Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Sau tuổi 50, các bộ phận trên cơ thể con người dần lão hóa và suy giảm chức năng. Vì vậy, người lớn tuổi cần tăng cường sức đề kháng để đối phó với những thay đổi thể chất này. Dưới đây những biện pháp giúp tăng sức đề kháng cho người lớn tuổi.
1. Quan tâm đời sống tinh thần người cao tuổi
Yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tuổi 60 trở đi. Do tuổi tác, nhiều người cao tuổi thường hay khó tính, dễ lo âu, thường rơi vào cảm giác cô đơn buồn bã sau khi nghỉ hưu và thiếu sự chia sẻ, có khoảng cách thế hệ với con cháu. Tâm lý chán nản có thể khiến nhiều người bỏ bê sức khỏe, chủ quan với các dấu hiệu báo động của cơ thể. Đó là lý do vì sao cần đặc biệt quan tâm, chú ý đến khía cạnh tinh thần của những người cao tuổi.
Nếu là con cháu, bạn nên chủ động tạo cho họ cảm giác được quan tâm, thấu hiểu. Hãy thường xuyên sắp xếp những chuyến du lịch gia đình, về quê thăm nhà để người lớn tuổi cảm nhận được mối dây gắn kết và yêu thương. Đồng thời động viên ông bà, cha mẹ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, gặp gỡ bạn bè nhiều hơn.
2. Tăng cường sức khỏe cho người già bằng cách tập thể thao
Phần lớn người cao tuổi thường ít vận động, cơ thể cũng kém thích nghi với sự thay đổi của môi trường sống. Đó là lý do khi thời tiết chuyển mùa họ cũng dễ mắc nhiều bệnh vặt hơn. Để phòng tránh việc này, các chuyên gia sức khỏe gợi ý người cao tuổi nên thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng khoảng 30-45 phút/ngày. Các bộ môn được đánh giá là phù hợp với người lớn tuổi bao gồm: thể dục dưỡng sinh, yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe chậm, khiêu vũ...
Việc vận động và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ giúp họ tăng cường hấp thu vitamin D, tăng cường sự dẻo dai xương khớp, làm chậm quá trình lão hóa, tăng sức đề kháng cho người lớn tuổi.
Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động chung với người đồng niên cũng giúp người lớn tuổi khuây khỏa tâm lý, giảm áp lực tuổi tác, được chia sẻ cùng bạn bè và từ đó không còn cảm giác cô đơn hay trầm cảm.
3. Tăng sức đề kháng cho người lớn tuổi thông qua chế độ ăn uống
Ở người lớn tuổi, việc ăn uống của họ cũng kém ngon miệng hơn do cảm nhận vị giác và khả năng tiêu hóa thức ăn giảm. Với những người ngoài 70 tuổi, cơ xương hàm cũng teo dần, chân răng yếu hơn khiến việc nhai nuốt cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, khi chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi tại nhà cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, khẩu vị, tăng cường chế biến các món ăn kích thích vị giác, dễ tiêu hóa để người già chịu khó ăn nhiều hơn thay vì thấy việc kén ăn ở người già là bình thường.
Dưới đây là một số gợi ý về việc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi:
- Giảm bớt thịt đỏ, các thực phẩm giàu chất béo, nội tạng động vật như: tim, gan, lòng, dạ dày...;
- Thay vào đó tăng cường các loại hải sản như cá, tôm cua..., ưu tiên khẩu phần ăn giàu thực vật (nhiều rau củ quả đa dạng màu sắc...);
- Không ăn quá nhiều chất ngọt, mặn, chua... Ưu tiên chế biến bằng cách hấp, luộc nhừ thay cho món nướng, rán để giảm hấp thu cholesterol và giúp tiêu hóa dễ dàng hơn;
- Không nên ăn quá no (đặc biệt vào buổi tối). Nên chia nhỏ các bữa ăn thành 5,6 bữa trong ngày. Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ, thái nhỏ thức ăn để dễ nhai nuốt và tiêu hóa dễ hơn;
- Uống từ 1,5-2 lít nước/ngày để hỗ trợ tiêu hóa và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Nên uống nước trà xanh tốt cho tim mạch và các thức uống giúp an thần như chè ngó sen, hạt sen...;
Nhìn chung, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu bệnh tật, cải thiện các vấn đề sức khỏe người cao tuổi.
4. Khám sức khỏe định kỳ tầm soát các vấn đề sức khỏe người cao tuổi
Đối với người cao tuổi, các bác sĩ khuyến cáo nên kiểm tra sức khỏe định kỳ tối thiểu 1-2 lần/năm. Bởi lý do tuổi tác, trong cơ thể người lớn tuổi luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe như: tai biến, huyết áp, tiểu đường, tim mạch, các bệnh lý xương khớp... do sức đề kháng dần suy giảm, cơ thể bắt đầu bị lão hóa.
Khi bệnh đã phát tác ra ngoài tức là bên trong đã trở nặng. Cơ thể người già lại lâu phục hồi nên thời gian điều trị cũng kéo dài hơn. Việc tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người lớn tuổi nhanh phục hồi hơn và không cảm thấy lo lắng, mệt mỏi vì bệnh tật kéo dài. Do vậy, con cháu nên chú ý đưa người lớn tuổi đi kiểm tra, xét nghiệm một số chỉ tiêu sinh hóa để sớm phát hiện những tình trạng bất thường (nếu có).
5. Lưu ý khi dùng thuốc tăng cường sức khỏe cho người già
Người lớn tuổi dễ mắc nhiều loại bệnh lý nhưng việc sử dụng thuốc cần đảm bảo đúng và đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh tự ý lạm dụng, dùng nhiều loại thuốc khác nhau, đặc biệt là thuốc bổ. Nếu phải dùng thì nên ưu tiên các loại thuốc có xuất xứ, nguồn gốc, thành phần rõ ràng, đã được kiểm chứng về hiệu quả. Liều dùng cũng phải được cân nhắc dựa trên thể trạng, tiền sử bệnh, chức năng gan-thận, khả năng tương tác với các loại thuốc khác đang sử dụng.
Một lưu ý khác khi dùng thuốc cho người cao tuổi là cần theo dõi, kiểm tra sát sao để đánh giá về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc. Với các loại thuốc điều trị cần dùng trong thời gian dài, nếu được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ để tránh hiện tượng tích lũy thuốc.
Người cao tuổi cũng có thể bổ sung thêm thực phẩm bảo vệ sức khỏe giúp tăng cường sức đề kháng có chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên quý hiếm như: Đông trùng hạ thảo, sâm đinh lăng, đẳng sâm, chùm ngây,... sử dụng các thành phần thảo dược này mang lại hiệu quả cao trong việc tăng sức đề kháng, an toàn cho cơ thể và không gây tác dụng phụ trong quá trình sử dụng.
Tóm lại, người lớn tuổi nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tinh thần thoải mái, thực hiện chế độ rèn luyện thể lực vừa sức, phù hợp với sức khỏe và độ tuổi của từng người để có tuổi thọ tốt hơn. Sự lão hóa tuy không thể dừng lại theo thời gian nhưng nếu biết áp dụng thời gian để tập thể dục thì chẳng những sức khỏe của người lớn tuổi sẽ được cải thiện mà còn làm chậm quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần tiếp tục phát huy truyền thống đạo đức dân tộc, chú ý tôn trọng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.