Thuốc hỗ trợ ngủ và bệnh tiểu đường

Lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, chẳng hạn như tim, thận hoặc tuyến giáp. Hơn nữa, những người mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về rối loạn giấc ngủ gồm khó ngủ, mất ngủ, chứng ngưng thở khi ngủ hoặc hội chứng chân không yên. Do đó, nhiều người đã lựa chọn sử dụng thuốc hỗ trợ ngủ kết hợp với lối sống lành mạnh để cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình.

1. Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ như thế nào?

Bệnh tiểu đường khiến cho cơ thể bạn không thể sản xuất được đủ lượng insulin thích hợp, điều này dẫn đến tình trạng dư thừa đường glucose trong máu. Tiểu đường bao gồm ba dạng bệnh chính là: tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và bệnh tiểu đường thai kỳ.

Đối với bệnh tiểu đường tuýp 1, mặc dù cơ thể bạn vẫn sản xuất ra lượng hormone insulin như bình thường ở tuyến tụy, tuy nhiên bạn vẫn cần phải bổ sung thêm insulin vào cơ thể hàng ngày. Trong khi đó, bệnh tiểu đường tuýp 2 khiến cho cơ thể không sử dụng được insulin một cách hiệu quả để chuyển hoá lượng đường huyết.

Các biến chứng do tiểu đường gây ra sẽ phụ thuộc vào mức độ kiểm soát lượng đường trong má. Tức là, khi quản lý bệnh tiểu đường càng chặt chẽ, nguy cơ gặp các biến chứng do bệnh sẽ càng thấp. Lượng đường trong máu cao có thể gây ra một số triệu chứng nhất thời, chẳng hạn như đói bụng, thường xuyên khát và tăng tần suất đi tiểu. Tuy nhiên, hầu hết những triệu chứng này không làm ảnh hưởng quá nhiều tới chất lượng giấc ngủ của bạn.

Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh tiểu đường có mối liên hệ mật thiết đối với tình trạng tiểu đường mất ngủ hoặc khó ngủ. Điều này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Lượng đường cao trong máu khiến tăng tần suất đi tiểu vào ban đêm và làm cho bạn thường xuyên phải thức giấc để đi tiểu, gây gián đoạn giấc ngủ.
  • Khi có quá nhiều đường glucose trong cơ thể, chúng sẽ lấy nước từ các mô tế bào và khiến cho bạn có cảm giác khát nước và phải thức dậy thường xuyên để uống nước vào ban đêm.
  • Các triệu chứng của hạ đường huyết, chẳng hạn như đổ mồ hôi, chóng mặt hay run rẩy, cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vào ban đêm.

85% số người bị tiểu đường có giấc ngủ không ngon, thường xuyên thức giấc và khó ngủ lại
85% số người bị tiểu đường có giấc ngủ không ngon, thường xuyên thức giấc và khó ngủ lại

2. Một số rối loạn giấc ngủ phổ biến liên quan đến bệnh tiểu đường

Việc nằm loay hoay, trở mình liên tục và trằn trọc trên giường ngủ vào mỗi đêm có lẽ đã là một phần vô cùng quen thuộc đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Mặc dù các tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể xảy ra do tác động của bệnh tiểu đường, tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, nó cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh lý khác. Theo nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân tiểu đường thường gặp phải các rối loạn giấc ngủ sau:

  • Chứng ngưng thở khi ngủ: Đây được coi là dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất ở những người mắc tiểu đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguyên nhân chính là do những bệnh nhân mắc phải dạng tiểu đường này thường thuộc các trường hợp dễ bị thừa cân và béo phì, gây đè nén lên đường hô hấp. Các triệu chứng chính của chứng ngưng thở khi ngủ thường bao gồm mệt mỏi vào ban ngày và ngáy to vào ban đêm.
  • Hội chứng chân không yên: Hội chứng này liên quan đến việc chân của bạn liên tục muốn di chuyển do bị kích thích. Tình trạng này có xu hướng xảy ra chủ yếu vào ban đêm hoặc khi cơ thể bạn bị thiếu chất sắt, khiến cho bạn cảm thấy khó ngủ và ngủ không được sâu giấc. Những đối tượng dễ gặp phải hội chứng chân không yên, bao gồm người mắc bệnh tiểu đường, rối loạn tuyến giáp hoặc có các vấn đề về thận.
  • Chứng mất ngủ: Chứng rối loạn giấc ngủ này thường gặp phải ở những người có lượng đường quá cao trong máu hoặc bị stress nặng. Những dấu hiệu đặc trưng của chứng mất ngủ thường bao gồm không thể ngủ yên hoặc cảm thấy rất khó ngủ.

3. Thuốc hỗ trợ ngủ cho bệnh nhân tiểu đường

Hiện nay, thuốc melatonin được xem như một giải pháp hiệu quả giúp bạn giải quyết các vấn đề về giấc ngủ. Melatonin là một loại hormone sản sinh tự nhiên trong cơ thể, giúp kiểm soát chu kỳ ngủ và thức của bạn. Không giống với insulin, melatonin là một loại hormone được sản xuất tổng hợp và có thể tiêu hoá được, do đó nó đã được điều chế thành thuốc bổ sung tự nhiên dưới dạng viên có sẵn không cần kê đơn.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cho biết, việc sử dụng melatonin có thể làm tăng tình trạng kháng insulin của cơ thể. Tuy nhiên, điều này vẫn không thể ngăn nhiều người sử dụng chúng như một phương thuốc giúp điều trị các rối loạn giấc ngủ. Nhiều chuyên gia cho rằng, melatonin sẽ không khiến bạn cảm thấy thất vọng như các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ khác. Thậm chí, nó còn an toàn đối với trẻ nhỏ. Bạn có thể bắt đầu sử dụng chúng với một viên thuốc nhỏ 1mg trước khi đi ngủ và sau đó tăng dần liều khi cần thiết.

Nếu việc sử dụng melatonin không mang lại hiệu quả điều trị các vấn đề giấc ngủ như bạn mong đợi, bạn có thể sử dụng các loại thuốc kháng histamine có chứa diphenhydramine (có trong Benadryl hoặc thuốc giảm đau vào ban đêm như Advil PM và Tylenol PM) hoặc doxyalimine (có trong viên nén hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn Unisom).

Nhiều bằng chứng trên một số diễn đàn tiểu đường trực tuyến đã cho thấy, thuốc melatonin và thuốc kháng histamine là những cách phổ biến nhất giúp người tiểu đường buồn ngủ hay nói cách khác là điều trị chứng mất ngủ. Những loại thuốc này cũng không đem lại tác dụng quá lớn đến mức khiến bạn khó tỉnh lại một cách tự nhiên trong trường hợp khẩn cấp hoặc hạ đường huyết. Tình trạng hạ đường huyết qua đêm hoặc không nhận thức được lượng đường trong máu hạ thấp là những yếu tố hàng đầu mà bạn cần lưu ý. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ hoặc đeo máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM) nếu bạn có điều kiện.


Melatonin là loại thuốc được sử dụng phổ biến để hỗ trợ giấc ngủ cho bệnh nhân tiểu đường
Melatonin là loại thuốc được sử dụng phổ biến để hỗ trợ giấc ngủ cho bệnh nhân tiểu đường

4. Làm thế nào để cải thiện giấc ngủ ở những người mắc bệnh tiểu đường?

Khác với tình trạng bệnh tiểu đường ngủ nhiều hay người tiểu đường ngủ li bì. Trường hợp người mắc bệnh bị mất ngủ, bệnh nhân mắc tiểu đường có thể thực hiện theo một số phương pháp sau đây để cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình, bao gồm:

4.1 Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ

Bạn không nên sử dụng các thiết bị có ánh sáng xanh vào ban đêm trước khi đi ngủ, chẳng hạn như điện thoại hoặc máy tính, vì những thiết bị này có thể kích thích não bộ hoạt động và khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn. Thay vào đó, có thể đọc một vài trang sách giấy trước giờ đi ngủ để đầu óc được thư giãn và bớt bị mỏi mắt hơn.

4.2 Không sử dụng đồ uống có cồn trước khi đi ngủ

Mặc dù việc uống một ly rượu có thể giúp bạn cảm thấy muốn ngủ hơn, tuy nhiên khi tiêu thụ đồ uống có cồn sẽ khiến bạn khó có thể ngủ sâu và đủ giấc được.

4.3 Thiết lập giờ đi ngủ cố định

Bạn nên đi ngủ vào một khung giờ nhất định trong ngày, kể cả vào cuối tuần. Cơ thể bạn sẽ cài đặt lại đồng hồ sinh học, giúp bạn quen dần và dễ ngủ hơn.

4.4 Không dùng chất kích thích hoặc hoạt động mạnh vào ban đêm

Uống cà phê hoặc tập thể dục cường độ mạnh vào ban đêm có thể khiến bạn khó ngủ. Tốt nhất, bạn nên lựa chọn các bài tập thể chất thư giãn nhẹ nhàng, chẳng hạn như yoga để kích thích cơ thể dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.

Ngoài việc chú ý đến lối sống và cách sinh hoạt hàng ngày, người mắc bệnh tiểu đường cũng cần duy trì chế độ ăn lành mạnh và thực hiện khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra sự tiến triển của bệnh từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe