Đau lưng là tình trạng sức khỏe phổ biến nên nhiều người bệnh có xu hướng chủ quan và bỏ qua bệnh lý. Tuy nhiên, đau lưng kèm khó thở có thể là biểu hiện của các bệnh lý nghiêm trọng có liên quan đến sức khỏe. Vì vậy, xác định nguyên nhân gây bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp là vô cùng quan trọng và giảm thiểu các biến chứng về sức khỏe có thể xảy ra.
1. Nguyên nhân gây đau lưng trên kèm khó thở?
Triệu chứng đau lưng và khó thở xuất hiện đồng thời hay được gọi là các cơn đau lưng trên khó thở làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh và có thể là biểu hiện của các bệnh lý nghiêm trọng. Cơn đau và khó thở xuất hiện đột ngột với các mức độ đau khác nhau và có thể lan sang các vùng lân cận...
Người bệnh bị đau lưng trên khó thở có thể là triệu chứng của một số bệnh lý nguy hiểm như sau:
1.1. Nhồi máu cơ tim
Một trong những triệu chứng của nhồi máu cơ tim là các cơn đau lưng khó thở, đặc biệt là vùng lưng phía trên bên trái. Cơn đau lưng có thể lan dần lên tai, cổ, bả vai và đến cánh tay. Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, bởi vì người bệnh nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử tim, suy giảm chức năng tim và các hệ cơ quan của cơ thể không được cung cấp đủ oxy.
1.2. Viêm phổi
Viêm phổi là bệnh lý xảy ra do tình trạng nhiễm trùng ở phổi và thường phát triển sau khi người bệnh bị cảm lạnh, cảm cúm. Hầu hết người bệnh mắc viêm phổi đều có thể điều trị hồi phục hoàn toàn mà không để lại biến chứng. Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh có thể từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào các yếu tố liên quan như độ tuổi, mức độ nhiễm trùng, sức đề kháng của người bệnh. Theo đó các triệu chứng điển hình của bệnh lý như sau:
- Đau lưng trên bên phải khó thở và tăng lên khi ho
- Thay đổi nhận thức tâm thần ở người bệnh lớn tuổi
- Ho khan hoặc có đờm
- Sốt cao kèm đổ mồ hôi và ớn lạnh
- Buồn nôn, nôn và tiêu chảy
Trắc nghiệm về đau lưng và giấc ngủ
Để có sức khỏe tốt cần có một giấc ngủ chất lượng. Tuy nhiên, ngủ sai tư thế hay sai cách lại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Sau đây là một bài trắc nghiệm về giấc ngủ và ảnh hưởng đau nhức lưng.
Chọn một hoặc một số đáp án bạn cho là đúng để đánh giá mức độ hiểu của bạn về đau lưng và giấc ngủ.
1.3. Thoái hóa cột sống
Người bệnh thoái hóa cột sống thường xuyên xuất hiện triệu chứng đau lưng. Trường hợp bệnh phát triển ở giai đoạn nặng thì người bệnh thường xuất hiện thêm triệu chứng khó thở. Vì vậy, người bệnh thoái hóa cột sống cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
1.4. Căng cơ liên sườn
Căng cơ liên sườn xảy ra do các cơ liên sườn bị căng dọc theo cột sống lưng, gây ra các triệu chứng như cứng cơ lưng, đau lưng và khó thở dữ dội. Bệnh lý xảy ra do các chấn thương và va chạm hoặc thực hiện các hoạt động liên quan đến cơ liên sườn nhiều khiến cơ liên sườn căng bị quá mức.
Tình trạng bệnh có thể được cải thiện sau vài ngày và hồi phục hoàn toàn trong khoảng thời gian từ 6 – 8 tuần. Người bệnh có thể sử dụng các biện pháp như chườm nóng, chườm lạnh, sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn nhằm hạn chế các cơn đau. Trong trường hợp các cơn đau nhiều người bệnh cần thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
1.5. Gù cột sống nghiêm trọng
Cột sống lưng trên khỏe mạnh thường có xu hướng hơi cong về phía trước với độ cong khoảng 20 – 50 độ, khi độ cong này lớn hơn 50 thì được xem là tình trạng gù cột sống. Tình trạng này xảy ra ở mọi lứa tuổi và nam giới có nguy cơ mắc gấp đôi so với nữ. Người bệnh nếu không được điều trị bệnh lý sẽ phát triển khiến độ cong của cột sống ngày càng lớn và dẫn đến triệu chứng đau lưng trên khó thở, mỏi lưng trên, gặp khó khăn khi đi đứng..
1.6. Thừa cân béo phì
Thừa cân béo phì làm các cơ ở lưng hoạt động nhiều hơn để hỗ trợ hoạt động cơ bản hàng ngày. Người bệnh béo phì có lượng mỡ thừa tích tụ xung quanh ngực và lưng dẫn đến triệu chứng mỏi lưng, đau lưng và đôi khi khó thở.
1.7. Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh lý xảy do axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản dẫn đến triệu chứng ợ nóng, ợ chua và các cơn đau ngực. Bên cạnh đó, các cơn đau ở ngực có thể lan ra sau lưng, đặc biệt là ở giữa hai bả vai, cơn đau xuất hiện nhiều nhất sau khi ăn. Trong một số trường hợp axit dạ dày rò rỉ vào đường hô hấp gây khó thở, ho mãn tính và có thể dẫn đến viêm phổi.
1.8. Lóc tách động mạch chủ
Bệnh lý xảy ra do động mạch chủ bị tổn thương, dẫn đến rò rỉ máu vào động mạch chủ. Bệnh lý gây ra triệu chứng đau lưng dữ dội, đau ngực, khó thở và suy nhược cơ thể, đổ nhiều mồ hôi. Lóc tách động mạch chủ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, vì vậy trong trường hợp xuất hiện cơn đau ngực trên kèm theo khó thở nghiêm trọng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1.9. Ung thư phổi
Mặc dù đau lưng kèm khó thở không phải là triệu chứng điển hình của bệnh lý ung thư phổi nhưng người bệnh ung thư phổi vẫn xuất hiện các biểu hiện khó thở, đau ngực. Trong trường hợp bệnh lý tiến triển và di căn đến xương có thể dẫn đến triệu chứng đau lưng, hông ở người bệnh.
2. Cần làm gì khi bị đau lưng kèm khó thở
Người bệnh bị đau lưng trên khó thở có thể được điều trị tại nhà trong trường hợp nguyên nhân là do hoạt động quá mức, căng cơ nhiều. Tuy nhiên trường hợp cơn đau lưng khó thở xảy ra liên tục và kéo dài thì người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh lý gây nên triệu chứng.
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể sử dụng như sau:
- Nghỉ ngơi và thay đổi chế độ hoạt động: Cơn đau xảy ra khi làm việc, hoạt động cơ mạnh nên người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi nhiều, hoạt động mỗi ngày nên được thực hiện nhẹ nhàng, tránh các hoạt động mạnh gây đau lưng nhiều.
- Chườm nóng và chườm lạnh: Người bệnh có thể chườm nóng sau 48 giờ khi xuất hiện cơn đau và chườm lạnh trong khoảng vài ngày sau khi xuất hiện cơn đau. Thời gian và nhiệt độ chườm nóng cần phù hợp, không quá cao để tránh làm tổn thương mô.
- Xoa bóp: Các biện pháp xoa bóp, massage giúp người bệnh giảm đau lưng thông qua công dụng lưu thông thư giãn cơ, lưu thông tuần hoàn máu não đến vị trí đau.
Bên cạnh các biện pháp trên, người bệnh cần tránh các hoạt động làm tăng cơn đau lưng trên khó thở như sau:
- Không nằm sấp khi ngủ vì sẽ làm cơn khó thở trở nên trầm trọng hơn
- Không hút thuốc lá và hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc lá vì thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về phổi.
- Hạn chế vận động mạnh và làm các việc nặng quá sức
- Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ và chưa nắm rõ tình trạng bệnh.
3. Phòng tránh đau lưng gây khó thở như thế nào?
Người bệnh có thể hạn chế các nguy cơ gây đau lưng trên khó thở thông qua các biện pháp sau:
- Duy trì mức cân nặng phù hợp.
- Luyện tập thể dục hàng ngày với những bài tập nhẹ nhàng khi bắt đầu và nâng cường độ dần dần nhằm tăng cường sức bền của cơ thể.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Như vậy tình trạng đau lưng trên kèm khó thở xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong một số trường hợp cơn đau có thể được cải thiện và kiểm soát bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà và dành thời gian nghỉ ngơi để cơ lưng được hồi phục. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt là khi cơn đau lưng kèm khó thở không cải thiện sau thời gian 2 – 3 ngày hoặc diễn ra nghiêm trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.