Bệnh tay chân miệng ở trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam

So với cùng kỳ năm trước, tình hình bệnh tay chân miệng ở trẻ em tại khu vực miền Nam đang diễn tiến ở mức rất cao. Các bậc cha mẹ cần chủ động tìm hiểu và thực hiện các biện pháp phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

1. Đôi nét về bệnh tay chân miệng ở trẻ em

1.1. Tay-chân-miệng là bệnh gì?

Bệnh chân tay miệng ở trẻ em là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bởi vì trong giai đoạn này, hệ miễn dịch của trẻ còn khá yếu nên dễ dàng bị nhiễm các virus gây bệnh.Tuy nhiên trên thực tế, những trẻ lớn hơn và ngay cả người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh tay - chân - miệng.

Trong những ngày gần đây, bệnh tay chân miệng ở trẻ đang rơi vào thời kỳ bùng phát. Theo như chu kỳ hàng năm, số ca mắc tay chân miệng thường đạt đỉnh đợt thứ nhất vào khoảng tháng 4 đến tháng 6, và đợt dịch thứ hai rơi vào khoảng độ tháng 8 đến tháng 10. Tốc độ lây lan của bệnh khá nhanh, đôi khi trở nên nguy hiểm với các biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... nguy cơ bé có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm.

1.2. Dấu hiệu nhận biết tay chân miệng ở trẻ

Một điều may mắn là hầu hết các dấu hiệu của bệnh tay - chân - miệng ở trẻ đều rất dễ nhận biết, bao gồm:

  • Tổn thương ở da: Xuất hiện mụn nước, da rát đỏ ở một vài vị trí đặc biệt, như vùng họng (tổn thương niêm mạc miệng, lợi, lưỡi), bỏng nước ở quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân, vùng mông, đầu gối,...
  • Sốt: Thường sốt nhẹ. Nếu cơn sốt cao mà các thuốc hạ sốt thông thường không có tác dụng thì đây dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
  • Một số trẻ có biểu hiện đau miệng, mệt mỏi, nôn ói, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt, quấy khóc, ngủ hay giật mình, lơ mơ,...

Khi phụ huynh nhận thấy bé có các dấu hiệu kể trên, cần lập tức đưa bệnh nhi đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để tránh tình trạng lây lan cho cộng đồng, người lớn cần phải chủ động cách ly trẻ mắc bệnh và chỉ cho trẻ đến trường khi đã hoàn toàn khỏi bệnh.


Dấu hiệu nhận biết bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.

Ngoài ra, cha mẹ nên tìm hiểu thông tin bệnh tay miệng cần kiêng gì để có thể hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi trẻ đang mắc bệnh.

1.3. Tay chân miệng lây qua đường nào?

Bệnh có thể lây trực tiếp và gián tiếp:

  • Lây trực tiếp: Thông qua đường tiêu hoá khi các bé ăn uống chung hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ trẻ mắc bệnh.
  • Lây gián tiếp: Qua bàn tay hoặc cầm, nắm vật dụng bị nhiễm virus (thường là đồ chơi, bàn ghế hay tay nắm cửa), sau đó trẻ vô tình cho tay vào miệng.

Một số yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc tay chân miệng ở trẻ:

  • Vệ sinh cá nhân kém: Là cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể.
  • Thường xuyên tiếp xúc với nhiều trẻ ở nơi công cộng: Làm tăng nguy cơ mắc bệnh do tính chất truyền nhiễm dễ lây lan.

Sau khi biết được tay chân miệng lây qua đường nào, các bậc phụ huynh có thể chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng cho con yêu.

2. Tình hình dịch bệnh tay chân miệng ở một số tỉnh khu vực miền Nam

TPHCM: Số ca mắc tay chân miệng ở trẻ đang tăng cao

Theo ghi nhận của BS. Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế, đối với tình hình trẻ em mắc bệnh tay chân miệng ở TPHCM: “Số ca bệnh tay chân miệng tích lũy tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố cộng dồn từ đầu năm 2019 đến giữa tháng ba là khoảng 1.700 ca, tăng 65% so với cùng kỳ (năm 2018 là 1070 ca).”

Ý thức của cộng đồng đối với bệnh tay chân miệng đã được cải thiện, bệnh nhi được phát hiện bệnh sớm, nhập viện và điều trị kịp thời. Vì vậy nên từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận có ca bệnh tử vong.


Trẻ em cần được bảo vệ một cách chủ động để tránh bị virus gây bệnh tay chân miệng.
Trẻ em cần được bảo vệ một cách chủ động để tránh bị virus gây bệnh tay chân miệng.

Bình Dương: Bùng phát dịch tay chân miệng

Ngày 4/3, Sở Y tế Bình Dương cho biết, tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu tăng cao.

Cụ thể, số liệu ghi nhận vào tháng 2/2019, toàn tỉnh Bình Dương phát hiện có 168 ca bệnh, hầu hết các bệnh nhi đang được tích cực điều trị. Những địa bàn hiện đang bùng phát nhiều ca mắc mới là thị xã Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một,...

An Giang: Bệnh tay chân miệng ở trẻ em tăng đột biến

Theo thống kê của Sở Y tế An Giang, tính đến hết ngày 14/3, tình hình dịch bệnh tay chân miệng toàn tỉnh đang diễn biến khá phức tạp.

Số bệnh nhi tay chân miệng là 354 ca, tăng đến 148% so với cùng kỳ năm ngoái. Địa phương có tổng số ca mắc nhiều nhất là huyện Chợ Mới.

Để ứng phó với tình hình tay chân miệng tăng cao, riêng Sở Y tế đang tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương nhằm phát hiện sớm những trường hợp bệnh, cách ly và xử lý triệt để ổ dịch. Bên cạnh đó, Bộ cũng chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư y tế, phương tiện, hóa chất cần thiết để phục vụ công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh trong mọi tình huống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe