Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.
Chụp cộng hưởng từ xương (MRI) là một kỹ thuật hình ảnh độc đáo cho phép hình dung trực tiếp cấu trúc xương và tủy xương với độ phân giải không gian cao. Với sự tham gia của thuốc đối quang từ, phương tiện này còn được coi là công cụ tốt nhất để chẩn đoán và định hướng điều trị cho các khối u xương, tủy xương tại chỗ hay các bệnh tổn thương xương khác.
1. Chụp MRI xương và tuỷ xương là gì?
Phương pháp quét hình ảnh cộng hưởng từ thường được gọi là MRI có nguyên lý không sử dụng phóng xạ tia X và cũng là xét nghiệm hoàn toàn không xâm lấn. Máy MRI sử dụng một nam châm lớn và một máy tính để chụp ảnh bên trong cơ thể. Mỗi bức ảnh hoặc "lát cắt" chỉ hiển thị một vài lớp mô cơ thể tại một thời điểm. Các hình ảnh sau đó có thể được kiểm tra và tái cấu trúc trên màn hình máy tính.
Đối với chụp mri xương và tuỷ xương, hình ảnh được chụp theo cách này sẽ giúp bác sĩ hình dung toàn bộ cấu trúc xương, tủy xương và các mô xung quanh có liên quan. Từ đó, các vấn đề bất thường nghi ngờ tại khu vực này sẽ dễ dàng được phát hiện. Tùy vào khu vực được chọn, quá trình quét mri xương và tủy xương thường mất từ 15 đến 90 phút.
Trong trường hợp chụp mri xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ, thời gian cần chụp có thể tăng lên gấp đôi. Bác sĩ sẽ sử dụng một chất gọi là gadolinium được tiêm vào tĩnh mạch để giúp các hình ảnh phản ánh các cấu trúc hiện lên rõ ràng hơn. Đặc biệt là trong các trường hợp nghi ngờ có u bướu trong xương hay tủy xương, chất gadolinium sẽ mau chóng thu nhận vào xung quanh các tế bào ung thư để chúng hiển thị sáng hơn trong hình. Nhờ độ phân giải tương phản tự nhiên cao, MRI có thể mô tả các thành phần mô cụ thể hữu ích cho các đặc tính khối u. Đồng thời, một mối quan tâm lớn khi chỉ định MRI là đánh giá các thay đổi sau hóa trị liệu để xác định các khối u không đáp ứng sớm trong quá trình điều trị về sau này.
Ngoài ra, một ưu điểm khiến cho MRI xương và tuỷ xương có thể được sử dụng thay cho chụp CT trong các tình huống cần thiết như chấn thương, sưng viêm hay xuất huyết các khối tân sinh vì với quét MRI, phần xương sẽ không làm che khuất đi những hình ảnh của các cơ quan và mô mềm xung quanh như quét CT. Điều này sẽ giúp bác sĩ nhận định mức độ tổn thương là tại xương, tủy xương hay xâm lấn ra các thành phần xung quanh.
2. Chỉ định chụp MRI xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ là gì?
Việc chụp mri xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ là với chất gadolinium tiêm tĩnh mạch có giá trị trong các trường hợp sau đây:
- Cần xác chẩn nếu một tổn thương tại xương là u xương đặc, u xương ác tính hay u nang trong xương
- Nghi ngờ chấn thương xuất huyết tự phát hay xuất huyết từ khối u mô mềm bên dưới
- Xác định mức độ tổn thương tại xương, tủy xương và các mô mềm xung quanh
- Phân định tổn thương trong tủy sống như u tủy sống hay trong cột sống xâm lấn thần kinh.
3. Quy trình chụp MRI xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ
Nguyên tắc an toàn trong máy quét MRI là rất quan trọng. Vì từ trường mạnh có thể thu hút các vật kim loại mà bạn có trong hoặc trên người, bạn cần thay trang phục, loại bỏ các vật dụng cá nhân như mắt kính, kẹp tóc, ví, chìa khóa, đồng hồ, trang sức, điện thoại di động, thắt lưng,... Trong trường hợp bạn có máy tạo nhịp tim hoặc cấy ghép khác như kẹp phình động mạch, thay van tim cơ học, cấy ốc tai..., đây là các chống chỉ định của việc chụp MRI.
Nếu bạn hay cảm giác bị ngột ngạt do sợ không gian nhỏ hoặc kín và nghĩ rằng bạn có thể không thể tiến hành quét MRI được, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên để được chỉ định thuốc an thần. Trong trường hợp này, khi kết thúc, bạn sẽ không thể về nhà ngay mà cần ở lại theo dõi cho đến khi hoàn toàn tỉnh táo và người thân sẽ đưa bạn về nhà. Hơn nữa, vì máy quét MRI sẽ tạo ra tiếng ồn, bạn cần được trang bị nút bịt tai hay máy nghe nhạc để giảm bớt khó chịu trong quá trình thực hiện.
Với chỉ định chụp mri xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ, bạn cần phải nhịn ăn và uống ngay từ giữa đêm trước ngày đi chụp MRI. Tuy nhiên, việc uống thuốc để điều trị các bệnh lý mạn tính hay thuốc giảm đau do tình trạng tổn thương xương hiện tại vẫn được chấp nhận.
Khi mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất, bạn sẽ được yêu cầu nằm trên bàn quét và đưa một cái chuông để báo hiệu khi cần giao tiếp với các kỹ thuật viên bên ngoài. Điều quan trọng là bạn cần có tư thế nào thoải mái nhất và giữ nguyên trạng thái này, tránh di lệch trong suốt quá trình chụp nhằm thu nhận được hình ảnh rõ nét nhất. Bàn quét sau đó sẽ di chuyển vào trung tâm của máy. Đầu của bạn có thể ở bên trong hoặc bên ngoài máy quét, tùy thuộc vào phần xương và tủy xương nào cần được khảo sát.
Đầu tiên sẽ là pha chụp mri xương và tuỷ xương không tiêm thuốc, kỹ thuật viên sẽ thu thập các hình ảnh về cấu trúc của xương và khớp trong điều kiện bình thường. Khi đảm bảo các hình ảnh này đã đạt chất lượng, một lượng thuốc đối quang có bản chất là gadolinium sẽ được tiêm vào tĩnh mạch. Chờ thời gian thuốc theo dòng máu đến khớp, một loạt cắt lớp thứ hai sẽ được tiến hành sẽ là chụp mri xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ.
Kết thúc quá trình quét, bạn có thể ra về và sinh hoạt lại như bình thường, trừ các trường hợp có dùng thuốc an thần thì cần theo dõi tiếp tục cho đến hết thời gian bán hủy của thuốc.
4. Theo dõi gì sau khi chụp MRI xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ?
Thời gian cần thiết để đọc kết quả thường dài hơn và đòi hỏi cần có một bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh nhận định, phân tích. Kết quả sẽ được gửi trả về cho bác sĩ chỉ định. Bằng cách kết hợp với bệnh sử, triệu chứng cơ năng, các dấu hiệu thăm khám và các kết quả chẩn đoán hình ảnh học khác, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và định hướng điều trị.
Trong trường hợp các cấu trúc tổn thương xương và tuỷ xương cần đến những can thiệp ngoại khoa, kết quả cộng hưởng từ xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ này có thể là cơ sở giúp định hình phác đồ phẫu thuật cần thực hiện cũng như làm bằng chứng cho những so sánh, đối chiếu về hiệu quả điều trị về sau này, đặc biệt là nếu có điều trị bổ túc với hóa trị liệu.
So với chụp cộng hưởng từ không tiêm thuốc đối quang từ, việc chụp mri xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ cũng không cần có những theo dõi gì đặc biệt. Tỷ lệ quan sát thấy khả năng xảy ra dị ứng do thuốc đối quang từ là rất thấp, thấp hơn hẳn khi sử dụng thuốc cản quang trong chụp cắt lớp vi tính. Tuy nhiên, vẫn có một số rất ít bệnh nhân có thể thấy đau nơi tiêm thuốc hay cảm giác miệng có vị đắng, vị kim loại vài ngày sau đó. Mặc dù vậy, những biểu hiện này là thoáng qua và không gây ảnh hưởng đáng kể gì.
Tóm lại, chụp mri xương và tuỷ xương có tiêm thuốc đối quang từ là phương tiện giúp nhận định tổn thương bên trong xương và tủy xương một cách tốt nhất, đặc biệt là khi nghi ngờ sự hiện diện của các khối tân sinh. Với vai trò của thuốc đối quang, các cấu trúc giải phẫu sẽ được hiện lên rõ ràng, giúp bác sĩ nhận định hay phân biệt với các đặc điểm ác tính trong điều kiện tốt nhất và đưa ra các hướng can thiệp sớm, cải thiện dự hậu về sau này.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đưa vào sử dụng máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla công nghệ Silent. Máy chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla với công nghệ Silent của hãng GE Healthcare (Hoa Kỳ).
- Công nghệ Silent đặc biệt có lợi cho các trường hợp người bệnh là trẻ em, người già, người bệnh sức khỏe yếu và người bệnh đang phẫu thuật
- Hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.
- Công nghệ chụp cộng hưởng từ là công nghệ được áp dụng trong phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến, an toàn bậc nhất hiện nay bởi sự chính xác, không xâm lấn và không dùng tia X.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.