Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Để chẩn đoán các bệnh lý ở cột sống cổ, nhiều bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống cổ không tiêm thuốc đối quang từ. Đây là phương pháp chẩn đoán có tỷ lệ chính xác và độ an toàn rất cao nên đang được áp dụng rộng rãi hiện nay.
1. Lợi ích khi chụp MRI cột sống cổ
Chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không sử dụng tia X, không gây xâm lấn và không chứa bức xạ ion hóa. Đây là phương pháp có hiệu quả cao nhất khi so sánh với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác vì khả năng đánh giá chi tiết và rõ ràng cột sống cổ. Đặc biệt, phương pháp này còn có thể giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng tủy sống và các dây thần kinh (điều mà các kỹ thuật chẩn đoán khác không làm được).
Chụp cộng hưởng từ có thể đánh giá được các phần bị che bởi xương hoặc khó quan sát trong các phương pháp chụp khác. Đây cũng là kỹ thuật đặc biệt có ích trong việc chẩn đoán tình trạng chèn ép, viêm tủy cấp tính (biểu hiện liệt hoặc tê bì trên lâm sàng). Các bệnh lý cột sống như tổn thương ở đĩa đệm, thân đốt sống, tủy sống và các tổ chức phần mềm quanh cột sống,... đều có thể được chẩn đoán chính xác nhờ chụp MRI.
2. Chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống cổ không tiêm thuốc đối quang từ
- Trường hợp người bệnh có biểu hiện đau cánh tay nặng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị trong thời gian dài;
- Trường hợp bệnh nhân bị đau cổ, đau vai lâu ngày, đáp ứng kém với điều trị;
- Giúp phát hiện các bệnh lý của đĩa đệm như thoái hóa, phồng hoặc thoát vị đĩa đệm;
- Phát hiện và đánh giá các dị tật bẩm sinh của tủy sống;
- Phát hiện bệnh đa xơ cứng hoặc các bệnh lý ở thần kinh tủy sống;
- Chẩn đoán các tình trạng gặp rối loạn cảm giác như tê bì, ngứa ran hoặc dị cảm,... vùng vai và cổ, tay,...;
- Giúp bác sĩ đánh giá tình trạng cột sống cổ trước phẫu thuật;
- Giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng sau phẫu thuật cột sống cổ của bệnh nhân, đặc biệt là phát hiện các vấn đề bất thường mới xảy ra sau phẫu thuật;
- Đánh giá được các dấu vết nghi ngờ nứt gãy đốt sống hoặc đánh giá các vết nứt gãy đốt sống cũ;
- Chẩn đoán, đánh giá lao tủy sống (cần phối hợp với tiêm thuốc đối quang từ để tổn thương được rõ hơn);
- Chẩn đoán hoặc đánh giá chấn thương cột sống cổ;
- Chẩn đoán ung thư hoặc khối u ở cột sống cổ (cần phối hợp với tiêm thuốc đối quang từ để tổn thương được rõ hơn).
3. Chống chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống cổ không tiêm thuốc đối quang từ
3.1 Chống chỉ định tuyệt đối
- Bệnh nhân nặng, cần có các thiết bị hồi sức bên người;
- Người được cấy ghép các thiết bị điện tử trên cơ thể như cấy ghép ốc tai, thiết bị bơm thuốc tự động dưới da, máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung,...;
- Người có các kẹp bằng kim loại trong mạch máu, nội sọ hoặc hốc mắt dưới 6 tháng;
- Phụ nữ mang thai dưới 12 tuần tuổi. Thai phụ trên 12 tuần có thể chụp MRI mà không gây ảnh hưởng tới thai nhi.
3.2 Chống chỉ định tương đối
- Bệnh nhân có kẹp phẫu thuật bằng kim loại trên 6 tháng: Sử dụng kim loại trong phẫu thuật chỉnh hình, chỉnh xương, lắp răng giả hoặc niềng răng;
- Bệnh nhân nhỏ tuổi, tăng động hoặc người nặng trên 250kg;
- Người bị sợ bóng tối hoặc sợ cô độc.
4. Thực hiện kỹ thuật chụp cộng hưởng từ cột sống cổ không tiêm thuốc đối quang từ
4.1 Chuẩn bị
- Nhân sự thực hiện: Gồm bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng phụ tá và kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh;
- Phương tiện kỹ thuật: Gồm máy chụp MRI; phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh;
- Bệnh nhân: Được bác sĩ giải đáp chi tiết các thông tin cần thiết về kỹ thuật; được kiểm tra các chống chỉ định; không cần nhịn ăn; thay quần áo của phòng chụp cộng hưởng từ, tháo bỏ các vật dụng nằm trong danh mục chống chỉ định; mang theo giấy yêu cầu chụp cộng hưởng từ của bác sĩ hoặc hồ sơ bệnh án nếu có;
4.2 Tiến hành chụp MRI cột sống cổ
- Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa trên bàn chụp; bác sĩ lựa chọn - định vị cuộn thu tín hiệu. Sau đó, bác sĩ di chuyển bàn chụp vào đúng vùng từ trường của máy chụp cộng hưởng từ và định vị vùng chụp;
- Chụp định vị;
- Chụp các chuỗi xung T1W, T2W đứng dọc và T2W cắt ngang qua vị trí cần thiết. Có thể chụp Stir đứng dọc nếu cần;
- Kết thúc quá trình chụp cộng hưởng từ, nhân viên y tế tháo cuộn thu tín hiệu và mời người bệnh ra khỏi phòng chụp, đợi kết quả;
- Kỹ thuật viên sẽ xử lý hình ảnh, in phim và chuyển hình ảnh, dữ liệu thu được cho bác sĩ;
- Bác sĩ thực hiện phân tích hình ảnh và đưa ra chẩn đoán.
4.3 Trả kết quả chẩn đoán
- Kết quả chụp cộng hưởng từ cho phép bác sĩ quan sát rõ các cấu trúc giải phẫu cột sống cổ;
- Phim chụp hiển thị được các hình ảnh tổn thương do các bệnh lý ở vùng cột sống cổ nếu có;
- Bác sĩ đọc tổn thương và tư vấn chuyên môn cho bệnh nhân - người nhà.
4.4 Tai biến có thể gặp và cách xử trí
- Người bệnh bị sợ hãi, kích động: Bác sĩ nên động viên và an ủi bệnh nhân;
- Người bệnh quá sợ hãi, lo lắng: Bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần dưới sự theo dõi của bác sĩ gây mê.
Nếu bệnh nhân tuân thủ đúng theo hướng dẫn an toàn của bác sĩ và kỹ thuật viên trong quá trình chụp cộng hưởng từ cột sống cổ thì nguy cơ rủi ro của kỹ thuật này gần như bằng 0. Vì vậy, đây là kỹ thuật rất an toàn nên bệnh nhân, thân nhân không cần quá lo lắng khi được chỉ định thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh này.