Thoát vị đĩa đệm bao lâu thì khỏi? Nguy cơ tái phát có cao không?

Thoát vị đĩa đệm bao lâu thì khỏi là một câu hỏi phổ biến mà nhiều người bệnh thường trăn trở khi phải đối mặt với tình trạng này. Bên cạnh đó, câu hỏi về khả năng tái phát của bệnh sau khi đã khỏi cũng là một mối quan tâm không kém. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trên cũng như các phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm hiệu quả nhất.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BSNT Phan Bá Quỳnh - Bác sĩ ngoại chấn thương chỉnh hình, chuyên khoa Phẫu thuật cột sống - Phẫu thuật khớp và Y học thể thao thuộc Trung tâm chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Thoát vị đĩa đệm bao lâu thì khỏi?

Thời gian hồi phục cho bệnh thoát vị đĩa đệm rất khó dự đoán do sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, bệnh nền và phản ứng với điều trị của mỗi người. Vị trí của đĩa đệm bị thoát vị, mức độ tổn thương liên quan và nguy cơ biến chứng cũng ảnh hưởng đến thời gian điều trị.  

Một số người có thể thấy sự cải thiện chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng, trong khi những người khác, nhất là những trường hợp bị thoái hóa do tuổi tác, có thể mất nhiều năm để phục hồi. 

Thoát vị đĩa đệm bao lâu thì khỏi và khả năng tái phát luôn là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh.
Thoát vị đĩa đệm bao lâu thì khỏi và khả năng tái phát luôn là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm bao lâu thì khỏi phụ thuộc vào nhiều yếu tố và thường được bác sĩ dự đoán dựa trên kết quả thăm khám. Tuy nhiên, thời gian điều trị thực tế thường lâu hơn do các nguyên nhân sau:

  • Cung cấp máu kém: Đĩa đệm ở người trưởng thành không được cung cấp máu tốt, khiến khả năng phục hồi hoàn toàn trở nên khó khăn.
  • Phản ứng cá nhân: Mỗi người có tốc độ phục hồi và đáp ứng với phương pháp điều trị khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng.
  • Chèn ép dây thần kinh: Hiện tượng dây thần kinh bị chèn ép có thể gây đau dai dẳng, làm phức tạp quá trình điều trị và phục hồi.
  • Thời gian nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi kéo dài sau chấn thương hoặc ít vận động có thể làm chậm quá trình hồi phục.
  • Hoạt động quá sớm: Vận động mạnh quá sớm sau khi chữa trị có thể làm tăng mức độ tổn thương, kéo dài thời gian chữa bệnh và thậm chí để lại di chứng vĩnh viễn.
  • Hút thuốc: Thói quen hút thuốc, dung nạp nhiều nicotin cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi thoát vị đĩa đệm.

2. Thoát vị đĩa đệm khỏi rồi có tái phát không?

Bên cạnh thắc mắc thoát vị đĩa đệm bao lâu thì khỏi, một vấn đề quan trọng khác mà nhiều người bệnh cũng rất quan tâm đó là liệu bệnh có thể tái phát sau khi đã điều trị khỏi hay không.

Theo các chuyên gia y tế, thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn và nguy cơ tái phát là khá cao. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp người bệnh tiếp tục tham gia các hoạt động nặng, làm việc quá sức hay vận động mạnh, khiến tình trạng cột sống trở nên tổn thương nặng hơn, dẫn đến tái phát bệnh thậm chí nghiêm trọng hơn lần trước.

Những lần tái phát của thoát vị đĩa đệm có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho cột sống, tạo ra nhiều di chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, ngay cả khi đã điều trị khỏi, bệnh nhân vẫn cần chú ý đặc biệt đến sức khỏe của mình.

Việc tái khám định kỳ, giảm bớt tần suất lao động nặng và thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng là những biện pháp cần thiết để giữ cho cột sống khỏe mạnh và hạn chế nguy cơ tái phát của bệnh thoát vị đĩa đệm.

3. Cần làm gì để nhanh phục hồi thoát vị đĩa đệm

Sau khi giải đáp thắc mắc thoát vị đĩa đệm bao lâu thì khỏi việc tìm hiểu các phương pháp giúp hồi phục đĩa đệm là thực sự cần thiết. Để tăng cường quá trình phục hồi từ bệnh thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần lưu ý một số điểm quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày và phương pháp điều trị.

3.1 Vận động nhẹ nhàng

Tránh các hoạt động nặng như bê vác, nhấc bổng vật nặng hoặc thực hiện các động tác đột ngột có thể làm tăng áp lực lên cột sống. Thay vào đó, hãy tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc bơi lội nhằm tăng cường sức mạnh cơ bắp mà không gây thêm áp lực lên các đĩa đệm.

3.2 Uống đủ nước

Cơ thể chúng ta gần 80% là nước, vì vậy khi bị mất nước, quá trình lưu thông máu sẽ trở nên khó khăn, làm giảm lượng máu đến cột sống, khiến quá trình hồi phục bệnh thoát vị đĩa đệm trở nên chậm hơn.  

Việc uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày và bổ sung thêm các loại nước ép trái cây tự nhiên, nước dừa là vô cùng hữu ích trong quá trình phục hồi thoát vị đĩa đệm.
Việc uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày và bổ sung thêm các loại nước ép trái cây tự nhiên, nước dừa là vô cùng hữu ích trong quá trình phục hồi thoát vị đĩa đệm.

Để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, bệnh nhân nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Bổ sung thêm các loại đồ uống như nước trái cây tươi, nước dừa, sinh tố rau củ, nước luộc rau và canh cũng là những lựa chọn tốt để giúp cơ thể hydrat hóa đầy đủ, hỗ trợ sức khỏe xương khớp và cải thiện sức khỏe tổng thể.

3.3 Chế độ dinh dưỡng

Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm, mặc dù nhiều người vẫn cho rằng chế độ ăn uống không ảnh hưởng nhiều đến tình trạng bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể hỗ trợ đáng kể quá trình phục hồi, tăng cường sức đề kháng và nhanh chóng cải thiện sức khỏe.  

Để hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm, nên bổ sung các loại thực phẩm sau vào thực đơn hàng ngày:

  • Hải sản có vỏ như nghêu, sò, ốc, hến, hàu, đều là nguồn cung cấp canxi dồi dào.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn canxi lý tưởng.
  • Thực phẩm giàu protein, bao gồm thịt gà, trứng, cá và đậu lăng.
  • Rau lá xanh đậm như cải xoong và cải kale, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin K.
  • Cá hồi nguồn omega-3 dồi dào.
  • Trái cây mọng nước.

3.4 Ngủ đủ giấc

Ngủ đủ giấc đóng một vai trò thiết yếu trong quá trình hồi phục của người bệnh thoát vị đĩa đệm. Khi ngủ, cơ thể phục hồi và tái tạo các tế bào, đồng thời vận chuyển hiệu quả các chất dinh dưỡng đến cột sống, giúp nhanh chóng khôi phục chức năng của cột sống. Để đảm bảo lưu thông máu tốt và giảm thiểu cảm giác đau nhức, người bệnh nên tránh nằm sấp.  

Ngủ đủ giấc là một phần quan trọng trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm.
Ngủ đủ giấc là một phần quan trọng trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm.

Thay vào đó, nằm nghiêng hoặc nằm ngửa sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn và hỗ trợ tốt cho cột sống. Đặc biệt, ngủ sớm cũng có lợi ích đáng kể, giúp cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi tối ưu, điều này rất quan trọng đối với những người đang điều trị thoát vị đĩa đệm. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe