Hầu hết chị em phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh đều bị loãng xương. Bệnh loãng xương thường diễn tiến thầm lặng nhưng có thể dẫn đến hậu quả nặng nề như gãy xương, dẫn đến bị tàn phế, mất khả năng lao động, giảm tuổi thọ.
1. Tìm hiểu về bệnh loãng xương
Loãng xương là bệnh có đặc điểm tổn thương cấu trúc vi thể của xương, làm giảm tỷ trọng khoáng chất của xương kết hợp với sự hư biến cấu trúc của xương làm cho xương mỏng mảnh và yếu đến mức rất dễ gãy dù bị chấn thương rất nhẹ, thậm chí có thể gãy tự nhiên.
Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là nữ giới đến độ tuổi mãn kinh. Bởi đây là giai đoạn nữ giới có sự thay đổi mạnh mẽ về nội tiết, sự thiếu hụt nội tiết tố nữ (estrogen) sẽ làm đẩy nhanh diễn tiến của bệnh loãng xương và chị em cần có biện pháp phòng ngừa, điều trị loãng xương phù hợp để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Trắc nghiệm: Nguyên nhân gây loãng xương là gì?
Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
2. Các nguyên nhân dẫn đến bị loãng xương
Có rất nhiều nguyên nhân gây loãng xương nhưng có thể chia ra làm 2 nhóm chính là: nguyên nhân có thể kiểm soát và nguyên nhân không thể kiểm soát.
Nguyên nhân có thể kiểm soát:
- Do di truyền: Nếu trong gia đình bạn có một vài người đã hoặc đang bị bệnh loãng xương thì bạn có nguy cơ cao bị loãng xương
- Do giới tính: tỷ lệ nữ giới bị loãng xương cao hơn nam giới
- Do sắc tộc: người da vàng và da trắng có nguy cơ bị loãng xương cao hơn người da đen.
Nguyên nhân không thể kiểm soát: thường là hậu quả của một số bệnh ảnh hưởng tới rối loạn chuyển hóa chất khoáng của xương như:
- Do thiếu hụt hormone
- Từng bị gãy xương
- Chế độ dinh dưỡng hàng ngày thiếu canxi và các khoáng chất khác (vitamin D, vitamin B6, B12, vitamin K magie, photpho,...)
- Ăn quá nhiều protein có thể làm giảm canxi
- Uống quá nhiều hoặc lạm dụng rượu, cafe sẽ làm giảm sự hấp thu canxi
3. Dấu hiệu của bệnh loãng xương
Những dấu hiệu của bệnh loãng xương thường khá muộn và dấu hiệu đầu tiên thường gặp là đau những vùng xương chịu áp lực của trọng lượng cơ thể khi đứng hoặc ngồi lâu như:
- Xương gót, đầu dưới hoặc trên xương chày của cẳng chân
- Cột sống thắt lưng
- Cột sống cổ...
Hậu quả của loãng xương có thể là: gãy đầu dưới xương cẳng tay, gãy xương hông và lún xẹp đốt sống (chiếm 50% các loại gãy và chiếm 25% số người trên 70 tuổi). Phụ nữ sau mãn kinh có thể bị thấp đi 6,4cm và hình ảnh của lún đốt sống có thể là gù, còng lưng và vẹo cột sống.
4. Phân loại mức độ loãng xương
Loãng xương được chia làm hai loại: Loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát.
Loãng xương nguyên phát: Cơ chế là do quá trình lão hóa của tạo cốt bào gây nên tình trạng mất cân bằng giữa huỷ xương và tạo xương, kết quả là thiếu sản xương. Loãng xương nguyên phát gồm 2 loại:
- Loãng xương sau mãn kinh: nguyên nhân là do giảm nội tiết tố nữ oestrogen, ngoài ra còn có sự giảm tiết hormon tuyến cận giáp trạng, tăng thải calci niệu, suy giảm hoạt động của enzym 25-OH-vitamin D1-hydroxylase. Thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 50 - 55, đã mãn kinh. Tổn thương chủ yếu là mất chất khoáng ở xương xốp, biểu hiện là sự lún của các đốt sống hoặc gãy xương Pouteau-Colles
- Loãng xương tuổi già: Liên quan tới tuổi và tình trạng mất cân bằng tạo xương. Loại loãng xương này xuất hiện ở cả 2 giới nam và nữ, độ tuổi khoảng trên 70. Đặc điểm của loại loãng xương này là mất chất khoáng toàn thể cả ở xương xốp (xương bó) và xương đặc (xương vỏ). Thường là bệnh nhân hay bị gãy cổ xương đùi. Cơ chế gây loãng xương là do tình trạng giảm hấp thu calci, giảm chức năng tạo cốt bào dẫn tới cường cận giáp thứ phát.
Loãng xương thứ phát: Nguyên nhân liên quan đến một số bệnh mãn tính và phải sử dụng điều trị:
- Bệnh nội tiết: Cường giáp, đái tháo đường, bệnh to đầu chi...
- Bệnh tiêu hóa: Cắt dạ dày, thiếu dinh dưỡng, bệnh gan mãn tính
- Bệnh khớp: Viêm khớp dạng thấp, bệnh lý cột sống...
- Bệnh ung thư
- Bệnh di truyền: bệnh nhiễm sắc tố sắt...
- Những trường hợp sử dụng corticoid, heparin, dùng lợi tiểu kéo dài.
5. Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh
Cùng với tuổi tác, canxi cũng giảm từ từ một cách không tránh được nhất là ở độ tuổi mãn kinh của phụ nữ. Loãng xương là bệnh khá phổ biến ở phụ nữ mãn kinh, vì vậy nên có lịch thăm khám định kỳ nhằm ngăn chặn và có biện pháp điều trị kịp thời giúp giảm tỷ lệ loãng xương gây ra gãy xương, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời phối hợp với một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và làm việc đúng mức là hết sức cần thiết. Bởi điều này giúp tránh những hậu quả bất lợi của loãng xương, kéo dài sự trẻ trung và tuổi thọ cho mỗi người.
Để điều trị và phòng bệnh hiệu quả, các biện pháp sau đây cần được chị em quan tâm đúng mực:
- Liệu pháp vận động:
Sinh hoạt năng động, siêng tập thể dục, phơi nắng,... Khi làm việc nên tránh việc ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế, điều này gây bất lợi cho bộ xương của chúng ta. Thường xuyên thay đổi tư thế khi làm việc và tránh những công việc khuân vác nặng nhọc là lời khuyên dành cho những người đang điều trị loãng xương.
- Liệu pháp sử dụng thuốc:
Cần có sự hướng dẫn, theo dõi chặt chẽ của bác sĩ khi sử dụng thuốc. Có thể dùng riêng lẻ hoặc phối hợp các nhóm để ức chế sự tiêu xương và tăng khối lượng xương. Bổ sung calcium và vitamin D.
- Liệu pháp thay thế hormon:
Có thể áp dụng cho phụ nữ mãn kinh, giúp tác dụng tăng mật độ xương đáng kể (tăng 3,5 - 5% ở xương sống sau 3 năm điều trị). Tuy nhiên, cần lưu ý đặc biệt đến tác dụng phụ của thuốc (bệnh tim mạch, nguy cơ ung thư vú,...) và nhất thiết phải có chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
6. Các biện pháp phòng ngừa loãng xương
Bổ sung canxi qua thực phẩm:
- Sữa và các sản phẩm của sữa như sữa chua, pho mát...
- Các loại cá, nhất là cá mòi, cá thu (nên dùng cả xương)
- Các loại rau củ hạt: súp lơ xanh, cải xoăn, củ cải đường, rau xanh đậm, hạt đậu nành.
Kiểm soát tốt các bệnh về nội tiết (bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp, thượng thận,...), bệnh đường tiêu hóa (loét dạ dày tá tràng, bệnh gan, hội chứng kém hấp thu,...) sẽ làm chậm tốc độ loãng xương
Hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh: Tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe định kỳ.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám và tư vấn sức khỏe tuổi tiền mãn kinh. Khi đăng ký gói khám, khách hàng sẽ được khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Phụ khoa; Thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng nội tiết tố như:
- Khám chuyên khoa Phụ khoa
- Khám phụ khoa, khám vú
- Siêu âm tử cung, buồng trứng qua đường bụng
- Lấy bệnh phẩm làm phiên đồ tế bào cổ tử cung – âm đạo
- Chụp Xquang tuyến vú (2 bên)
- Đo độ loãng xương
- Thực hiện các xét nghiệm khác để phát hiện các bệnh lý tiền mãn kinh nếu có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.