Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Té ngã ở người lớn tuổi là một vấn đề lão khoa phổ biến và phức tạp. Té ngã là nguyên nhân gây thương tích và tử vong ở người trên 65 tuổi. Biến cố té ngã gây ra tàn tật, giảm khả năng vận động và thậm chí tử vong. Té ngã do nhiều nguyên nhân và có các yếu tố nguy cơ gây ra.
1. Nguyên nhân té ngã
Té ngã có thể là dấu hiệu đầu tiên của một vấn đề cấp tính (nhiễm trùng, hạ huyết áp tư thế, rối loạn nhịp tim). Té ngã có thể xuất phát từ một bệnh mãn tính (parkinson, sa sút trí tuệ, bệnh thần kinh do đái tháo đường). Hoặc té ngã có thể đơn giản là dấu hiệu cho sự tiến triển của tuổi tác “bình thường” - những thay đổi liên quan đến tầm nhìn, dáng đi và sức mạnh cơ bắp.
Hơn nữa, hầu hết các biến cố té ngã mà người cao tuổi gặp phải đều có nguyên nhân nhiều yếu tố và tương tác (ví dụ như vấp phải vật cản do rối loạn dáng đi và thị lực kém).
Ngã và sợ bị ngã là những vấn đề liên quan đến nhau. Nhiều người lớn tuổi bị ngã, cho dù họ có bị chấn thương hay không, sẽ phát sinh nỗi sợ bị ngã, dẫn đến người bệnh hạn chế hoạt động, suy giảm các tương tác xã hội, trầm cảm và tăng nguy cơ ngã nhiều hơn. Tâm lý sợ ngã khiến suy giảm vận động còn dẫn đến tăng độ cứng cơ cũng chính là nguyên nhân dẫn đến ngã.
Các nghiên cứu đã xác định được 30 loại nguyên nhân gây ngã. Những lý do khiến người cao niên bị ngã thường được đề cập đến là mất thăng bằng, thời tiết, sơ ý, điều kiện y tế, chướng ngại vật trong nhà hay bên ngoài, chóng mặt, yếu cơ.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến nguyên nhân té ngã do thuốc. Có rất nhiều loại thuốc có thể gây ra té ngã với nguy cơ từ thấp đến cao. Người lớn tuổi do có nhiều bệnh mãn tính thường phải dùng thuốc kéo dài. 80% người cao tuổi có sử dụng thuốc theo toa hàng ngày.
Rối loạn thăng bằng là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với té ngã. Ngược lại, yếu cơ là một yếu tố nguy cơ quan trọng có thể điều chỉnh được. Sức mạnh của đôi chân rất quan trọng để duy trì cuộc sống độc lập cho người cao tuổi. Người cao tuổi thường bị thoái hoá khớp gối, khớp háng, suy giảm sức mạnh cơ bắp dẫn đến thay đổi dáng đi lắc lư, mất thăng bằng và té ngã.
2. Hoàn cảnh té ngã
Các cú ngã do sơ ý gây ra gần 1,7 triệu thương tích ở phụ nữ lớn tuổi mỗi năm. Điều này dẫn đến tỷ lệ thương tật ở phụ nữ cao hơn 56% so với nam giới. Đối với người lớn tuổi sống trong cộng đồng, các hoạt động phổ biến được báo cáo khi bị ngã bao gồm đi bộ (42-64% các trường hợp té ngã), chạy nhanh hoặc chạy (4-12%), xoay người (7%), đứng dậy khỏi ghế (3-12%), đi lên (3-7%) hoặc đi xuống cầu thang (7-9%).
Phần lớn các trường hợp ngã có liên quan đến di chuyển (33%) hoặc trượt chân (22%). Hầu hết các cú ngã xảy ra vào những giờ người bệnh thức sinh hoạt.
Đáng chú ý là ngã trong khi quay đầu, vì hơn một nửa số lần ngã như vậy là về phía sau. Đây là hướng ngã liên quan đến chấn thương của khớp hông, xương chậu. Gần một nửa số trường hợp ngã gây chấn thương hông hoặc xương chậu, và hơn 1/5 trường hợp gây chấn thương cổ tay, bàn tay. Và không có gì ngạc nhiên khi gần như tất cả các ca gãy xương hông (98 %) là do té ngã.
Ngã với hướng nghiêng có nhiều khả năng tác động đến khuỷu tay. Vì vậy, khi ngã với hướng nghiêng, người bệnh có phản xạ chống tay để giảm mức độ tác động lên khớp hông, xương chậu. Nhưng ngược lại có thể gây ra gãy xương vùng cổ tay, khuỷu tay và vai.
Tóm lại, té ngã là nguyên nhân của các chấn thương gây tử vong và không gây tử vong ở người lớn tuổi. Ngay cả những người bị ngã và không chấn thương nhưng cũng thường phải chịu những hậu quả tiêu cực về sức khỏe. Vì vậy cần quan tâm đến biến cố té ngã để có biện pháp dự phòng phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.