Thuốc bổ xương khớp hiện nay đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong các phương pháp điều trị. Các loại thuốc hỗ trợ xương khớp không chỉ giúp giảm đau, cải thiện tình trạng xương khớp mà còn giúp người bệnh duy trì sự linh hoạt và khả năng di chuyển, từ đó tăng sự thoải mái trong hoạt động hằng ngày.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về bệnh xương khớp
Bệnh liên quan đến xương khớp bao gồm nhiều bệnh lý, từ thoái hóa xương khớp, thoát vị đĩa đệm, đến viêm xương khớp, gout, viêm khớp dạng thấp... Những vấn đề này thường phát sinh do tuổi già, quá trình lão hoá của cơ thể, gây thoái hóa, viêm, đau nhức, và hạn chế sự linh hoạt.
Ngoài ra, một số yếu tố như vận động sai tư thế, hoạt động quá sức, cùng với chế độ ăn uống và lối sống không khoa học cũng góp phần làm tổn thương hệ thống xương khớp.
Hiện nay, các thuốc điều trị bệnh xương khớp thường chỉ mang tính hỗ trợ và khó có thể trị dứt điểm. Các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm steroid, hoặc thuốc NSAIDS thường được sử dụng nhằm cải thiện các triệu chứng như đau và sưng, giảm viêm nhiễm, và giúp cho quá trình vận động trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, việc điều trị tốt nhất vẫn là kết hợp giữa điều chỉnh lối sống và sử dụng thuốc bổ xương khớp.
2. Những loại dưỡng chất nào nằm trong thuốc bổ xương khớp?
Các thành phần được sử dụng trong thuốc hỗ trợ xương khớp được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, từ những thực phẩm hàng ngày đến những hoạt chất chiết xuất từ động thực vật. Những dưỡng chất và hoạt chất quan trọng nhất cho thuốc bổ xương khớp bao gồm:
- Glucosamine và Chondroitin: Đây là những thành phần trong thuốc hỗ trợ xương khớp có tác dụng tích cực đối với quá trình chuyển hóa của các mô tế bào trong khớp. Chúng tăng tổng hợp collagen loại II và proteoglycan trong tế bào sụn, giảm viêm và cải thiện cân bằng ma trận sụn ngoại bào. Nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh hiệu quả giảm đau và cải thiện chức năng xương khớp của chúng, đặc biệt với bệnh nhân viêm khớp gối và khớp háng.
- Methyl Sulfonyl Methane (MSM): Là một hợp chất tự nhiên, MSM có khả năng chống viêm, chống oxy hóa và gây giải phóng histamin từ tế bào mast. Một nghiên cứu mới đã gợi ý rằng MSM có thể hỗ trợ điều trị nhiều loại ung thư và hội chứng chuyển hóa.
- Bộ đôi Vitamin D và Calci: Calci chiếm phần lớn trong cấu trúc xương, trong khi Vitamin D giúp cơ thể hấp thu calci tốt hơn từ thức ăn. Uống thuốc bổ xương khớp chứa calci và Vitamin D là điều quan trọng để phòng ngừa các bệnh về xương khớp và duy trì sức khỏe xương.
- Axit béo omega-3: Được tìm thấy nhiều trong dầu cá, omega-3 có tính chất chống viêm, giúp giảm viêm cấp độ thấp và chậm tiến triển viêm khớp.
- Chiết xuất thảo dược: Những loại thuốc bổ xương khớp tốt nhất hiện nay có thể được chiết xuất từ các thảo dược như Curcumin từ nghệ, Boswellia từ nhũ hương và ngưu tất, những chất này đều có tính chất chống viêm, chống oxy hóa và có thể kích thích tạo dịch khớp.
3. Các loại thực phẩm từ thiên nhiên và thuốc bổ xương khớp
3.1 Nghệ giúp giảm những cơn đau do viêm khớp
Nghệ từ lâu đã được biết đến như một trong những thảo dược phổ biến nhất để điều trị cơn đau, đặc biệt là các cơn đau khớp do viêm xương khớp. Khả năng giảm đau hiệu quả của nghệ đến từ một hợp chất hóa học mang tên Curcumin. Bên cạnh đặc tính giảm đau, Curcumin còn sở hữu khả năng chống viêm mạnh mẽ.
Mặc dù các nghiên cứu về tác dụng của nghệ trong điều trị đau khớp còn nhiều hạn chế, nhưng một phân tích cho thấy, nghệ có thể cải thiện triệu chứng đau khớp hiệu quả khi sử dụng giả dược, thậm chí có tác dụng tương đương với Ibuprofen.
Để hỗ trợ điều trị các triệu chứng đau do viêm xương khớp, bệnh nhân có thể sử dụng củ nghệ với liều lượng khoảng 500 mg, 2 đến 4 lần mỗi ngày.
Trắc nghiệm: Kiểm tra hiểu biết của bạn về hệ xương khớp
Hệ xương khớp là một cơ quan đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Xương khớp giúp bảo vệ cho các bộ phận như não và tuỷ sống, đồng thời hỗ trợ cơ thể vận động dễ dàng và linh hoạt hơn. Vậy, bạn đã hiểu rõ về hệ xương khớp của mình hay chưa? Trả lời nhanh 9 câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn có lời giải đáp.
Bài viết tham khảo: webmd.com
3.2 Thuốc hỗ trợ xương khớp từ dầu cá giúp điều trị các chứng đau do viêm xương khớp
Dầu cá chứa các axit béo omega-3, đặc biệt là axit docosahexaenoic (DHA) và axit eicosapentaenoic (EPA), có đặc tính chống viêm. Một nghiên cứu lâm sàng đã thử nghiệm việc bổ sung thuốc hỗ trợ xương khớp chứa axit béo omega-3 cho bệnh nhân viêm xương khớp và cho thấy việc này có thể giúp giảm các triệu chứng đau khớp ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp (RA).
Tuy nhiên, việc bổ sung thuốc hỗ trợ xương khớp chứa omega-3 không cho thấy tác dụng tương tự đối với các triệu chứng viêm xương khớp nói chung.
Để hỗ trợ điều trị các triệu chứng đau do viêm xương khớp, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc bổ xương khớp có dầu cá chứa axit béo omega-3 với liều lượng thông thường từ 300 đến 1.000 mg mỗi ngày.
3.3 Glucosamine giúp ngăn ngừa sự phân hủy sụn
Glucosamine là một hợp chất tự nhiên có trong sụn, giúp giảm thiểu sự cọ xát giữa các khớp, từ đó giảm đau và viêm khớp. Ngoài ra, glucosamine còn có khả năng hỗ trợ ngăn ngừa sự phân hủy sụn do bệnh viêm khớp gây ra.
Hiện nay, có nhiều thuốc bổ xương khớp chứa Glucosamine được sử dụng để điều trị đau khớp. Mặc dù Glucosamine đã được nghiên cứu trong điều trị viêm xương khớp, nhưng cơ chế hoạt động và hiệu quả của chất này vẫn còn gây nhiều nghi vấn.
Trong các loại thuốc hỗ trợ xương khớp, có hai loại Glucosamine được sử dụng: Glucosamine hydrochloride và Glucosamine sulfate.
Một nghiên cứu tổng hợp đánh giá cho thấy glucosamine hydrochloride không mang lại hiệu quả đáng kể trong việc cải thiện các triệu chứng đau khớp liên quan đến bệnh viêm xương khớp. Tuy nhiên, glucosamine sulfate đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện các triệu chứng này.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng sử dụng glucosamine sulfate trong thời gian dài có thể làm chậm tiến triển của bệnh viêm xương khớp. Những nghiên cứu này cũng cho thấy glucosamine có khả năng làm chậm quá trình thu hẹp không gian khớp (dấu hiệu cho thấy tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn) sau khi sử dụng đến 3 năm.
Bệnh nhân có thể bắt đầu bằng cách sử dụng thuốc bổ xương khớp chứa Glucosamine sulfate một lần mỗi ngày với liều lượng 1.500 miligam (mg). Tuy nhiên, nếu bệnh nhân gặp rối loạn dạ dày trong khi sử dụng, hãy thử chia nhỏ liều lượng thành 3 lần, mỗi lần 500mg.
3.4 Thuốc hỗ trợ xương khớp chứa Chondroitin ngăn ngừa sự phân hủy sụn
Giống như Glucosamine, Chondroitin là một thành phần cấu tạo sụn khớp và cũng giúp ngăn ngừa sự phân huỷ sụn do viêm xương khớp. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng Chondroitin giảm đau và cứng khớp cho người bệnh hiệu quả. Theo thống kê, có đến 53% người sử dụng Chondroitin cho thấy mức độ cải thiện chứng đau đầu gối là 20% hoặc cao hơn.
Chondroitin sulfate có khả năng làm chậm sự tiến triển của viêm xương khớp khi sử dụng lâu dài. Theo các nghiên cứu, hợp chất này có thể làm chậm quá trình thu hẹp không gian khớp khớp khi sử dụng trong thời gian tối đa 2 năm.
Mặc dù Chondroitin và Glucosamine thường được kết hợp trong thuốc bổ xương khớp, nhưng hiệu quả của việc kết hợp hai loại này so với việc sử dụng riêng biệt từng loại vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi và thiếu bằng chứng khoa học rõ ràng. Liều khuyến nghị cho Chondroitin là 400-800 mg, uống 2-3 lần mỗi ngày.
3.5 S-adenosyl-L-methionine (SAMe)
S-Adenosyl-L-methionine (SAMe) được sử dụng như một chất bổ sung nhằm hỗ trợ điều trị các triệu chứng của trầm cảm và viêm xương khớp. Gan trong cơ thể có khả năng tự tạo ra SAMe từ methionine, một loại axit amin. Chức năng khác của SAMe là hỗ trợ quá trình sản xuất và sửa chữa sụn.
Việc sử dụng S-adenosyl-L-methionine (SAMe) dưới dạng thuốc bổ xương khớp có khả năng làm giảm các triệu chứng đau khớp liên quan đến viêm xương khớp. S-adenosyl-L-methionine (SAMe) có thể mang lại hiệu quả tương đương thuốc chống viêm Celecoxib (Celebrex). Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2004 cho thấy Celecoxib có hiệu quả cải thiện triệu chứng nhanh hơn so với SAMe sau 1 tháng điều trị.
Bệnh nhân có thể dùng thử S-adenosyl-L-methionine (SAMe) liều 200-400mg 3 lần mỗi ngày, lưu ý hiệu quả có thể đến chậm.
3.6 Boswellia giảm đau do viêm khớp
Boswellia, được biết đến với tên gọi trầm hương Ấn Độ, thường được ứng dụng để giảm đau do viêm khớp. Hoá chất chính trong chiết xuất Boswellia là axit boswellic, có đặc tính chống viêm mạnh mẽ. Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng, hợp chất axit boswellia chiết xuất từ cây hoa trà có hiệu quả giảm đau do viêm xương khớp tốt hơn so với giả dược.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá hiệu quả của acid boswellia trong việc cải thiện tình trạng viêm xương khớp. Liều lượng sử dụng thuốc bổ xương khớp chứa Boswellia trong các nghiên cứu này dao động từ 100 mg mỗi ngày đến 333 mg chia thành 3 lần mỗi ngày.
3.7 Bơ-đậu nành không xà phòng hóa
Chất không xà phòng hóa từ quả bơ-đậu tương (ASU) là một hợp chất được chiết xuất từ quả bơ và dầu đậu nành. Chất này có khả năng ngăn ngừa sự phân hủy của sụn và đồng thời giúp sửa chữa sụn. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng ASU có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng đau do viêm xương khớp rõ rệt hơn so với giả dược.
Liều lượng điển hình của thuốc bổ xương khớp chứa ASU thường là 300 mg mỗi ngày.
3.8 Harpagophytum chống viêm
Harpagophytum, hay cây vuốt quỷ, chứa một hợp chất hóa học được gọi là harpagoside, có đặc tính chống viêm và giảm đau khớp do viêm xương khớp.
Trong một nghiên cứu, harpagoside từ cây vuốt quỷ đã được chứng minh là có hiệu quả tương đương với diacerein, một loại thuốc chống viêm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hiện nay vẫn còn thiếu các nghiên cứu khoa học chất lượng cao về hiệu quả và độ an toàn của cây vuốt quỷ trong điều trị viêm xương khớp. Do đó, chúng ta cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để xác định.
Trong đa số các nghiên cứu về hợp chất harpagoside chiết xuất từ cây vuốt quỷ, liều lượng sử dụng dao động từ 600 đến 800mg, được chia thành 3 lần uống mỗi ngày.
3.9 Methylsulfonylmethane
Methylsulfonylmethane (MSM) là một thành phần phổ biến trong thuốc bổ xương khớp, được cho là có khả năng giảm đau khớp. Một nghiên cứu khoa học đã khảo sát hiệu quả của MSM đối với bệnh nhân viêm xương khớp. Kết quả cho thấy MSM cải thiện tình trạng đau đớn và chức năng vận động khớp hiệu quả hơn so với nhóm sử dụng giả dược.
Đối với MSM, liều lượng thuốc hỗ trợ xương khớp này thường dao động từ 1.500 đến 6.000 mg mỗi ngày, và đôi khi có thể chia thành hai liều.
3.10 Vitamin D là vitamin tốt cho xương khớp, nên cần phải bổ sung thuốc hỗ trợ xương khớp chứa vitamin D
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương khớp, giúp xương chắc khỏe và hạn chế nguy cơ chấn thương do ngã. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, những người có lượng vitamin D thấp thường có nguy cơ mắc các bệnh lý về khớp cao hơn, nên cần phải bổ sung thuốc hỗ trợ xương khớp chứa vitamin D.
3.11 Canxi giúp cấu tạo mô xương để có một hệ xương khỏe mạnh
Chất khoáng tạo nên khung xương vững chắc và là thành phần thiết yếu cấu tạo mô xương, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và duy trì hệ xương khỏe mạnh.
Canxi tập trung chủ yếu ở xương và răng. Khi cơ thể không được cung cấp đủ canxi thì sẽ tự động lấy canxi từ xương để bù đắp lượng thiếu hụt. Việc này diễn ra thường xuyên trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng mất canxi trong xương, ảnh hưởng đến độ chắc khỏe xương.
Tóm lại, viêm xương khớp mang đến cho người bệnh những cơn đau nhức dai dẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Để hỗ trợ giảm đau và cải thiện tình trạng bệnh, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc bổ xương khớp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được tư vấn kỹ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com