Những ai nên chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp ngày nay đang được sử dụng phổ biến vì những ưu điểm vượt trội hơn so với chụp XQ và chụp cắt lớp vi tính cơ xương khớp. Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp đánh giá được tổng quát các bất thường cấu trúc, không xâm lấn và an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, không thể áp dụng kỹ thuật này cho tất cả mọi trường hợp.

1. Thế nào là chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp?

Bệnh cơ xương khớp là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp trong cộng đồng. Chẩn đoán bệnh cơ xương khớp cần sự phối hợp giữa việc khai thác tiền sử, bệnh sử, thăm khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh.

Chụp cộng hưởng từ hay MRI (tên tiếng anh là Magnetic Resonance Imaging) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến. Khác với chụp cắt lớp vi tính sử dụng tia X, chụp cộng hưởng từ sử dụng từ trường và các sóng điện từ để tái tạo hình dạng và cấu trúc của các hệ cơ quan trong cơ thể muốn khảo sát. Vì thế người được chụp cộng hưởng từ không phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm tia X. Máy chụp cộng hưởng từ có kích thước lớn, bao gồm một khối nam châm khổng lồ để tạo ra từ trường có năng lượng cao.

Máy chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp tuân theo nguyên tắc hoạt động chung của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ. Sóng điện từ phát ra từ vùng từ trường năng lượng cao đến hệ xương, các khớp và các thành phần mô mềm xung quanh cần đánh giá, quay trở lại hệ thống máy để được xử lý và biến đổi thành các tín hiệu hình ảnh. Những chi tiết bất thường trên phim chụp cộng hưởng từ là gợi ý rất có giá trị giúp bác sĩ đưa ra những chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị cho người bệnh. Các cấu trúc như xương, bao khớp, đầu sụn, dây chằng, bao hoạt dịch, gân, cơ và các phần mềm xung quanh đều có thể được khảo sát tốt bằng chụp cộng hưởng từ. Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp còn được ứng dụng trong việc lên kế hoạch phẫu thuật cơ xương khớp, đặc biệt với các tổn thương sau chấn thương.


Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp chẩn đoán các bệnh về cơ xương khớp
Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp chẩn đoán các bệnh về cơ xương khớp

2. Chỉ định/ chống chỉ định cộng hưởng từ cơ xương khớp dành cho ai?

Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp nên được chỉ định với mục đích chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp. Các tổn thương xương, sụn khớp, bao hoạt dịch, dây chằng, đầu gân cơ đều có thể được khảo sát tốt trên máy chụp cộng hưởng từ. Chỉ định chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp bao gồm:

  • Bệnh viêm xương tuỷ xương
  • Bệnh thoái hoá khớp
  • Gãy xương
  • Rách dây chằng
  • Viêm nhiễm phần mềm như bao khớp, dây chằng, gân
  • Các dị tật bẩm sinh hệ xương khớp
  • Phát hiện các khối u xương, u tủy xương nguyên phát hoặc di căn từ cơ quan khác.
  • Chấn thương sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông nghi ngờ có tổn thương tại xương và các khớp.

Một cách tổng quát, chụp MRI cơ xương khớp là kỹ thuật an toàn cho người chụp. Tuy nhiên, bản thân phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cũng có những chống chỉ định đặc thù bao gồm:

  • Người bệnh mang trong cơ thể những vật liệu thay thế làm bằng kim loại như một số loại máy khử rung, máy tạo nhịp tim, van tim nhân tạo, phương tiện kết hợp xương, clip cầm máu, ... Những thiết bị này có thể bị hư hỏng dưới từ trường hoặc gây nhiễu hình ảnh cộng hưởng từ chụp được.
  • Người bệnh có mảnh đạn ở ổ mắt hoặc các khu vực ở vùng đầu.
  • Người mắc hội chứng sợ buồng kín vì quá trình chụp cộng hưởng từ được tiến hành dưới buồng máy là một không gian hẹp trong thời gian dài.
  • Người có trọng lượng cơ thể lớn, béo phì vì không vừa với giường chụp và buồng máy.

Các chống chỉ định của chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp không nhiều và không liên quan đến các tác dụng không mong muốn của kĩ thuật. Người bệnh cần chủ động thông báo với nhân viên y tế trong quá trình thăm khám để loại trừ các chống chỉ định. Loại bỏ được những trường hợp này, sự an toàn của người bệnh và chất lượng hình ảnh sẽ được đảm bảo.


Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp
Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp

3. Ý nghĩa chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp

Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp đang được thực hiện phổ biến trên thế giới và ngay tại Việt Nam. Từ thực tế lâm sàng, các bệnh lý cơ xương khớp khi được hỗ trợ chẩn đoán bằng chụp cộng hưởng từ đã được khảo sát chi tiết hơn và nâng cao được hiệu quả của việc điều trị.

Trong các chấn thương, chụp cộng hưởng từ có thể phát hiện được tình trạng gãy xương có hoặc không di lệch, trật khớp, đứt dây chằng, tổn thương đụng dập phù nề tủy xương. Một số tình huống có các tổn thương nhỏ hoặc ở những vùng chồng xương rất dễ bỏ sót trên phim chụp XQ và chụp cắt lớp vi tính nhưng sẽ được phát hiện khi chụp cộng hưởng từ. Tổn thương đứt dây chằng chỉ có thể được chẩn đoán xác định khi chụp MRI cơ xương khớp.

Trong bệnh u xương, chụp cộng hưởng từ cung cấp các thông tin về vị trí, kích thước và tính chất xâm lấn của khối u. Nhờ đó, các phẫu thuật viên có thể thực hiện công tác chuẩn bị trước mổ một cách tốt nhất.

Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp khảo sát được bất thường tại khớp, trong đó chủ yếu ở khớp háng, khớp gối và khớp vai. Khớp háng là một khớp phù hợp để có chỉ định chụp cộng hưởng từ vì cấu trúc phức tạp nhiều thành phần. Thoái hóa khớp háng, hoại tử chỏm xương đùi, tổn thương gãy xương, chèn ép các dây thần kinh đều có thể được chẩn đoán bằng cộng hưởng từ. Khớp gối là khớp rất hay gặp chấn thương gây tổn thương các cấu trúc phần mềm bên trong như dây chằng, sụn chêm, gân cơ và bao hoạt dịch. Chụp cộng hưởng từ khớp gối đánh giá được các tổn thương này một cách hiệu quả. Tương tự, khớp vai là khớp có biên độ vận động lớn với nhiều thành phần cấu trúc xung quanh. Các tổn thương cơ, sụn viền, bao hoạt dịch, mất vững khớp vai cũng là những chỉ định phù hợp của chụp cộng hưởng từ.


MRI giúp chẩn đoán tình trạng của gãy xương
MRI giúp chẩn đoán tình trạng của gãy xương

4. Ưu điểm của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp

Chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp có nhiều ưu điểm vượt trội trong đánh giá bệnh cơ xương khớp so với các kỹ thuật khác như:

  • Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, người bệnh không phải chịu đau đớn.
  • Người được chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp không có nguy cơ phơi nhiễm tia xạ.
  • Quan sát được một cách tổng quát các bất thường có được trên phim. Một số máy có hỗ trợ việc dựng hình ảnh 3D của bộ phận được khảo sát.
  • Ước lượng được sự thay đổi tại sụn khớp thông qua các cấu trúc sinh học.
  • Giảm thiểu tỷ lệ bỏ sót thương tổn. Một số bệnh lý còn được chẩn đoán sớm hơn và điều trị kịp thời hơn vì chụp cộng hưởng từ cơ xương khớp có thể phát hiện được những bất thường có kích thước vài mm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Trước khi nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park từ tháng 12 năm 2017, Bác sĩ Đặng Mạnh Cường có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh ở các Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng, Phòng MRI bệnh viện Nguyễn Tri Phương và khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Quốc tế Becamex.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe