Thuốc Selazn có thành phần chính là β-carotene, selen, vitamin E và C, giúp bổ sung các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu cũng như hỗ trợ tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
1. Thuốc Selazn có tác dụng gì?
Thuốc Selazn có thành phần chính bao gồm β-carotene, selen, vitamin E và C. Từng thành phần có nhiều vai trò sinh học quan trọng đối với cơ thể.
Tác dụng của acid ascorbic (vitamin C):
- Tác động lên các phản ứng oxi hóa khử của cơ thể: Các chức năng của acid ascorbic chủ yếu tham gia vào phản ứng sinh hóa oxy hóa khử.
- Tác động trên bệnh tim mạch: Stress do tăng sự oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của các bệnh tim mạch, đặc biệt có bằng chứng cho thấy sự biến đổi oxy hóa của LDL và các lipoprotein khác thúc đẩy sự xơ vữa LDL. Các vitamin C có thể ức chế sự oxy hóa LDL trên in vitro bằng cách loại ROS và RNS ngậm nước ngăn chúng tấn công LDL.
- Tác động trên bạch cầu và quá trình viêm: Sự hiện diện của vitamin C trong bạch cầu rất quan trọng vì ROS sinh ra trong quá trình hoạt hóa thực bào và bạch cầu trung tính có liên quan đến stress do nhiễm trùng hay phản ứng viêm. Nồng độ ascorbate trong nội bào bạch cầu giúp chống lại mối nguy hại do oxy hóa liên quan đến suy hô hấp. Vitamin C có thể trung hòa các chất oxy hóa có nguồn gốc thực bào mà không ức chế hoạt tính kháng khuẩn của đại thực bào.
- Vitamin C cũng đóng vai trò trong sự biểu hiện của gen quy định chất tạo keo, sự tiết các procollagen ở tế bào và sinh tổng hợp các thành phần của mô liên kết ngoài chất tạo keo bao gồm fibronectin, elastin, proteoglycans, chất cơ bản của xương,... Sự thiếu acid ascorbic dẫn đến bệnh Scorbut. Cấu trúc collagen (chất tạo keo) bị ảnh hưởng trước tiên và các tổn thương phát triển ở xương, mạch máu. Dùng vitamin C có thể giúp loại bỏ các triệu chứng do thiếu hụt acid ascorbic.
- Vitamin liên quan đến việc tổng hợp một số chất như corticosteroid và aldosterone thành acid mật, điều chỉnh sự tổng hợp prostaglandin, chuyển acid folic thành acid folinic, tổng hợp các lipid và protein. Acid ascorbic cũng điều chỉnh sự hấp thu, vận chuyển và dự trữ sắt.
Tác dụng của vitamin E:
- Tác động chống oxy hóa: Vitamin E được tin là tác động như một chất chống oxy hóa, ngăn ngừa sự lan truyền các phản ứng của gốc tự do. Vitamin E là một chất loại bỏ gốc peroxyl, đặc biệt bảo vệ các acid béo đa chức không no, chất nhạy cảm với oxy như vitamin A và C khỏi quá trình oxy hóa. Có bằng chứng cho thấy các phản ứng oxy hóa có thể gây hại cho tế bào ở nồng độ cao, góp phần gây nên các bệnh lý mãn tính và rối loạn chức năng tế bào. Một số căn bệnh mãn tính có liên quan đến stress và do oxy hóa bao gồm ung thư; bệnh tim mạch (xơ vữa động mạch vành và bệnh tim, hen suyễn, bệnh Alzheimer, hội chứng Parkinson, đục thủy tinh thể,...), tuy nhiên hiện nay không đủ bằng chứng để xác định chắc chắn các mối liên quan. Vitamin E cũng có tác động trực tiếp lên mô có lợi cho chức năng của mạch máu.
- Tác động trên hệ miễn dịch: Vitamin E có tác động ức chế sự sản xuất prostaglandin E2 và làm gia tăng đáp ứng miễn dịch trên chuột. Hơn nữa, chức năng miễn dịch suy yếu dần theo độ tuổi và bổ sung vitamin E có thể đảo ngược sự thiếu hụt ở một số cá nhân. Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung vitamin E làm gia tăng đáp miễn dịch ở người già khỏe mạnh từ 65 tuổi và cả những người trẻ.
- Tác hại của việc thiếu vitamin E: Việc thiếu hụt vitamin E rất hiếm và thường chỉ xảy ra ở những bệnh nhân không thể hấp thu hay có bất thường về di truyền gây cản trở duy trì nồng độ vitamin bình thường trong máu. Sự thiếu vitamin E không gây bệnh đặc hiệu ở người trưởng thành. Biểu hiện thiếu vitamin E chủ yếu là bệnh lý thần kinh ngoại biên đặc trưng bởi sự thoái hóa cơ, giảm hồng cầu hay tăng cường tan huyết in vitro bởi các tác nhân oxy hóa.
Tác dụng của β-carotene:
β-carotene hỗ trợ những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa protoporphyrin tạo huyết (EPP) chống lại những tác động do nhạy cảm ánh sáng nặng (triệu chứng nóng rát, phù, ban đỏ, ngứa, thương tổn ở da). Thuốc không có tác động trên sự bất thường cơ bản về sinh hóa của FPP (tức là nồng độ các protoporphyrin trong hồng cầu, huyết tương và phân sẽ không bị thay đổi). Cơ chế chính xác của tác dụng này hiện chưa được xác định. Có vài bằng chứng cho thấy sự gia tăng cảm với ánh sáng có thể là do sự hình thành oxy đơn được kích hoạt và/hoặc các gốc tự do. Một số nghiên cứu in vitro cho thấy rằng β-carotene có thể ngăn chặn sự kích hoạt các gốc tự do và oxy, điều này có thể là cơ chế tác dụng của thuốc.
2. Thuốc Selazn được chỉ định trong trường hợp nào?
Thuốc bổ Selazn có thể được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Tăng cường sức khỏe thể chất và hoạt động trí não;
- Chống oxy hóa;
- Giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý do thiếu vitamin A, C, E và selen.
Lưu ý chống chỉ định thuốc cho những bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
3. Liều dùng của thuốc Selazn như thế nào?
Bạn có thể uống thuốc bổ Selazn sau bữa ăn. Liều dùng khuyến cáo là 1 viên/lần/ngày đối với người trưởng thành. Tuy nhiên cần lưu ý, liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể trong từng trường hợp sẽ tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết liều dùng phù hợp.
Nếu sử dụng quá liều thuốc có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, tăng oxalate niệu, phù, tắc nghẽn tim mạch. Nếu bị quá liều, cần đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Còn trường hợp bạn quên 1 liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời điểm bạn nhớ gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp theo kế hoạch, không nên dùng gấp đôi liều quy định.
4. Tác dụng phụ của thuốc Selazn là gì?
- Tiêu hóa: Ợ hơi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, khó chịu vùng dạ dày;
- Da: Phát ban đỏ, ngứa, khô da, sưng khớp thống phong;
- Hệ sinh dục: Rối loạn kinh nguyệt, rong kinh;
- Khác: Tăng nguy cơ huyết khối ở phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai estrogen hoặc bệnh nhân bị chứng huyết khối (do vitamin E).
Khi gặp tác dụng không mong muốn của thuốc, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Selazn
- Trong trường hợp bị nôn, tiêu chảy, ngứa do dùng thuốc thì nên ngừng sử dụng và hỏi ý kiến của bác sĩ;
- Trẻ em chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ;
- Bệnh nhân đang điều trị bằng các liệu pháp đặc biệt và phụ nữ có thai phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Phụ nữ mang thai nếu dùng quá 10.000 đơn vị vitamin A có thể dẫn tới dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Do vậy phụ nữ mang thai hay dự định có thai không nên dùng vitamin A trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc quá 5.000 đơn vị/ngày (trừ trường hợp thiếu hụt vitamin A);
- Phụ nữ mang thai hay dự định mang thai, phụ nữ đang cho con bú cần thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc. Nếu dùng Selenium quá liều thông thường 75-150 μg, có nguy cơ sẽ bị ngộ độc. Lưu ý không được dùng quá 200 μg Selenium/ ngày;
- Tương tác thuốc: Sử dụng thuốc Selazn đồng thời với anti aldosteron hoặc triamterene có thể làm tăng oxalate niệu. Không nên dùng đồng thời với những thuốc như muối phosphate, Tetracyclin, muối calcium.
- Cần bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp, nhiệt độ dưới 30°C.
Nhìn chung, thuốc Selazn giúp cung cấp vitamin C, E, tiền chất vitamin A và selen, hỗ trợ tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như phòng ngừa các bệnh lý do thiếu vitamin A, C, E. Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng.