạt động mạnh nhất trong cơ thể. Ngoài ra, di truyền cũng là một trong những yếu tố góp phần, các bất thường van bẩm sinh sẽ làm cho các lá van trở nên cứng chắc về sau. Các nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến bệnh vôi hóa van tim bao gồm: Thuốc lá, tiểu đường, bệnh thận mạn và gia tăng nồng độ cholesterol và triglyceride. Phần lớn các van tim vôi hóa do xơ vữa động mạch, đây là quá trình gây ra sự tắc nghẽn trong các động mạch tại tim cũng như các bộ phận khác trong cơ thể
Tình trạng viêm nhiễm trên van tim cũng có khả năng ảnh hưởng đến tuần hoàn máu làm thúc đẩy quá trình vôi hóa. Bất chấp tất cả các nguyên nhân có khả năng bị vôi hóa van tim, cơ chế chính xác gây nên bệnh vẫn còn đang được nghiên cứu.
Các nguyên nhân khác gây vôi hóa van động mạch chủ, hoặc van dày cứng có thể là do sau xạ trị vùng ngực và bệnh lý van động mạch chủ hậu thấp
3. Có phải cả 4 van tim đều có khả năng bị vôi hóa?
Các van tim bên trái (van ĐMC và van 2 lá) là hai van thường bị vôi hóa nhất. Van ĐMC được xem là van chính hoặc “cửa trước của tim”, điều khiển toàn bộ lưu lượng máu đi ra khỏi tim và là van tim bị vôi hóa thường gặp nhất. Đối với các van tim bên phải (Van 3 lá và van ĐMP) thì rất hiếm khi có tình trạng vôi hóa lá van, về lý do cũng chưa được thực sự rõ ràng
Một khi vôi hóa van động mạch chủ, nó ảnh hưởng đến cả hai lá van (cửa van) và vòng van (vòng tròn giúp lá van dính vào). Đối với vôi hóa van hai lá, đa phần chỉ ảnh hưởng đến vòng van, nhưng cũng có khi ảnh hưởng đến cả lá van. Bệnh lý phổ biến có thể gây ra vôi hóa van hai lá là bệnh lý van tim hậu thấp.
Lắng đọng canxi thường được thấy nhiều nhất tại những khu vực có dòng máu chảy xoáy, van động mạch chủ là một trong những vị trí phổ biến nhất ở giữa thất trái và động mạch chủ. Van ĐMC 2 mảnh (BAV) và các bất thường van khác có ảnh hưởng đến dòng máu chảy xoáy, đó là lý do tại sao những bệnh nhân này bị vôi hóa van ở độ tuổi trẻ hơn nhiều. Bệnh van ĐMC 2 mảnh là một bất thường bẩm sinh thường gặp nhất, chiếm khoảng 1-2% dân số chung.
4. Vôi hóa van tim ảnh hưởng lên bệnh nhân như thế nào?
Một khi tình trạng vôi hóa và hẹp van tim trở nên nặng, bệnh nhân sẽ bị khó thở ngày càng tăng khi gắng sức. Đau đầu và đau ngực là những triệu chứng phổ biến khác.
Bệnh nhân bị vôi hóa van tim lâu ngày có thể ảnh hưởng đến cấu trúc tim: tim to cũng như là dày thành cơ tim. Việc thay đổi cấu trúc của tim sẽ ảnh hưởng xấu đến tim. Tất cả những hậu quả xảy ra sẽ làm giới hạn chất lượng sống của bệnh nhân cũng như là tuổi thọ.
Trong một số ít trường hợp, bệnh nhân hẹp van ĐMC khít có thể bị ngừng tim hoặc đột tử. Tuy nhiên khả năng xảy ra điều này là rất thấp trên những bệnh nhân chưa có biểu hiện triệu chứng. Các triệu chứng như vậy sẽ nhanh chóng cải thiện sau khi phẫu thuật thay van tim.
5. Điều trị vôi hóa van tim như thế nào?
Thay van tim được chỉ định ở những bệnh nhân có bệnh vôi hóa van tim tiến triển đến mức chức năng của van tim bị suy giảm và gây ra các triệu chứng. Có 2 loại van nhân tạo hiện đang được sử dụng rộng rãi: van cơ học và sinh học. Van cơ học thường được làm từ kim loại. Van sinh học được làm từ mô động vật, bò hoặc lợn
Thay van tim có thể được thực hiện bằng con đường truyền thống: phẫu thuật mở xương ức hoặc bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu qua một vết mổ nhỏ bên ngực. Một lựa chọn khác ít xâm lấn hơn nhiều so với phẫu thuật trên những bệnh nhân lớn tuổi là phương pháp thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR)
XEM THÊM