Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Đau vai là một trong những nguyên nhân gây đau mạn tính thường gặp, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên. Cơn đau khởi phát tự nhiên, không liên quan đến chấn thương, tăng khi cử động và nhiều về đêm, đôi khi gây mất ngủ.
1. Đau vai là nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ
Đa số bệnh nhân bị đau vai có rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là trước khi phẫu thuật. Hầu hết các bệnh nhân sau phẫu thuật gân chóp xoay đều có cải thiện chung về chất lượng giấc ngủ. Như vậy, chính đau vai là nguyên nhân trực tiếp và yếu tố thúc đẩy rối loạn giấc ngủ ở các bệnh nhân bị hội chứng gân chóp xoay.
Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng rối loạn giấc ngủ liên quan đến 15% đến 35% dân số nói chung. Rối loạn giấc ngủ có thể nghiêm trọng đến mức cản trở hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần, xã hội và cảm xúc. Hệ quả là ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, gây ra rối loạn tâm trạng và lo lắng. Ngủ một vài giờ vào ban đêm có thể gây ra hậu quả về tình trạng cảm xúc như khó chịu, dễ bực tức, giảm sự tập trung, giảm khả năng thực hiện các hoạt động cuộc sống hàng ngày.
Tổn thương gân chóp xoay là nguyên nhân thường gặp trong đau vai gáy gây mất ngủ. Bệnh tiến triển nhiều tháng, dai dẳng, các triệu chứng có thể tăng dần theo thời gian, làm hạn chế vận động khớp vai. Bệnh nhân bị rách gân chóp xoay thường hay phàn nàn về những hạn chế chức năng và thậm chí trầm cảm, lo lắng và rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ là một trong những phàn nàn phổ biến nhất của bệnh nhân bị rách gân chóp xoay. Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 1/10 bệnh nhân rách gân chóp xoay khẳng định họ có một giấc ngủ bình thường. Những bệnh nhân bị rách gân chóp xoay dường như bị rối loạn giấc ngủ nhiều hơn so với những bệnh nhân bị bệnh lý quanh khớp vai khác.
2. Vì sao đau vai gáy gây mất ngủ
Có nhiều giả thuyết lý giải vì sao đau vai gáy mất ngủ. Một giả thuyết cho rằng, người bệnh thường do vận động quá mức đối với vai bị đau, các động tác này lặp đi lặp lại khiến cơn đau xuất hiện. Ngay cả khi cơn đau xuất hiện nhưng người bệnh vẫn tiếp tục phải lao động và làm việc nên gây ra sự quá tải, cảm giác đau thường xuất hiện trội hơn vào cuối ngày làm việc hoặc về đêm.
Một giả thuyết khác được đưa ra, đó là đau vai do bất động tư thế ở tư thế nằm nghiêng trong khi ngủ. Sự gia tăng áp lực lên vai do trọng lượng của lồng ngực gây ra có thể đủ gây ra các cơn đau vai sau đó. Hiện tượng này không được điều chỉnh trong khi ngủ say và cứ lặp lại nhiều đêm, đến khi cơn đau vượt quá giới hạn của cơ thể thì ảnh hưởng đến giấc ngủ. Để kiểm tra giả thuyết này, một nghiên cứu sơ bộ đã được thực hiện để so sánh mức độ nghiêm trọng của cơn đau vai với độ nghiêng của tư thế ngủ. Kết quả thật đúng như dự đoán về mối quan hệ nhân quả giữa hai vấn đề này.
Nhiều nghiên cứu có thể được thực hiện để kiểm tra giả thuyết này bằng cách tập trung vào thói quen ngủ của bệnh nhân đau vai. Theo giả thuyết hiện nay, đau vai phần lớn xảy ra ở bên mà bệnh nhân muốn ngủ trước khi bắt đầu đau vai. Lý thuyết về tư thế đau vai gáy cung cấp khả năng cho một phương pháp mới và không xâm lấn để điều trị đau vai bằng cách thay đổi tư thế trong khi ngủ. Tư thế ngủ có tương quan với chất lượng giấc ngủ ở những bệnh nhân bị tổn thương gân chóp xoay, vì tư thế ngủ ảnh hưởng đến áp lực dưới da. Tư thế nằm ngửa gây ra áp lực dưới da thấp hơn đáng kể so với tư thế nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Các tư thế ngủ gây tăng áp lực lên vai có thể dẫn đến sự lan truyền của những biến đổi thoái hóa, teo và tiến triển rách gân chóp xoay.
Đau vai thường tăng vào ban đêm. Chính điều này khiến chất lượng giấc ngủ ở những bệnh nhân bị đau vai thường thấp. Mức độ đau gây khó ngủ của bệnh nhân là không rõ ràng và có thể thay đổi theo sự cảm nhận chủ quan của từng người. Khi bị đau, cơ thể sẽ gia tăng sản xuất các cytokine gây viêm được cho là một yếu tố có thể gây mất ngủ. Mức melatonin trong cơ thể cao nhất vào ban đêm và sáng sớm có thể kích hoạt phản ứng viêm này và có thể là nguyên nhân làm tăng mức độ đau vai về đêm. Mặc dù việc sửa chữa rách gân chóp xoay bằng phẫu thuật sẽ cải thiện tình trạng tâm lý, chức năng thể chất và sức khỏe chung, nhưng bệnh nhân vẫn có thể phàn nàn về rối loạn giấc ngủ trong một khoảng thời gian sau mổ trước khi mọi việc ổn định trở lại.
Các nguyên nhân khác nhau có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm chất lượng giấc ngủ bao gồm suy giảm chức năng vận động của vai trong khi ngủ, cơ thể phải duy trì một tư thế gượng ép và cứng vai.
3. Điều trị đau mỏi vai gáy mất ngủ phải bắt đầu từ nguyên nhân
Đau mỏi vai gáy mất ngủ cần điều trị từ nguyên nhân. Điều trị rách gân chóp xoay có thể được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi khớp vai hoặc điều trị bảo tồn.
Cho dù điều trị bệnh lý gân chóp xoay xong, người bệnh vẫn có thể bị rối loạn giấc ngủ một khoảng thời gian trước khi ổn định trở lại. Có thống kê cho thấy, 2 năm sau khi mổ nội soi khớp vai điều trị bệnh lý gân chóp xoay, 41% bệnh nhân vẫn còn bị rối loạn giấc ngủ ở các mức độ khác nhau. Điều này cho thấy bạn nên điều trị bệnh lý đau vai càng sớm càng tốt, tránh để kéo dài đến giai đoạn gây ra mất ngủ.