Gout là bệnh lý chuyển hóa liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể như khớp, gan, thận, tim,... trong đó gan và thận là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều ở người bệnh Gout,... Cùng tìm hiểu về vai trò của gan, thận trong bệnh Gout và biện pháp tăng cường chức năng gan thận cho người bệnh Gout qua bài viết dưới đây.
1. Bệnh học Gout
Gout là bệnh lý chuyển hóa liên quan đến tình trạng tăng nồng độ acid uric trong máu. Đặc trưng của Gout là những cơn đau viêm khớp cấp hoặc viêm khớp mạn tính do lắng đọng tinh thể Mononatri Urat trong mô liên kết và khớp, các tinh thể này cũng có thể lắng đọng trong kẽ thận gây sỏi thận do tăng acid uric.
Tăng acid uric máu làm dẫn đến tình trạng tích lũy tinh thể urat tại mô, tạo ra các microtophi. Khi các hạt microtophi tại sụn khớp bị vỡ sẽ dẫn đến khởi phát cơn Gout cấp. Tại các khớp sẽ xảy ra một loạt các phản ứng như sau: Bạch cầu tập trung đến thực bào làm giải phóng Lysozyme gây viêm, các vi tinh thể hoạt hóa yếu tố Hageman dẫn đến hình thành Kallicrein và Kinin có vai trò gây viêm khớp, hoạt hóa Plasminogen và bổ thể, từ đó dẫn đến hình thành các sản phẩm cuối cùng cũng có vai trò trong viêm khớp với các triệu chứng bao gồm đau khớp chân, đau khớp ngón tay,... Sự lắng đọng vi tinh thể cạnh khớp, trong mô sụn, trong màng hoạt dịch và mô xương sẽ dẫn đến bệnh xương khớp mạn tính do Gout. Sự có mặt của vi tinh thể urat tại mô mềm, bao gần tạo nên hạt Tophi và cuối cùng viêm thận kẽ là do tinh thể urat lắng đọng tại chổ chức kẽ của thận.
2. Vai trò của gan thận trong cơ chế sinh bệnh Gout
Acid được sản sinh ra mỗi ngày và 75% hàm lượng acid được đào thải qua thận để duy trì được nồng độ cần thiết trong cơ thể. Gan và thận là những cơ quan chuyển hóa quan trọng trong cơ thể, chúng đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển hóa acid uric của cơ thể. Vì vậy, điều trị Gout cần lưu ý quan trọng đến bảo vệ và tăng cường chức năng gan thận. Trên lâm sàng, thận vừa là yếu tố nguyên nhân dẫn đến Gout và cũng có thể là hậu quả của Gout. Cụ thể là bất kỳ nguyên nhân nào làm thận giảm đào thải acid uric đều làm tăng nồng độ acid uric máu, tăng nguy cơ hình thành tinh thể muối urat natri hình kim lắng đọng trong cơ thể gây bệnh Gout.
Ngoài ra, thận còn là cơ quan tham gia vào quá trình điều hòa nội mô. Suy giảm chức năng thận làm rối loạn các yếu tố nội mô như nồng độ ion kim loại, pH, nồng độ các muối,... làm tăng nguy cơ hình thành kết tủa muối Urat natri gây bệnh Gout.
Gan và thận có quan hệ phối hợp và ảnh hưởng qua lại với tất cả các cơ quan trong cơ thể. Sự bất thường của một cơ quan sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng của các cơ quan còn lại, thậm chí là cả một hệ thống.
Ở người bệnh Gout, sự lắng đọng tinh thể urat natri xảy ra tại nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó thận và các khớp có tốc độ lắng đọng sớm nhất. Tinh thể Urate natri lắng đọng ở xoang thận theo thời gian sẽ tạo ra sỏi thận. Các triệu chứng sỏi thận như viêm đường tiểu, tắc đường tiểu, ứ nước,...
3. Tăng cường chức năng gan thận ở người bệnh Gout
“Cách tăng cường chức năng gan thận ở người bệnh Gout?”. Thực tế, việc điều trị Gout ở người bệnh cần đảm bảo không ảnh hưởng đến chức năng gan thận. Vì vậy, người bệnh Gout kèm theo bệnh thận và biến chứng thận thì quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn so với người bệnh thông thường. Để quá trình điều trị hiệu quả cần cân nhắc phối hợp điều trị Gout với phục hồi chức năng gan, thận của người bệnh. Một số nguyên tắc trong điều trị Gout giúp tăng cường chức năng thận như sau:
- Chẩn đoán bệnh Gout bắt buộc có đánh giá về thận, gan, tiết niệu;
- Người bệnh mắc kèm bệnh thận và Gout cần chú ý điều trị bệnh thận trước để cải thiện mới đảm bảo điều trị Gout;
- Phác đồ điều trị dùng thuốc phải đảm bảo không gây tác dụng phụ tổn thương hoặc làm giảm chức năng thận.
Chế độ ăn uống trong điều trị Gout cũng đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ và tăng cường chức năng gan thận. Một số khuyến cáo về chế độ ăn uống ở người bệnh Gout như sau:
- Tránh ăn các loại thức ăn chứa hàm lượng lớn Purin như nội tạng động vật, thịt bò, thịt ngỗng, tôm, ghẹ, ốc, cua, hến...;
- Hạn chế ăn các loại rau củ như măng tây, rau cải bắp, rau bina, nấm...;
- Không ăn các loại thức ăn chứa nhiều đường fructose như đào, táo, lê, nho;
- Không uống rượu bia, các chất kích thích như trà, cà phê...;
- Người bệnh nên uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ vitamin C mỗi ngày. Chế độ dinh dưỡng nên chứa các loại thịt trắng như cá sông, gà, các loại rau chứa hàm lượng purin thấp như súp lơ, rau cần, rau cải xanh, rau ngót, dưa chuột, cà tím,...
4. Phòng ngừa bệnh Gout
Một số phương pháp phòng ngừa bệnh Gout như sau:
- Thăm khám bác sĩ nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng của bệnh Gout, không tự ý sử dụng thuốc mà cần được thăm khám và chẩn đoán bởi bác sĩ điều trị;
- Tái khám theo đúng định kỳ sẽ giúp người bệnh kiểm soát được tình trạng bệnh, xử lý được những vấn đề bất thường;
- Luyện tập thể dục hàng ngày;
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý;
- Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, hải sản và nội tạng động vật.
Hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội, nguy cơ và tỉ lệ mắc bệnh Gout ngày càng tăng lên và có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám khi có các triệu chứng điển hình của bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.