Tiêm gân là gì? Khi nào cần tiêm gân?

Tiêm gân là gì? Khi nào cần tiêm gân?

Viêm gân là bệnh lý ở gân thường gặp đối với những bệnh nhân cao tuổi bị viêm khớp. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm gân như dùng thuốc, tập vật lý trị liệu,... Trong đó, tiêm gân là phương pháp điều trị mới có hiệu quả cao và trong thời gian dài.

1. Tổng quan về bệnh viêm gân

Viêm gân là tình trạng gân bị viêm hoặc tổn thương, gây đau nhức, sưng nóng xung quanh khớp. Bất kỳ gân ở vị trí nào cũng đều có khả năng bị viêm, tuy nhiên, viêm gân thường xuất hiện ở các vị trí với các dạng thường gặp như sau:

  • Vai: Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai, viêm gân nhị đầu vai, viêm gân chóp xoay.
  • Cánh tay: Viêm cầu lồi trong hoặc ngoài xương cánh tay.
  • Khuỷu tay: Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu.
  • Cổ và bàn tay: Viêm bao gân cổ tay, bao gân gấp bàn tay.
  • Vùng hông đùi: Viêm bao gân khớp háng.
  • Đầu gối: Viêm điểm bám gân bánh chè.
  • Bàn chân: Viêm bao gân cơ bàn chân.
  • Gót chân: Viêm vùng gót nơi bám gân Achilles.

Vai là vị trí thường bị viêm gân
Vai là vị trí thường bị viêm gân

2. Nguyên nhân gây viêm gân là do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây viêm gân như:

  • Chấn thương: Tai nạn lao động, sinh hoạt, giao thông xảy ra bất ngờ.
  • Các bệnh lý khớp: Viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, ...
  • Cử động sai tư thế hoặc căng cơ quá mức.
  • Thường xuyên lặp lại các hoạt động trong thời gian dài gây sức ép cho gân.

Ngoài ra, các yếu tố sau được cho là làm tăng nguy cơ viêm gân:

  • Tuổi tác: Các vị trí gân trên cơ thể người cao tuổi thường kém linh hoạt hơn, vì vậy dễ bị tổn thương và dẫn đến viêm gân hơn.
  • Nghề nghiệp: Các vận động viên thể thao, những người làm công việc nặng nhọc thường xuyên lặp lại động tác ở một vị trí hoặc hoạt động sai tư thế cũng có khả năng viêm gân cao hơn.

Người cao tuổi thường dễ viêm gân hơn
Người cao tuổi thường dễ viêm gân hơn

3. Tiêm gân là gì?

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý viêm gân như uống thuốc, tập vật lý trị liệu, ... trong đó, tiêm gân là phương pháp điều trị hiệu quả và đang được áp dụng ngày càng nhiều.

Tiêm gân là kỹ thuật tiêm thuốc corticoid vào gân nhằm mục đích điều trị những tổn thương ở gân, các mô quanh gân, màng hoạt dịch gân và nơi bám tận gân, nhờ đó giúp giảm đau và giảm viêm gân. Tuy nhiên, những trường hợp sau chống chỉ định tiêm gân:

  • Bệnh nhân bị viêm gân mãn tính (viêm gân trên 3 tháng): Tiêm corticoid liên tục có thể làm tăng nguy cơ đứt gân.
  • Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, nấm trên da hoặc tại vị trí tiêm,...: Tiêm gân có thể làm tăng nguy cơ đưa nấm, vi khuẩn vào khớp.

Bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch, tiền sử mắc các bệnh về máu, tăng huyết áp, đái tháo đường: Chỉ thực hiện tiêm gân đối với những trường bệnh nhân đã kiểm soát tốt các bệnh lý tiền sử này.

4. Khi nào cần tiêm gân?

Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ viêm gân, người bệnh cần nhanh chóng đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp bằng phương pháp tiêm gân. Các triệu chứng điển hình của viêm gân là:

  • Đau tập trung tại vị trí gân bị viêm và xung quanh.
  • Đau âm ỉ với mức độ tăng dần, lặp lại theo chu kỳ từ đau liên tục đến đau mạnh, sau đó giảm rồi đau tăng lên.

Viêm gân có thể xảy ra trong khoảng thời gian dài, có thể tự khỏi hoặc tiến triển thành mãn tính.

Đứt gân là biến chứng nghiêm trọng của viêm gân, thường gặp ở gân bánh chè hoặc gân cơ tứ đầu. Mặc dù biến chứng hiếm gặp nhưng khi xảy ra, đứt gân có triệu chứng là đột ngột đau nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi thực hiện hoạt động bất kỳ, sau đó chức năng vận động cơ của người bệnh bị mất hoàn toàn.

5. Tiêm gân được thực hiện như thế nào?

5.1 Quy trình kỹ thuật tiêm gân

Kỹ thuật tiêm gân phải được thực hiện bởi bác sĩ đã có trình độ chuyên môn, bằng cấp về cơ xương khớp và tiêm khớp, với quy trình thực hiện như sau:

  • Bước 1: Đặt người bệnh nằm hoặc ngồi trên ghế, giường bệnh. Hướng dẫn bệnh nhân thả lỏng tư thế ở vị trí gân cần tiêm.
  • Bước 2: Điều dưỡng viên hoặc y tá chuẩn bị thuốc tiêm, sát trùng vị trí tiêm cho bệnh nhân. Trong quá trình bác sĩ thực hiện kỹ thuật tiêm gân, điều dưỡng viên hoặc y tá phải quan sát toàn trạng và những bất thường có thể xảy ra.
  • Bước 3: Bác sĩ thực hiện sát trùng tay và mang găng tay y tế đã được vô khuẩn. Bác sĩ xác định vị trí tiêm và tiến hành kỹ thuật tiêm gân (đặt kim vuông góc với bề mặt da, đưa kim vào sâu khoảng 5mm nhưng không vượt quá 10mm, bơm thuốc nhẹ tay để đưa thuốc vào đúng vị trí cần tiêm với liều lượng từ 0,3 - 0.5 ml).

Bước 4: Sau khi thực hiện kỹ thuật tiêm gân, bác sĩ hoặc điều dưỡng viên/y tá tiến hành sát trùng và dùng băng để băng vị trí tiêm. Trong vòng 24 giờ sau khi tiêm, người bệnh không được để nước tiếp xúc ở vị trí tiêm.


Tiêm gân xương bánh chè
Tiêm gân xương bánh chè

5.2 Theo dõi và xử trí tai biến nếu có sau khi tiêm gân

Sau khi tiêm gân, người bệnh được theo dõi các chỉ số bao gồm: huyết áp, mạch đập, có chảy máu tại vị trí tiêm hay không và tình trạng viêm trong vòng 24 giờ.

Bên cạnh đó, trong 24 giờ sau khi tiêm gân, một số tai biến nếu có xảy ra cần được xử trí đúng cách như sau:

  • Đau tăng lên: Đây có thể là phản ứng viêm với tinh thể. Tình trạng này có thể xảy ra sau 24 giờ và không cần phải can thiệp, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung thuốc giảm đau và chống viêm cho người bệnh.
  • Làm mủ, nhiễm khuẩn tại vị trí tiêm: Điều trị bằng kháng sinh khi người bệnh có biểu hiện sốt, sưng đau tại vị trí tiêm gân.
  • Đứt gân: Khi tiêm vào gân, nếu đẩy pít-tông thấy nặng tay, bác sĩ cần lui kim lại khoảng từ 1- 2mm.
  • Các biến chứng muộn khác: Tiêm không đủ độ sâu, tiêm quá nông hoặc tiêm nhiều lần tại một vị trí có thể làm mất sắc tố hoặc teo da. Để tránh các biến chứng muộn này, khi thực hiện kỹ thuật cần lưu ý không được để thuốc tiêm trào ra khỏi vị trí.
  • Các biến chứng hiếm gặp khác: Bệnh nhân có thể cảm thấy sợ hãi khi tiêm gân do bác sĩ tiêm quá nhanh hoặc thuốc ngấm vào mạch máu. Biểu hiện sợ hãi thể hiện ở các triệu chứng như đổ mồ hôi, choáng váng, ho, tức ngực, khó thở, ... Lúc này, cần đặt người bệnh nằm đầu thấp, chân ở trên cao, đồng thời theo dõi các chỉ số huyết áp, mạch, để kịp thời xử trí cấp cứu.

Tiêm gân là phương pháp điều trị bệnh lý viêm gân thông dụng và hiệu quả điều trị cao. Tiêm gân được thực hiện khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng viêm gân, sau khi được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán xác định bệnh. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa biến chứng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe