Thực dưỡng và ung thư: Những điều cần biết

Bài viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương - Bác sĩ Huyết học – Ung thư - Đơn nguyên Huyết học và Trị liệu tế bào - Trung tâm Y học Tái tạo và Trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Chế độ ăn thực dưỡng là một chế độ ăn mới nổi lên tại Việt Nam và các nước trong những năm gần đây, nhiều người cho rằng chế độ ăn này có thể điều trị cả căn bệnh ung thư. Vậy thực hư về chế độ ăn thực dưỡng như thế nào và có nên duy trì hay không?

1. Thực dưỡng chưa bao giờ là phương pháp điều trị ung thư

Chế độ ăn kiêng Thực dưỡng (tiếng Anh: macrobiotic, xuất phát từ tiếng Hi Lạp μακρός "lớn" và βίος "đời sống") là một chế độ ăn kiêng pescetaria (tức là ăn hải sản, rau củ, trứng sữa và đôi khi ăn chay hoặc thuần chay) một cách cố định dựa trên các ý tưởng về các loại thực phẩm được rút ra từ Thiền tông [1]. Chế độ ăn uống này cố gắng cân bằng các yếu tố âm dương của thực phẩm và dụng cụ nấu nướng. Nguyên tắc chính của chế độ ăn uống thực dưỡng là giảm các sản phẩm từ động vật, ăn thực phẩm được trồng tại địa phương đang trong mùa và tiêu thụ bữa ăn trong chừng mực. Điểm hội tụ của triết lý và thực hành nằm chính yếu ở thực phẩm và sự ăn uống [1].

Hiện tại, KHÔNG CÓ MỘT BẰNG CHỨNG LÂM SÀNG nào có giá trị nghiên cứu cao cho thấy chế độ ăn uống thực dưỡng là hữu ích cho những người mắc bệnh ung thư hoặc các bệnh khác, và nó có thể gây hại [1], [2]. Cả American Cancer Society (Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ) và Cancer Research of United Kingdom (Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh) đều khuyên KHÔNG NÊN ÁP DỤNG chế độ ăn kiêng này [3][4].

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo "chế độ ăn ít chất béo, chất xơ bao gồm chủ yếu là các sản phẩm thực vật". Tuy nhiên, họ kêu gọi những người mắc bệnh ung thư không nên dựa vào chương trình ăn kiêng như một phương pháp điều trị duy nhất hoặc chính [4] Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh tuyên bố: "Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng chế độ ăn uống thực dưỡng có thể điều trị hoặc chữa khỏi bệnh ung thư hoặc bất kỳ bệnh nào khác" [3].

Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.

Bài dịch từ: webmd.com

2. Biến chứng của chế độ ăn thực dưỡng

Những biến chứng của chế độ ăn thực dưỡng như sau:

  • Trẻ em: Trẻ em cũng có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng do chế độ ăn uống thực dưỡng [4].
  • Phụ nữ mang thai: Chế độ ăn thực dưỡng chưa được kiểm nghiệm hay thử nghiệm ở phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú và các dự đoán tệ nhất là không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai nhi, cần thiết cho sức khỏe của mẹ trong và sau thai kỳ [4].

Một trong những phiên bản sớm hơn của chế độ ăn thực dưỡng có liên quan đến việc chỉ ăn gạo lứt và uống nước đã được liên hệ đến sự thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Chế độ ăn kiêng thực dưỡng nghiêm ngặt trong đó không ăn sản phẩm từ động vật có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, trừ khi chúng được lên kế hoạch một cách cẩn thận trước. Nguy hiểm có thể tồi tệ hơn đối với những người mắc bệnh ung thư, những người có thể phải đối mặt với việc sụt cân không mong muốn và thường có nhu cầu dinh dưỡng và calo tăng lên. Dựa vào thực dưỡng để điều trị bệnh như là phương pháp duy nhất và né tránh hoặc trì hoãn chăm sóc y tế thông thường theo bác sĩ cho bệnh nhân ung thư có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, bỏ qua thời điểm vàng để cứu mạng được bệnh nhân ung thư [4].


Chế độ ăn kiêng thực dưỡng không ăn sản phẩm từ động vật dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng
Chế độ ăn kiêng thực dưỡng không ăn sản phẩm từ động vật dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

  1. Lerman RH (7 tháng 12 năm 2010). “The Macrobiotic Diet in Chronic Disease”. Nutrition in Clinical Practice 25 (6): 621–626.
  2. Hübner J, Marienfeld S, Abbenhardt C, Ulrich CM, Löser C (tháng 11 năm 2012). “[How useful are diets against cancer?]”. Deutsche Medizinische Wochenschrift (Review) (bằng tiếng German) 137 (47): 2417–22. PMID 23152069.
  3. Macrobiotic diet”. Cancer Research UK. Truy cập ngày 09 tháng 11 năm 2019.
  4. Russell J; Rovere A biên tập (2009). “Macrobiotic Diet”. American Cancer Society Complete Guide to Complementary and Alternative Cancer Therapies (ấn bản 2). American Cancer Society. tr. 638–642.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe