Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Gân nhị đầu là một trong những gân khỏe của cơ thể nhưng cũng có thể bị viêm. Viêm gân nhị đầu thường gặp ở đầu dài trước của khớp vai. Bệnh nhân bị viêm gân nhị đầu thường cảm thấy đau đớn, vận động khó khăn.
1. Viêm gân nhị đầu
Gân nhị đầu dài là 1 trong 2 đầu gân của cơ nhị đầu cánh tay. Cơ này có tác dụng tham gia vào động tác gấp và sấp của khuỷu tay.
Gân nhị đầu dài chạy vào trong khớp và bám vào bờ trên của ổ chảo xương vai liên tục với phần trên của sụn viền. Đoạn trong khớp này của gân nhị đầu có vai trò phức tạp trong đó có một vai trò được nhắc đến là định hướng cho chuyển động của chỏm xương cánh tay.
Tổn thương đầu dài gân nhị đầu thường gặp ở người chơi thể thao, đặc biệt là các môn thể thao thường phải sử dụng tay qua đầu như tennis, cầu lông, bóng ném, bóng rổ,...
Tổn thương này không chỉ ảnh hưởng đến việc tập luyện và thi đấu mà còn gây nhiều khó chịu vì gây đau khớp diễn ra trong các động tác sinh hoạt hàng ngày.
Tổn thương đầu dài gân nhị đầu thường bao gồm:
- Viêm, thoái hóa hoặc rách chấn thương là một nguyên nhân gây đau khớp vai.
- Có thể có một hoặc nhiều vị trí tổn thương nằm ở nơi bám tận của đầu dài gân nhị đầu vào củ trên ổ chảo, sụn viền trước sau trên, gân nhị đầu (trong hoặc ngoài khớp), cung nhị đầu.
Theo thời gian đầu dài nhị đầu sẽ bị viêm dính do hoạt động quá mức và quá trình lão hóa gân. Các dấu hiệu cảnh báo của viêm gân nhị đầu như:
- Đau khớp vai liên tục hoặc thành từng đợt, đau lan xuống cánh tay theo hướng đi của cơ.
- Một số bệnh nhân thấy đau khớp vai tăng lên khi đưa cánh tay ra trước lên cao quá khớp vai.
- Tùy vào mức độ tổn thương, đau khớp có thể xuất hiện khi vận động vai ở 1 số động tác hoặc đau ê ẩm thường xuyên và kéo dài, nếu kèm theo tình trạng viêm của gân.
- Đau thường lan xuống vùng cánh tay hoặc cẳng tay.
- Bên cạnh đau là tình trạng bị giảm mạnh khả năng vận động do đau, bệnh nhân có thể không thực hiện được động tác do đau.
Đa phần người bị viêm gân nhị đầu sẽ được điều trị bảo tồn như:
- Nghỉ ngơi, quay lại vận động vai tăng dần, thuốc giảm đau, chống viêm.
- Có thể mặc áo đai cố định vai để bất động tạm thời khớp.
- Sau đó tập vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng lấy lại tầm vận động khớp và sức cơ.
- Kết hợp với tiêm corticoid có thể giúp giảm đau nhanh ở một số bệnh nhân phù hợp.
Tuy nhiên, một số trường hợp nặng cần phải được chỉ định phẫu thuật.
2. Mổ nội soi cắt đầu dài gân nhị đầu
Chỉ định cắt đầu dài gân nhị đầu là người trên 50 tuổi và không tham gia các hoạt động thể lực nặng. Các người bệnh này thuộc 1 trong 3 nhóm thương tổn sau:
- Viêm gân nhị đầu có kèm theo rách,
- Viêm gân nhị đầu bán trật gân vào trong,
- Rách thoái hóa sụn viền trước sau trên kèm theo tổn thương đầu dài gân nhị đầu.
Phẫu thuật chống chỉ định với người bệnh có bệnh nội khoa đi kèm có chống chỉ định gây mê, phẫu thuật. Cắt đầu dài gân nhị đầu mang lại kết quả giảm đau kém khi trước mổ có dấu hiệu chỏm xương cánh tay dâng cao và kèm theo thoái hóa mỡ gân chóp xoay.
Hậu phẫu mang dây treo tay trong 3-5 ngày, cho phép vận động khớp vai hết tầm; không được gấp khuỷu có kháng lực trong vòng 1 tháng sau mổ. Theo dõi mức độ giảm đau, dấu “pop eyes” ở cánh tay. Không có tai biến nghiêm trọng trong phẫu thuật cắt đầu dài gân nhị đầu
Với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, khả năng phục hồi lại vị trí tổn thương tương đối dễ dàng mà ít ảnh hưởng đến các cấu trúc giải phẫu lân cận. Sau phẫu thuật khoảng 2 tháng, bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt thông thường nhưng không thực hiện các động tác nhanh mạnh hoặc mang xách nặng. Trong 2 tháng đầu, cần thường xuyên tập vận động nhẹ để duy trì biên độ vận động của khớp vai và tránh teo các cơ quanh vai.
Phẫu thuật nội soi cắt đầu dài gân nhị đầu là một phương pháp hiện đại giúp điều trị tổn thương đầu dài gân nhị đầu tốt nhất hiện nay, đem lại hiệu quả cao và khả năng phục hồi nhanh chóng cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.