Tác dụng của thuốc Forteo

Forteo là một hormon tuyến cận giáp nhân tạo, thường được sử dụng để làm tăng mật độ khoáng và sức mạnh của xương, ở những bệnh nhân được chẩn đoán loãng xương có nguy cơ gãy xương.

1. Forteo là thuốc gì?

Forteo có thành phần hoạt chất chính là Teriparatide - là hormone tuyến cận giáp tái tổ hợp. Đây là chất đồng hóa mạnh được sử dụng trong điều trị loãng xương.

Forteo điều hòa quá trình chuyển hóa canxiphospho trong xương và thận, kích thích sự hình thành các tế bào xương; làm tăng mật độ khoáng và sức mạnh của xương chủ yếu ở vùng xương cột sống thắt lưng và ở cổ xương đùi, đối với các vị trí xương dẹt thuốc ít có tác dụng hơn.

2. Forteo có tác dụng gì?

Forteo có tác dụng trong các trường hợp bệnh lý sau đây:

  • Bệnh nhân được chẩn đoán là loãng xương với nguy cơ gãy xương cao.
  • Phụ nữ sau mãn kinh gây giảm mật độ xương.

3. Chống chỉ định của thuốc Forteo

Không sử dụng thuốc Forteo ở những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Teriparatide hay bất cứ thành phần tá dược nào khác của thuốc.
  • Trẻ em hoặc trẻ vị thành niên vẫn đang trong giai đoạn xương phát triển.
  • Bệnh nhân có các bệnh lý khác ở hệ xương như bệnh Paget, u xương lành hay ác tính.
  • Bệnh nhân có bệnh lý tuyến cận giáp hoạt động quá mức, nồng độ canxi trong máu cao.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng, sỏi thận lớn.
  • Bệnh nhân có các bệnh lý rối loạn miễn dịch có liên quan đến hệ xương như lupus ban đỏ, bệnh vẩy nến, viêm khớp dạng thấp.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Forteo

  • Chưa đủ bằng chứng về tính an toàn của thuốc khi dùng cho phụ nữ có thai. Do đó, chắc chắn người bệnh không có thai và dùng các biện pháp tránh thai an toàn trong quá trình dùng thuốc.
  • Nên ngừng cho con bú trong thời gian dùng thuốc Forteo do thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu cho trẻ bú mẹ.
  • Forteo có thể gây chóng mặt, buồn nôn,... vì vậy tài xế lái xe hay người làm việc đòi hỏi tập trung, tỉnh táo nên ngừng công việc trong thời gian dùng thuốc.
  • Sau khi tiêm thuốc, tránh đứng dậy quá nhanh từ tư thế ngồi hoặc nằm sẽ gây chóng mặt đột ngột.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở một số bệnh nhân có tiền sử gia đình hoặc nguy cơ mắc một số bệnh lý ác tính ở hệ xương (ung thư xương).
  • Dùng thuốc phải phối hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện hợp lý. Không sử dụng thuốc liên tục quá 2 năm.

5. Tương tác thuốc của Forteo

Một số tương tác có thể xảy ra khi phối hợp thuốc Forteo với các thuốc khác như sau:

  • Phối hợp với các thuốc tim mạch như Digoxin, Digitalis có thể làm thay đổi sinh khả dụng của cả hai.
  • Phối hợp với Warfarin là giảm tác dụng chống đông máu của thuốc và làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Các loại thuốc nhóm steroid dùng đồng thời với Forteo có thể làm giảm hiệu thuốc vì corticoid làm tăng nguy cơ loãng xương nếu dùng kéo dài.
  • Thuốc lá có thể làm giảm mật độ khoáng trong xương và làm xương dễ gãy hơn, không nên hút thuốc lá trong quá trình tiêm thuốc cũng như sau khi dùng thuốc.
  • Rượu bia và các loại thực phẩm có cồn cũng làm tăng nguy cơ loãng xương gây gãy xương.
  • Một số tương tác khác chưa được kiểm chứng đầy đủ, người bệnh nên thông báo với bác sĩ tất cả tình trạng bệnh lý và các thuốc đang sử dụng trong thời gian gần đây trước khi sử dụng Forteo.

6. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng:

  • Forteo được bào chế dưới dạng bút tiêm dưới da hàm lượng 20mcg/ liều. Mỗi bút tiêm chứa đủ thuốc cho 28 liều tiêm riêng biệt. Sau khi dùng đủ 28 liều, vứt bút tiêm ngay cả khi còn thuốc.
  • Sử dụng thuốc tiêm dưới da đùi, da cánh tay hoặc da bụng vào cùng một thời điểm trong ngày. Không tiêm 2 liều liên tiếp tại cùng một vị trí, nằm nghỉ vài phút sau khi tiêm.
  • Bảo quản bút tiêm Forteo trong tủ lạnh sau mỗi lần sử dụng.

Liều dùng:

  • Liều thông thường: Tiêm dưới da 20 mcg/ lần/ ngày. Nên tiêm thuốc 01 lần vào buổi sáng để thuốc hấp thu tốt hơn.
  • Nằm nghỉ ngơi vài phút sau khi tiêm, sau đó vận động nhẹ nhàng để thuốc phát huy hiệu quả tối đa.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng đối tượng bệnh nhân và tình trạng bệnh lý mà bác sĩ sẽ có chỉ định về liều tiêm Forteo khác nhau.

7. Tác dụng phụ của thuốc Forteo

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc Forteo:

  • Phản ứng dị ứng gây nổi ban, mẩn ngứa, mề đay, phù mặt, phù đường hô hấp gây khó thở.
  • Cảm giác đau xương rõ rệt, đau nhức các khớp, chuột rút.
  • Sưng, hoặc xuất hiện u cục, bầm tím tại vùng tiêm.
  • Chóng mặt, choáng, ngất (xảy ra trong khoảng 4 giờ sau tiêm).
  • Hồi hộp, cảm giác rung trong ngực, tim đập nhanh mạnh sau khi tiêm thuốc.
  • Tăng canxi máu.
  • Lú lẫn, yếu cơ, thiếu năng lượng.
  • Khát nước, buồn nôn, nôn, táo báo, tiểu nhiều, sụt cân.

Tóm lại, Forteo là một loại hormone tuyến cận giáp nhân tạo được chỉ định trong điều trị loãng xương có nguy cơ gãy xương cao. Đây là thuốc kê đơn, người bệnh cần sử dụng dưới chỉ định của bác sĩ và phối hợp với chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động hợp lý.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe