Gút và bệnh thận là 2 bệnh lý liên quan chặt chẽ với nhau. Người bị gout có thể gặp biến chứng suy thận và người bị suy thận cũng có nguy cơ cao mắc bệnh gout. Vậy, vòng xoắn bệnh lý giữa hai căn bệnh này là gì?
1. Mối liên quan giữa bệnh gút và bệnh thận
1.1. Bệnh gút có thể biến chứng gây suy thận
Bệnh gút xảy ra do lắng đọng tinh thể urat tại khớp. Ngoài ra, tinh thể urat còn có thể lắng đọng tại nhiều cơ quan khác, trong đó có thận. Vì thế, khoảng 10 – 20% người bệnh gút bị sỏi thận và nguy cơ bị suy thận do gút tăng lên.
Bệnh gút gây tổn thương thận chủ yếu qua 2 con đường:
- Cơ chế trực tiếp: Sự lắng đọng tinh thể muối urat tại các tổ chức thận gây tổn thương trực tiếp cầu thận, ống thận,... dẫn đến tình trạng viêm hoặc hình thành sỏi thận.Tình trạng này kéo dài sẽ diễn tiến đến suy thận;
- Cơ chế gián tiếp: Điều trị bệnh gút bằng một số loại thuốc như Corticoid,, thuốc giảm đau không steroid NSAIDs (Diclofenac, Ibuprofen, Naproxen,...) cũng có thể gây ra tác dụng phụ làm suy giảm chức năng thận..
1.2. Suy thận làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút
Acid uric là sản phẩm chuyển hóa của purin trong cơ thể. Mỗi ngày acid uric sẽ được sản sinh và đào thải một phần ra ngoài qua thận để duy trì nồng độ ổn định trong máu. Vì vậy người suy thận sẽ bị giảm khả năng đào thải acid uric dẫn đến tích tụ acid uric trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
2. Mắc đồng thời bệnh gút và bệnh thận nguy hiểm như thế nào?
Người bệnh mắc đồng thời bệnh gút và suy thận, các bệnh lý về thận gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị. Bởi một số thuốc điều trị gút như thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) không an toàn ở người bệnh thận. Vì vậy, đối với những người mắc đồng thời gút và bệnh thận, phác đồ điều trị gút cần được điều chỉnh để không làm ảnh hưởng đến chức năng thận. Người bệnh cần thông báo và trao đổi với bác sĩ nếu cảm thấy cần thay đổi loại thuốc điều trị. Một số thuốc điều trị gút không được khuyến cáo ở người bệnh thận như sau:
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen, Naproxen, Celecoxib, Indomethacin;
- Colchicine;
- Corticosteroid.
Bên cạnh đó, người bệnh suy thận hoặc người mắc bệnh thận chuyển hóa thường phải điều trị bằng một số loại thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn Beta... Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị hiệu quả, phù hợp và tối ưu nhất nếu mắc đồng thời bệnh gút và suy thận.
3. Điều trị gút kèm theo suy thận
Với những người bệnh gút biến chứng suy thận hoặc mắc kèm bệnh thận thì quá trình điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, để đạt được hiệu quả điều trị tốt cần phối hợp điều trị gút và phục hồi chức năng thận bằng cách tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Định kỳ kiểm tra sức khỏe, đánh giá chức năng thận ở người bệnh gút;
- Khi có bệnh thận mắc kèm cần lưu ý điều trị bệnh thận trước, đến khi chức năng thận được cải thiện mới điều trị các triệu chứng của gút;
- Thuốc giảm acid uric máu và điều trị gút cần đảm bảo không có tác dụng phụ gây tổn thương thận hoặc làm giảm chức năng thận ở người bệnh;
- Xem xét phối hợp điều trị giữa Đông y và Tây y. Trong đó phương pháp Tây y làm giảm cơn đau do gút cấp, còn phương pháp Đông Y giúp phòng ngừa tái phát và hạ acid uric máu:
- Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh các thảo dược có tác dụng hỗ trợ điều trị gút. Có thể kể đến như Hoàng bá có khả năng ức chế hoạt động của enzym xanthin oxidase, từ đó ngăn ngừa tổng hợp acid uric. Ngoài ra, Hoàng bá cũng có tác dụng giảm đau, kháng viêm hiệu quả.
- Trạch tả cũng là một thảo dược có tác dụng tốt trong hỗ trợ điều trị gút và tăng cường chức năng thận. Sản phẩm có chứa thành phần chính từ trạch tả sẽ giúp giảm nồng độ acid uric máu, ngăn ngừa biến chứng bệnh gút hoặc nguy cơ tiến triển nặng của bệnh.
4. Làm sao để bệnh gút và bệnh thận “chung sống hòa bình”?
Một số biện pháp giúp kiểm soát gút và bệnh thận như sau:
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Định kỳ thăm khám sức khỏe, kiểm soát chỉ số đường huyết, acid uric máu, huyết áp và cân nặng phù hợp;
- Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, các bữa ăn nên chứa nhiều chất xơ như rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế các loại thực phẩm giàu purin, chất béo, đường;
- Không uống bia, rượu và các chất kích thích như cà phê;
- Rèn luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
Như vậy, bệnh gút và suy thận có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chúng có thể là nguyên nhân và biến chứng của bệnh còn lại. 2 bệnh lý này nếu không được điều trị đồng thời có thể làm suy kiệt sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng kết hợp sử dụng sản phẩm từ thảo dược như trạch tả, Nhọ nồi, Hoàng bá, Nhàu, Thổ phục linh hay Trạch tả chữa bệnh gút hiệu quả... Khi sử dụng chế phẩm chứa các thảo dược này, nồng độ acid uric trong máu sẽ được kiểm soát, từ đó cải thiện triệu chứng sưng đau khớp, ngăn ngừa cơn gút cấp hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.