Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Glycerin borat là thuốc điều trị trong nhóm bệnh tai mũi họng. Vì vậy, khi bị tay chân miệng, Glycerin borat thường được chỉ định để làm sạch họng cho trẻ, có bệnh tích ở họng như nề, loét, nốt phỏng...
1. Dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em có dấu hiệu nhận biết rất dễ và đặc trưng. Sau khoảng 2 ngày ủ bệnh, tay chân miệng sẽ khởi phát với những triệu chứng sau:
- Trẻ bị sốt: Sốt được xem là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm ngăn ngừa sự tấn công virus, vi khuẩn gây hại.
- Phát ban da: Da của trẻ xuất hiện các tổn thương như: mẩn đỏ, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, trong khoang miệng, lưỡi,... của bé. Bạn cần tránh cho trẻ gãi vào mụn nước để hạn chế bội nhiễm.
- Trẻ mệt mỏi, chán ăn: Vì trẻ bị nổi mụn nước trong khoang miệng nên sẽ đau miệng, chán ăn, cơ thể mệt mỏi.
- Tiêu chảy: Một số trẻ có dấu hiệu tiêu chảy khi nhiễm bệnh.
2. Cách sử dụng dung dịch glycerin borat làm sạch họng cho trẻ bị tay chân miệng
Glycerin borat là thuốc điều trị trong nhóm bệnh tai mũi họng. Vì vậy, khi bị tay chân miệng, Glycerin borat thường được chỉ định để làm sạch họng cho trẻ, có bệnh tích ở họng như nề, loét, nốt phỏng...
Cách sử dụng dung dịch glycerin borat làm sạch họng cho trẻ bị tay chân miệng như sau:
- Cho trẻ ngồi thẳng, há to miệng
- Soi đèn vào họng trẻ để có đủ nguồn sáng thấy các mụn nước, vết loét.
- Tay phải cầm đè lưỡi, tay trái cầm 1 que tăm bông thẳng, thấm thuốc vào bông và bôi chấm nhẹ trên bệnh tích.
- Lau sạch miệng cho bé trước và sau khi ăn.
3. Một số loại thuốc khác dùng khi trẻ bị tay chân miệng
- Thuốc hạ sốt: Khi trẻ sốt cao từ 38,5oC thì nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol, liều lượng theo cân nặng của trẻ.
- Các loại gel rơ miệng như: Kamistad, zyttee cũng có tác dụng sát khuẩn và giảm đau giúp bé ăn uống dễ dàng hơn.
- Một số loại thuốc sát như: Lidocain, xịt miệng benzydamine cho trẻ trên 5 tuổi, súc miệng benzydamine đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên và nước muối sinh lý nồng độ NaCl 0,9%
- Oresol: Bổ sung đủ nước bằng cách uống dung dịch điện giải oresol.
Tùy theo tình trạng bệnh chân tay miệng ở trẻ em thế nào, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc khác mạnh hơn để điều trị bệnh hiệu quả như:
- Triệu chứng não – màng não: Điều trị tại bệnh viện và dùng thuốc có tác dụng chống co giật.
- Viêm màng não do vi khuẩn: Sử dụng kháng sinh kết hợp theo dõi chặt chẽ các triệu chứng hô hấp.
- Biến chứng viêm não kèm liệt, rối loạn tri giác và co giật: Sử dụng thuốc phù não, chống co giật và kháng sinh phòng bội nhiễm.
- Suy hô hấp, trụy tim mạch: Trường hợp này cần chăm sóc đặc biệt, truyền dịch chống sốc, sử dụng kháng sinh phòng bội nhiễm,...
Tuy nhiên, những loại thuốc trên không tự ý sử dụng cho bé mà bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Ngoài ra để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh tay chân miệng ở trẻ, bạn cần:
- Vệ sinh cá nhân và cho cả những người chăm sóc bé thật sạch sẽ
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch
- Rửa sạch các bề mặt trong nhà và đồ chơi bằng xà phòng và nước, sau đó sát khuẩn bằng dung dịch có chứa chất tẩy chlorine pha loãng
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh
- Ăn chín, uống sôi. Luôn giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Không mớm thức ăn cho trẻ bằng đường miệng, không sử dụng đồ vật cá nhân chung với bé.
- Khi trẻ xuất hiện dấu hiệu bệnh tay chân miệng, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất
Phát hiện bệnh tay chân miệng và cách phòng tránh