Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Tô Kim Sang - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Tác dụng phụ trên hệ thần kinh là tình trạng thường gặp ở các bệnh nhân điều trị ung thư. Việc phát hiện sớm có thể giúp ngăn chặn những tác dụng không mong muốn này trở nên nặng hơn.
1. Tổng quan về hệ thần kinh
Hệ thần kinh bao gồm hai phần chính là hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại vi.
- Hệ thần kinh trung ương (CNS – Central Nervous System): Gồm có não bộ và tủy sống.
- Hệ thần kinh ngoại vi (PNS – Peripheral Nervous System): Gồm các dây thần kinh nằm ngoài hệ thần kinh trung ương, có nhiệm vụ truyền tải thông tin qua lại giữa não bộ và cơ thể cũng như kiểm soát các hoạt động như vận động, giác quan, chức năng nội tạng.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Tác dụng phụ trên hệ thần kinh khi điều trị ung thư
Bệnh nhân sau khi điều trị ung thư có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn trên hệ thần kinh. Những tác dụng phụ này có thể xuất hiện ngay sau khi điều trị hoặc vài năm sau khi điều trị ung thư. Tùy thuộc vào từng vị trí của hệ thần kinh bị ảnh hưởng mà có những triệu chứng khác nhau.
2.1 Triệu chứng do thay đổi ở hệ thần kinh trung ương
- Bệnh nhân có thể gặp phải những thay đổi về mặt suy nghĩ và nhận thức như trí nhớ suy giảm, giảm khả năng tính toán và giải quyết vấn đề.
- Có cảm giác chóng mặt như xung quanh đang xoay vòng, rối loạn cân bằng, buồn nôn, nôn.
- Khả năng điều phối động tác bị rối loạn.
- Động kinh/ co giật.
2.2 Triệu chứng do thay đổi ở hệ thần kinh ngoại vi
- Tay chân có cảm giác châm chích, tê bì hoặc nóng rát
- Cơ thể suy yếu, thiếu phối hợp vận động và gặp khó khăn trong các hoạt động như cầm nắm đồ vật hay đi lại
- Són tiểu, táo bón.
- Rối loạn cương dương
2.3 Triệu chứng do thay đổi ở dây thần kinh sọ
Mặc dù dây thần kinh sọ là một phần của hệ thần kinh ngoại vi nhưng tại đây có thể xảy ra một số tác dụng phụ khác biệt như:
- Ù tai, mất thính lực
- Khả năng nhìn kém, mắt nhòe, thậm chí mất thị lực
- Khứu giác hoặc vị giác có sự thay đổi
- Gặp vấn đề trong việc phát ngôn, lời nói không rõ, lè nhè
- Khó nuốt
3. Nguyên nhân dẫn đến các tác dụng phụ trên hệ thần kinh là gì?
Tác dụng phụ trên hệ thần kinh khi điều trị ung thư có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Việc nắm rõ và xác định được nguyên nhân chính có thể giúp quá trình điều trị được hiệu quả hơn.
- Ung thư
Một số bệnh ung thư bắt nguồn từ tủy sống hoặc não, hay di căn đến tủy sống/ não có thể gây tác động tiêu cực lên hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, dây thần kinh ngoại vi bị chèn ép bởi một khối u khác cũng là nguyên nhân của vấn đề.
- Hóa trị
Một số loại thuốc sử dụng để điều trị ung thư, đặc biệt là khi được tiêm trực tiếp vào tủy sống, thường gây ra tác dụng phụ trên hệ thần kinh như:
- Thuốc có gốc Platinum như: cisplatin (Platinol), oxaliplatin (Eloxatin).
- Vinca Alkaloids: vinorelbine (Navelbine), vincristine (Vincasar), vinblastine (Velban),...
- Thuốc Taxane: paclitaxel (Taxol) hay docetaxel (Taxotere).
- Etoposide (Vepesid).
- Ifosfamide (Ifex) liều cao.
- Cytarabine (Cytosar-U) liều cao.
- Methotrexate liều cao.
- Xạ trị
Hệ thần kinh trung ương có thể bị ảnh hưởng khi bệnh nhân tiến hành xạ trị não hay tủy sống.
Trong khi đó, hệ thần kinh ngoại vi có thể gặp các tác dụng phụ khi xạ trị được tiến hành ở các bộ phận khác như cổ, đầu hay toàn thân.
- Phẫu thuật
Sinh thiết chẩn đoán ung thư hay phẫu thuật cắt bỏ khối u cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ thần kinh bị tổn thương.
- Các loại thuốc
Một số loại thuốc nhất định có thể gây tác dụng phụ trên hệ thần kinh, bao gồm:
- Thuốc giảm đau thuộc nhóm gây nghiện/ opioid trong y tế.
- Thuốc chống nôn.
- Thuốc chống co giật, chỉ định trong các trường hợp điều trị động kinh.
4. Điều trị tác dụng phụ trên hệ thần kinh
Các tác dụng phụ khi điều trị ung thư gây ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Một số triệu chứng có thể biến mất sau vài ngày kể từ khi kết thúc điều trị, nhưng cũng có một số khác kéo dài dai dẳng. Tuy không thể hoàn toàn ngăn chặn được các tác dụng phụ trên hệ thần kinh khi điều trị ung thư nhưng nếu phát hiện sớm thì hầu hết các trường hợp đều có thể kiểm soát được.
4.1 Sử dụng thuốc
Nhằm kiểm soát và điều trị các tác dụng phụ trên hệ thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc sau đây:
- Thuốc điều trị các vấn đề ở hệ thần kinh ngoại vi.
- Thuốc corticosteroid giúp giảm sưng viêm.
- Kháng sinh điều trị nhiễm trùng.
- Thuốc điều trị chóng mặt và buồn nôn như prochlorperazine (Compazine), meclizine (Antivert), scopolamine patch (Transderm – Scop).
- Thuốc chống trầm cảm như các thuốc ức chế tái hấp thụ norepinephrine, thuốc thuộc hệ serotonin chọn lọc, thuốc nortriptyline, thuốc amitriptyline.
4.2 Phục hồi chức năng
- Tiến hành hoạt động trị liệu (Occupational Therapy) để có thể duy trì khả năng vận động sinh hoạt hàng ngày.
- Điều trị với vật lý trị liệu (Physical Therapy) giúp cơ thể thăng bằng, tăng sức cơ, di chuyển và phối hợp vận động tốt hơn.
- Âm ngữ trị liệu (Speech Therapy) có tác dụng cải thiện khả năng nói, phát biểu.
- Thần kinh – tâm lý học hỗ trợ quá trình đánh giá và cải thiện chức năng nhận thức.
Trên đây là những thông tin cơ bản về tác dụng phụ trên hệ thần kinh khi điều trị ung thư. Người bệnh có thể căn cứ vào những triệu chứng kể trên để có thể thông báo với bác sĩ trong thời gian sớm nhất, nhằm hạn chế tình trạng biến chứng nặng hơn và đồng thời có liệu pháp điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.