Đau xương chậu là một tình trạng xảy ra khá phổ biến ở mọi đối tượng, đặc biệt là phụ nữ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương chậu và mỗi nguyên nhân sẽ có những phương pháp khác nhau giúp giải quyết tình trạng này. Vậy đau xương chậu bắt nguồn từ đầu và làm sao để giảm đau xương chậu?
1. Đau xương chậu là gì?
Khung chậu là khu vực của cơ thể nằm bên dưới bụng. Có nhiều cơ quan và cấu trúc khác nhau trong khung chậu, bao gồm mạch máu, dây thần kinh, cấu trúc sinh sản, cấu trúc bàng quang và tiết niệu, ruột và trực tràng.
Mặc dù đau xương vùng chậu thường ám chỉ những cơn đau ở vùng cơ quan sinh sản của phụ nữ, nhưng nó có thể xuất hiện ở cả nam và nữ và có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau.
Đặc điểm cơn đau xương chậu khá dễ nhận biết, bao gồm đau nhói, quặn từng cơn hoặc âm ỉ ở vùng bụng dưới rốn (hạ vị). Tùy vào các nguyên nhân mà mức độ cơn đau và thời gian cũng khác nhau.
Đau xương chậu mạn tính là tình trạng đau ở mức độ nghiêm trọng và thường kéo dài trên 6 tháng, thường liên quan đến một bệnh lý cụ thể. Cơn đau mạn tính thường gây ảnh đến chất lượng cuộc sống, hoạt động hằng ngày, giấc ngủ và khả năng tình dục. Lúc này, cần đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
2. Các nguyên nhân gây đau xương chậu
Đau vùng xương chậu có thể liên quan đến các bệnh lý như:
- Gãy, vỡ, nứt xương chậu: Các xương vùng chậu như xương cánh chậu, xương mu, xương cụt có thể bị gãy, nứt, vỡ do tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
- Táo bón: Táo bón có thể gây đau xương vùng chậu, đặc biệt nếu nó ảnh hưởng đến đại tràng. Loại đau này có xu hướng biến mất sau khi người bệnh đi tiêu.
- Các vấn đề đường ruột khác: Hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng, viêm túi thừa...
- Viêm ruột thừa: Ruột thừa nằm ở vùng bụng dưới bên phải và có thể gây đau vùng chậu hoặc thắt lưng nếu nó bị viêm và đè lên đại tràng.
- Sẹo mổ cũ: Nhiễm trùng hoặc thủ thuật phẫu thuật trước đây có thể gây ra sẹo hoặc gây dính trong xương chậu. Loại mô sẹo này có thể gây đau vùng chậu mãn tính.
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục: Hầu hết các bệnh lây truyền qua đường tình dục không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, nhưng một số ít có thể gây đau vùng chậu, ví dụ như Chlamydia và bệnh lậu.
- Thoát vị ruột: Thoát vị là một lỗ mở mà các cơ quan nội tạng có thể đi qua. Nếu khối thoát vị xảy ra ở một cơ ở xương chậu dưới, nó có thể dẫn đến đau vùng chậu.
- Co thắt cơ ở sàn chậu: Khung chậu được tạo thành từ một số cơ hỗ trợ bàng quang, cấu trúc sinh sản và ruột. Giống như các cơ khác, cơ sàn chậu có thể bị co thắt, gây đau và khó chịu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Một số bệnh nhân có biểu hiện đau ở vùng chậu, đặc biệt là đối với những trường hợp nhiễm trùng nặng hoặc kéo dài.
- Viêm bàng quang kẽ.
- Sỏi thận: Các viên sỏi hình thành trong thận thường bắt đầu tìm đường ra khỏi cơ thể qua niệu quản và bàng quang.
Ở riêng nam giới, đau xương chậu có thể liên quan đến bệnh lý như:
- Các vấn đề về tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt của nam giới nằm thấp trong khung xương chậu. Tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm tại tuyến tiền liệt có thể gây đau vùng xương chậu.
Đặc biệt ở phụ nữ, tình trạng đau xương chậu có thể liên quan đến các bệnh lý sau :
- Giãn khớp vùng chậu: Thường xuất hiện ở phụ nữ sau sinh.
- Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là khi mô tương tự như niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Mô này có thể chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, cũng như dính vào các cơ quan khác, gây đau vùng xương chậu và các triệu chứng khác.
- U xơ tử cung: U xơ là sự phát triển lành tính (không phải ung thư) trong tử cung. Chúng có thể gây đau khắp xương chậu và thắt lưng.
- Bệnh viêm vùng chậu (PID): Là một bệnh nhiễm trùng xảy ra trong các cơ cấu sinh sản của phụ nữ. Viêm vùng chậu thường do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
- Đau khi rụng trứng: Đau do rụng trứng là cảm giác khó chịu từ nhẹ đến trung bình ở thời điểm giữa chu kỳ kinh nguyệt.
- Đau bụng kinh: Đau bụng kinh có thể gây đau vùng chậu. Đau bụng kinh xảy ra ở phần dưới của xương chậu và có xu hướng bắt đầu ngay trước kỳ kinh của phụ nữ và có thể tiếp tục trong vài ngày.
- Thai ngoài tử cung: Mang thai ngoài tử cung là một cấp cứu sản khoa có thể gây đe dọa tính mạng. Đau vùng xương chậu xảy ra khi thai ngoài tử cung phát triển, chèn ép lên các cơ quan hoặc dây thần kinh lân cận.
- Thai lưu hoặc sót thai lưu: Sót thai cũng có thể gây đau vùng chậu.
- Bất thường trên buồng trứng: U nang buồng trứng, khối u buồng trứng lành tính hoặc ung thư buồng trứng.
3. Cách làm giảm đau xương chậu
3.1. Điều trị tại nhà
Các phương pháp dưới đây cho phép những bệnh nhân bị đau xương chậu có thể tự điều trị tại nhà:
- Thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen là bước đầu tiên tốt để giảm các cơn đau xương chậu. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc Ibuprofen trong trường hợp đau ở mức độ nặng hơn. Việc sử dụng các loại thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Bệnh nhân có thể sử dụng túi hoặc khăn chườm nóng hoặc chườm lạnh đắp vào vùng bị đau, phương pháp này sẽ giúp giảm đau, tạo cảm giác dễ chịu hơn.
- Thay đổi dáng ngồi: Tư thế ngồi không đúng sẽ làm các cơn đau xương chậu trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, bệnh nhân nên áp dụng tư thế ngồi nghiêng về phía trước để giảm áp lực lên xương chậu.
- Tắm nước ấm: Ngâm mình trong nước ấm hoặc tắm bằng nước ấm có thể giúp thư giãn và làm tinh thần thoải mái hơn, cải thiện tình trạng mệt mỏi, đau xương chậu. Có thể thể nhỏ vài giọt tinh dầu như tinh dầu hoa nhài, hoa cúc, dầu tràm... để giúp cơ thể cảm thấy thoải mái hơn.
- Bổ sung chất dinh dưỡng: Các thực phẩm giàu Canxi tốt cho xương khớp, Vitamin nhóm B, Vitamin C, Vitamin E, sắt, magie... cũng rất cần thiết cho việc dự phòng các cơn đau xương chậu.
- Massage vùng bị đau: Dung tay nhẹ nhàng massage lên các vùng bị đau cũng giúp giảm tình trạng đau xương chậu.
- Bài tập giảm đau xương chậu: Hãy tập hít vào thật sâu và thở ra, thực hiện các bài tập dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia để giúp giảm các triệu chứng đau vùng xương chậu.
- Thiền, yoga và thậm chí các bài tập hít thở sâu có thể giúp giảm căng thẳng và căng thẳng có thể khiến cơn đau mãn tính. Một phần chúng có thể giúp ngủ ngon hơn.
3.2. Điều trị tại viện
Trong trường hợp các cơn đau xảy ra ở mức độ nặng hay nghiêm trọng hoặc khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân của các cơn đau, từ đó đưa ra những biện pháp xử trí phù hợp.
Điều trị bằng thuốc:
- Thuốc giảm đau như Aspirin, Ibuprofen hoặc Paracetamol thể giúp giảm một phần cơn đau vùng chậu. Đôi khi có thể cần dùng thuốc giảm đau theo toa như các loại giảm đau kháng viêm không steroid - NSAIDs. Tuy nhiên, điều trị đơn liều bằng thuốc giảm đau hiếm khi giải quyết được vấn đề đau vùng xương chậu.
- Phương pháp điều trị Hormone: Trong trường hợp này, thuốc tránh thai hoặc các loại thuốc nội tiết tố khác có thể giúp giảm đau vùng chậu.
- Thuốc kháng sinh: Nếu nhiễm trùng là nguồn gốc gây ra cơn đau xương chậu, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể hữu ích cho những cơn đau mãn tính. Thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptyline, Nortriptyline có tác dụng giảm đau cũng như chống trầm cảm. Chúng có thể giúp cải thiện tình trạng đau vùng chậu mãn tính ngay cả ở những phụ nữ không bị trầm cảm.
- Các thuốc giãn cơ : Các loại thuốc này thường giúp giảm tình trạng co thắt của các cơ vùng chậu, từ đó làm giảm đau hiệu quả.
Phẫu thuật:
- Phẫu thuật kết hợp xương trong các trường hợp gãy xương chậu. Các trường hợp nứt hoặc rạn xương vùng chậu có thể được chỉ định điều trị bảo tồn bằng nẹp hoặc các phương pháp cố định khác.
- Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm, các khối lạc nội mạc tử cung, cắt bỏ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, thai ngoài tử cung, phẫu thuật cố định khối thoát vị... được chỉ định cho từng nguyên nhân dẫn đến đau vùng xương chậu mãn tính và nghiêm trọng.
Các phương pháp khác:
- Vật lý trị liệu: Các bài tập kéo giãn, xoa bóp và các kỹ thuật thư giãn khác có thể cải thiện tình trạng đau vùng xương chậu. Đôi khi các chuyên gia trị liệu điều trị bằng cách nhắm vào các điểm đau cụ thể thông qua sử dụng một công cụ y tế được gọi là kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS).
- Kích thích thần kinh (kích thích tủy sống). Phương pháp cấy một thiết bị chặn các đường dẫn thần kinh, từ đó các tín hiệu đau không thể truyền đến não. Phương pháp này có thể hữu ích tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau vùng chậu.
- Tiêm thuốc vào điểm đau : Nếu tìm thấy những điểm cụ thể mà bệnh nhân cảm thấy đau, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc tê vào những điểm đau đó, phương pháp này có tác dụng gây tê cục bộ kéo dài, có thể ngăn chặn cơn đau và giảm bớt sự khó chịu.
- Tâm lý trị liệu: Nếu các cơn đau liên quan đến trầm cảm, lạm dụng tình dục, rối loạn nhân cách, hôn nhân rắc rối, khủng hoảng gia đình, bệnh nhân có thể được chỉ định nói chuyện với nhà tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.
Đau xương chậu là một tình trạng thường gặp ở nhiều đối tượng và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp được đưa ra nhằm hỗ trợ trong việc làm giảm các cơn đau lại vùng xương chậu. Bệnh nhân và người thân khi phát hiện ra những bất thường nêu trên cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, từ đó đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.