Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thu Hương - Trưởng Đơn nguyên phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là tình trạng bệnh lý đặc trưng với viêm các gân cơ duỗi bám vào mỏm lồi cầu ngoài của xương cánh tay, nặng hơn có thể có rách gân cơ, tụ máu ở các tổ chức phần mềm xung quanh. Ngoài phẫu thuật và dùng thuốc, các phương pháp phục hồi chức năng sẽ giúp người bệnh giảm đau và phục hồi bệnh nhanh chóng.
1. Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thường gặp ở độ tuổi nào?
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thường gặp ở độ tuổi từ 30-50 tuổi, ở những đối tượng có các yếu tố nguy cơ, chiếm 1-3% dân số trong cộng đồng. Bệnh thường gặp ở những người chơi Tennis hay những người sử dụng nhiều vùng khuỷu tay, hoặc làm động tác có tính lập đi lập lại nhiều lần trên khuỷu tay. Bệnh lồi cầu ngoài xương cánh tay là lành tính, kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng, đôi khi cả năm. Phần lớn các trường hợp có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhiều. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến kéo dài mãn tính, gây biến chứng thoái hóa và xơ hóa gân duỗi.
2. Nguyên nhân gây viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Nguyên nhân gây viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là do sự căng quá mức của các cơ duỗi cổ tay và ngón tay, đặc biệt là khi thực hiện các động tác đối kháng ở tư thế ngửa bàn tay. Bệnh thường hay gặp ở những người đánh Golf, tennis hoặc người vận dụng nhiều các cơ bắp cẳng tay như họa sĩ, nhạc công, ngư dân, thợ mộc, người làm nội trợ nhiều,...
3. Triệu chứng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Những triệu chứng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay xuất hiện khi người bệnh có cảm giác đau tăng khi thực hiện các động tác duỗi cổ tay, cẳng tay, nâng vác vật nặng. Khi thăm khám, phát hiện điểm đau chói ở vùng lồi cầu hoặc cạnh lồi cầu.
Cảm giác đau nhiều làm các động tác duỗi, ngửa bàn tay và cầm nắm đồ vật bị hạn chế Các triệu chứng bệnh tiến triển từ từ, kéo dài trong nhiều tháng.
4. Điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay bằng các phương pháp như sau:
4.1. Dùng thuốc
- Thuốc giảm đau thông thường: paracetamol, aspirin
- Thuốc chống viêm không steroid: diclofenac, meloxicam, etoricoxib, celecoxib.
- Corticosteroid: Thường dùng đường tiêm tại chỗ, chỉ định khi bệnh nhân đau nhiều, đau kéo dài, không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường hay nhóm thuốc kháng viêm không steroid. Methylprednisolone acetat, bethamethasone là các thuốc thường được sử dụng. Khi tiêm, bệnh nhân chỉ nên tiêm một liều duy nhất, nếu muốn lặp lại cần dùng cách liều trước đó ít nhất 3 tháng. Việc tiêm trực tiếp thuốc vào nơi tổn thương có các tác dụng phụ như nhiễm trùng, teo da tại vùng tiêm, tổn thương chỗ bám của gân vùng khuỷu.
4.2. Vật lý trị liệu
Ngoài việc dùng thuốc điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, người bệnh có thể thực hiện chườm lạnh ở vùng tổn thương để giảm đau. Chườm lạnh trong vòng khoảng 10-15 phút, lặp lại nhiều lần trong ngày có hiệu quả trong việc giảm đau.
Sử dụng laser lạnh, loại sóng ngắn, siêu âm, sóng xung kích hay điện phân để giảm đau. Mang các băng hỗ trợ cẳng tay trong lao động để làm giảm sự căng kéo các cơ duỗi ở khớp khuỷu.
5. Bài tập phục hồi chức năng viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay
Bài tập 1: Kéo giãn nhóm cơ duỗi cổ tay
Duỗi thẳng khuỷu tay bệnh, cẳng tay sấp, cổ tay gấp 90o, dùng tay còn lại nắm mặt mu bàn tay của tay bệnh, tác động một lực nhẹ tăng dần về phía sau sao cho cảm thấy căng các cơ duỗi ở cẳng tay, giữ 15-20 giây. Thực hiện 10-15 lần, 2 lần/ ngày.
Bài tập 2: Kéo giãn nhóm cơ gấp cổ tay
Duỗi thẳng khuỷu tay bị đau, cẳng sấp, cổ tay duỗi 90o, dùng tay còn lại nắm mặt lòng bàn tay của tay bệnh, tác động một lực nhẹ tăng dần về phía sau sao cho cảm thấy căng các cơ duỗi ở cẳng tay, giữ 15-20 giây. Thực hiện 10-15 lần, 2 lần/ ngày.
Bài tập 3: Bài tập co cơ ly tâm các cơ mỏm trên lồi cầu ngoài
Tựa cẳng tay lên bàn, tư thế sấp. Bàn tay cầm tạ 1-2kg, dùng tay khỏe hỗ trợ tay bệnh duỗi cổ tay đến cuối tầm. Sau đó tay khỏe ngừng hỗ trợ, tay bệnh từ từ hạ thấp tạ về tư thế gấp, càng chậm càng tốt. Thực hiện 10-15 lần, 2 lần/ ngày.
Bài tập 4: Tập với Flex Bar
- Bước 1: Tay bệnh nắm đầu dưới FlexBar trong tư thế duỗi tối đa ( trong hình tay bệnh là tay phải)
- Bước 2: Tay lành nắm đầu trên FlexBar, lòng bàn tay hướng về phía trước
- Bước 3: Dùng tay lành xoắn FlexBar sao cho cổ tay bên lành về vị trí gấp tối đa, trong khi cố định đầu dưới bằng tay bệnh như ở vị trí ban đầu.
- Bước 4: Giữ nguyên tư thế cổ tay hai bên, từ từ duỗi thẳng khuỷu hai bên, giơ hai tay về phía trước
- Bước 5: Từ từ thả lỏng cổ tay bên bệnh, cố định bên lành. Lực xoắn của FlexBar sẽ làm cổ tay bệnh từ vị trí duỗi tối đa thành gấp tối đa. Giữ vị trí này 10-15 giây.
Với bài tập này, bệnh nhân cần thực hiện 10-15 lần, 2 lần/ ngày.
Bài tập 5: Tập Grip Strength
Sử dụng bóng cao su nắm trong lòng bàn tay phía tay bệnh. Bóp banh cao su, giữ 1 giây, sau đó từ từ thả lỏng. Với bài tập này, bệnh nhân cần thực hiện 10-15 lần, 2 lần/ ngày.
Tuy nhiên, cần tránh những cử động duỗi cổ tay quá mức, ngửa cẳng tay lặp đi lặp lại trong các hoạt động hằng ngày Khi chơi thể thao, sử dụng Counterforce Brace.
Cách chọn vợt tennis:
- Sử dụng vợt với lưới có độ căng vừa phải: lưới cỏ thể làm bằng ruột động vật hoặc sợi tổng hợp chất lượng cao, sợi lưới nhỏ
- Tăng size của đầu vợt
- Không sử dụng vợt quá nhẹ, có thể dùng tape chì quấn ở tay cầm và đầu vợt
- Tăng kích thước tay cầm sao cho phù hợp, không quá nhỏ: Đường kính tay cầm phù hợp bằng khoảng cách giữa đầu ngón nhẫn đến giữa lòng bàn tay.
Kỹ thuật chơi thể thao đúng: Tránh duỗi cổ tay, ngửa cẳng tay quá mức khi thực hiện các động tác backhand, hit topspin forehand.
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay là hội chứng xảy ra khi có sự hoạt động quá sức tại khuỷu tay, làm chấn thương cơ duỗi của cẳng tay. Việc điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay chủ yếu là hạn chế cử động nhằm tránh các tổn thương lên khớp, trước khi đòi hỏi đến thuốc giảm đau hay các kỹ thuật cao hơn.
Nếu bạn có những vấn đề về bệnh lý viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay có thể đến khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park để được tư vấn và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.