Quy trình chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng cùng có tiêm thuốc đối quang từ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Phương Nga - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng là sử dụng sóng từ trường tạo ra hình ảnh rõ ràng, chi tiết của cột sống vùng thắt lưng và các mô xung quanh. Bằng cách có tiêm thuốc đối quang từ, phương tiện này giúp khảo sát tốt hơn các tổn thương tại khu vực này và ít gặp phản ứng dị ứng hơn là thuốc cản quang dung trong chụp cắt lớp vi tính.

1. Chụp MRI cột sống thắt lưng cùng là gì?

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật không xâm lấn được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý trong y khoa dựa trên nguyên lý là sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc cơ thể bên trong. Mặc dù không sử dụng bức xạ là tia X, hình ảnh MRI rất chi tiết, cho phép các bác sĩ kiểm tra cơ thể và phát hiện bệnh lý.

Hiện tại, MRI là xét nghiệm hình ảnh nhạy cảm nhất có sẵn cho các vấn đề tại cột sống nói chung và cột sống thắt lưng cùng nói riêng. Nguyên nhân là vì cấu trúc giải phẫu tại khu vực này tương đối phức tạp, bao gồm nhiều thành phần khác nhau, mật độ khác nhau như xương, đĩa đệm, dây chằng, thần kinh và mô mềm xung quanh mà trên ảnh MRI có thể phân biệt được tốt hơn.

2. Khi nào cần chụp mri cột sống thắt lưng cùng?

Hình ảnh trong chụp MRI cột sống thắt lưng cùng được sử dụng để đánh giá hoặc phát hiện:

● Các bất thường giải phẫu cột sống và căn chỉnh.

● Dị tật bẩm sinh ở đốt sống hoặc tủy sống.

● Chấn thương xương, đĩa đệm, dây chằng hoặc tủy sống.

● Bệnh lý thoát vị đĩa đệm và khớp. Đây là các nguyên nhân phổ biến của đau vùng lưng dưới nghiêm trọng và đau thần kinh tọa.

● Chèn ép hoặc viêm tủy sống và dây thần kinh.

● Nhiễm trùng đốt sống, đĩa đệm, tủy sống hoặc màng tủy.

● Các khối u ở đốt sống, tủy sống, dây thần kinh hoặc các mô mềm xung quanh.

Ngoài ra, chụp MRI cột sống thắt lưng cùng có tiêm thuốc đối quang từ cũng được sử dụng để giúp lập kế hoạch cho các thủ thuật như giải nén dây thần kinh bị chèn ép, hợp nhất cột sống hoặc tiêm steroid. Trước đây, việc tiêm steroid làm giảm đau thường được thực hiện bằng hướng dẫn X-quang nhưng từ khi có MRI ra đời, ưu điểm giúp làm giảm nguy cơ tiếp xúc với bức xạ cho người bệnh.

Đồng thời, MRI cột sống cũng phát hiện các nguyên nhân có thể khác gây đau lưng như tổn thương xương hay những thay đổi ở cột sống sau khi phẫu thuật, chẳng hạn như sẹo co kéo hoặc nhiễm trùng.


MRI cột sống cũng phát hiện các nguyên nhân có thể khác gây đau lưng như gãy xương hay những thay đổi ở cột sống sau khi phẫu thuật
MRI cột sống cũng phát hiện các nguyên nhân có thể khác gây đau lưng như gãy xương hay những thay đổi ở cột sống sau khi phẫu thuật

3. Quy trình chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng cùng có tiêm thuốc đối quang từ

Bạn cần phải mặc áo choàng chuyên dụng của bệnh viện vào tháo các vật dụng bằng kim loại trên cơ thể, kể cả các thiết bị y khoa như máy trợ thính. Trong trường hợp bệnh nhân không thể tháo các loại máy ra được như máy tạo nhịp tim ( với loại chưa được khử từ) thì trở thành chống chỉ định của chụp MRI.

Bệnh nhân cần được dặn dò nhịn ăn ít nhất 6 giờ do có tiêm thuốc đối quang từ. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn được uống thuốc điều trị các bệnh lý mạn tính. Bên cạnh đó, khi có tiêm thuốc đối quang từ, bạn cần phải khai báo nếu bị hen suyễn hoặc dị ứng với chất tương phản iốt, thuốc, thực phẩm hoặc môi trường.

Mặc dù MRI thường sử dụng thuốc đối quang từ là Gadolinium, ít có khả năng dị ứng hơn so với thuốc cản quang chứa iốt, nhưng nguy cơ vẫn có thể xảy ra. Đồng thời, bạn cũng có thể cần xét nghiệm máu để xác định xem chức năng thận trước khi dùng thuốc đối quang từ.

Đối với người quá lo lắng, kích thích, sợ lồng kín hay không hợp tác khi chụp MRI, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thuốc an thần liều thấp cần được chỉ định.

Sau khi được chuẩn bị, bạn sẽ được sắp xếp nằm trên một bàn trượt vào thân máy là một ống nam châm hình trụ lớn. Kỹ thuật viên sẽ kiểm soát toàn bộ quá trình chụp và điều khiển tín hiệu vào khu vực cần khảo sát.

Trong quá trình chụp hình, máy sẽ tạo ra tiếng ồn. Bạn có thể sử dụng nút bịt tai hay tai nghe để nghe các bản nhạc yêu thích, tránh tiếng ồn trong thời gian dài.

Môi trường trong máy chụp MRI sẽ khiến cho một số người sợ hãi, gọi là hội chứng lồng kín. Tuy nhiên, bạn luôn được quan sát, theo dõi bởi các kỹ thuật viên từ bên ngoài cũng như giao tiếp, yêu cầu nếu cần thiết.

Một phim chụp ban đầu gọi là chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng cùng không tiêm thuốc đối quang từ. Sau đó, một lượng thuốc đối quang từ sẽ được bơm vào cơ thể bạn qua tĩnh mạch ở tay. Kỹ thuật viên sẽ theo dõi thời gian bơm thuốc tại khu vực cần chụp và lặp lại việc chụp, chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng cùng có tiêm thuốc đối quang từ.

Sau khi việc chụp hoàn tất, bạn có thể được ra về và sinh hoạt lại như bình thường. Nếu có sử dụng thuốc an thần, bạn cần được lưu lại theo dõi cho đến khi thuốc hết tác dụng hoàn toàn và cần có người thân đưa về.

Toàn bộ việc chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng cùng có tiêm thuốc đối quang từ thường được hoàn thành trong vòng 30 đến 60 phút. Tuy nhiên, việc phân tích kết quả sẽ cần nhiều thời gian hơn và kết quả sẽ được trả về cho bác sĩ chỉ định nhằm phục vụ việc chẩn đoán và điều trị tiếp theo.

4. Cần theo dõi gì sau khi chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng cùng có tiêm thuốc đối quang từ

Việc chụp MRI hoàn toàn không gây đau đớn gì. Tuy nhiên, việc tiêm thuốc đối quang từ vào đường tĩnh mạch nhằm thu thập hình ảnh tốt hơn lại có thể gây khó chịu và vết bầm tím tại chỗ tiêm....

Ngoài ra, cũng có một tỷ lệ rất nhỏ khả năng thuốc gây kích ứng da tại vị trí tiêm, một số bệnh nhân có thể có vị kim loại tạm thời trong miệng sau khi tiêm thuốc đối quang từ..

5. Những lợi ích và rủi ro khi chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng cùng có tiêm thuốc đối quang từ

5.1 Những lợi ích

MRI là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, không liên quan đến việc phơi nhiễm bức xạ.

Hình ảnh MRI của cột sống rõ ràng và chi tiết hơn so với hình ảnh thu được bằng các phương pháp hình ảnh khác, nhất là các bệnh lý trên tủy sống và dây thần kinh khi các bất thường có thể bị che khuất bởi xương trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

Vật liệu tương phản trong MRI là thuốc đối quang từ Gadolinium, ít gây ra phản ứng dị ứng hơn so với các vật liệu tương phản dựa trên iốt được sử dụng để chụp x-quang và chụp cắt lớp vi tính.

Hơn nữa, MRI cũng rất hữu ích để đánh giá chấn thương cột sống, giúp chẩn đoán hoặc loại trừ chèn ép tủy sống cấp tính và đánh giá chấn thương dây chằng, phát hiện khối u, áp xe và các khối mô mềm khác gần tủy sống.

Cuối cùng, MRI là phương pháp ưu tiên để đánh giá các biến chứng tiềm ẩn của phẫu thuật, bao gồm chảy máu, sẹo, nhiễm trùng và tái phát của thoát vị đĩa đệm.


MRI là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, không liên quan đến việc phơi nhiễm bức xạ
MRI là một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, không liên quan đến việc phơi nhiễm bức xạ

5.2 Rủi ro

MRI hầu như không gây rủi ro cho bệnh nhân nếu tuân thủ đúng các hướng dẫn an toàn phù hợp.

Những rủi ro nếu có thường liên quan đến việc dùng thuốc an thần. Do đó, chỉ định và liều lượng cần cân nhắc trong từng bệnh nhân cũng như theo dõi sau đó nhằm hạn chế các rủi ro này.

Tóm lại, chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng cùng có tiêm thuốc đối quang từ là một công cụ hình ảnh hữu ích giúp khảo sát rất tốt các bệnh lý tại chỗ. So với chụp cắt lớp vi tính có thuốc cản quang, phương tiện này nhiều ưu điểm vượt trội trong giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm bức xạ cũng như dị ứng với thuốc.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe