Thuốc Zanicidol trị bệnh gì?

Thuốc Zanicidol với thành phần chính là Paracetamol được sử dụng để giảm đau. Bài viết dưới đây nói chi tiết về chỉ định điều trị bệnh cũng như cách sử dụng cùng lưu ý khi sử dụng thuốc Zanicidol.

1. Zanicidol là thuốc gì?

Zanicidol thuộc nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không chứa steroid, được bào chế dưới dạng viên nén. Thuốc Zanicidol có thành phần gồm Paracetamol 500mg và Codein phosphat 8mg cùng tá dược vừa đủ viên, được đóng gói hộp gồm 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.

Do Zanicidol có thành phần là Paracetamol nên được điều trị trong những trường hợp đau nhức trên cơ thể, phẫu thuật hay hỗ trợ điều trị các bệnh về khớp, hạ sốt, cảm cúm.

2. Thuốc Zanicidol trị bệnh gì?

Với thành phần chính là Paracetamol, công dụng thuốc Zanicidol 500mg đó là:

  • Điều trị ngắn hạn những cơn đau cấp tính từ mức độ trung bình như đau nhức răng, đau đầu, đau bụng kinh, đau dây thần kinh, chấn thương, phẫu thuật;
  • Hỗ trợ điều trị các bệnh lý về khớp như viêm khớp dạng thấp;
  • Có tác dụng hạ sốt.

Tuy nhiên, Zanicidol chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bị mẫn cảm, dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc Zanicidol;
  • Người bị hen suyễn, suy hô hấp, mắc bệnh phổi mãn tính;
  • Người bị suy gan nặng;
  • Người mắc bệnh về tim, phổi, thận hoặc gan, thiếu máu nhiều lần;
  • Người bệnh thiếu hụt men Glucose-6-phosphat dehydrogenase.

3. Liều dùng thuốc Zanicidol

Liều uống Zanicidol thông thường như sau:

  • Đối với người lớn: 1 ngày không uống quá 8 viên. Mỗi lần uống 1-2 viên, cách mỗi lần uống 4-6 giờ.
  • Đối với trẻ em > 12 tuổi: một ngày không uống quá 4 viên. Mỗi lần uống 1 viên, cách mỗi lần uống 6 giờ.

Khoảng thời gian sử dụng thuốc điều trị giảm đau nên giới hạn không quá 3 ngày. Những trường hợp không đạt hiệu quả giảm đau cần có sự tư vấn, chỉ dẫn của bác sĩ.

4. Các lưu ý khi sử dụng thuốc Zanicidol

Trong quá trình sử dụng Zanicidol, người bệnh cần chú ý những điều sau:

  • Đối với phụ nữ đang mang thai hay đang cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi, không được sử dụng thuốc Zanicidol;
  • Đối với người lái xe hay vận hành điều khiển máy móc, cẩn trọng khi dùng thuốc do có chất gây buồn ngủ;
  • Không được sử dụng các loại nước giải khát có cồn hay rượu bia khi uống thuốc;
  • Không nên sử dụng liên tục kéo dài 2 tuần do có thể gây rối loạn chức năng thận, gan;
  • Do thuốc có thành phần Codein nên khi dùng liều cao và kéo dài sẽ có thể gây dung nạp và phụ thuộc thuốc. Cẩn trọng khi dùng ở bệnh nhân có bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, khí phế thủng, có tiền sử nghiện thuốc.

Một vài tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Zanicidol:

  • Thường xảy ra: Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu; buồn nôn, táo bón; rối loạn mạch nhịp; hạ huyết áp ở tư thế đứng; khát nước; hồi hộp.
  • Ít xảy ra: mẩn ngứa, mề đay; bồn chồn; suy hô hấp; đau dạ dày; co thắt ống mật.
  • Hiếm gặp: co giật, sốc phản vệ; rối loạn thị giác; suy hệ tuần hoàn
  • Sử dụng liều codein 240-540 mg/ngày có thể dẫn đến tình trạng nghiện thuốc cùng các biểu hiện run, co giật, bồn chồn, toát mồ hôi, gây phụ thuộc về tâm lý dùng thuốc.

Một số tương tác thuốc Zanicidol:

  • Dùng liều cao và kéo dài Paracetamol có thể gây tăng nhẹ tác dụng chống máu đông của Coumarin và dẫn chất Indandion;
  • Các thuốc chống co giật như Phenytoin, Carbamazepin,... gây cảm ứng men gan, tăng chuyển hóa Paracetamol thành các chất độc cho gan;
  • Sử dụng đồng thời với Isoniazid có thể tăng độc tính trên gan của Paracetamol;
  • Không nên dùng đồng thời với thuốc tác dụng lên hệ thần kinh như thuốc chống trầm cảm do có chứa Codein;
  • Tránh kết hợp Zanicidol với các thuốc ho khác, thuốc nhóm Morphin, do có thể làm suy hô hấp.

Thuốc Zanicidol được sử dụng phổ biến, nhưng không nên lạm dụng quá nhiều làm mất hiệu quả của thuốc, cần tham khảo ý kiến dược sĩ, bác sĩ trước khi dùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe