Khớp vai có biên độ vận động lớn nên trong các môn thể thao đòi hỏi vận động thân trên với cường độ cao như tennis hoặc bóng chuyền rất dễ dẫn tới đau vai. Cho dù là vận động viên chuyên nghiệp, nghiệp dư hay thậm chí chỉ là rèn luyện sức khoẻ thì chấn thương vai khi chơi tennis, bóng chuyền đều có thể để lại hậu quả khôn lường nếu không được xử lý đúng cách.
1. Nguyên nhân gây chấn thương vai khi chơi bóng chuyền, tennis
Chấn thương vai khi chơi bóng chuyền, tennis thường là do gân cơ xoay bị viêm hoặc rách khi vận động khớp vai quá mức trong thời gian dài, chấn thương té chống tay hay đập vai xuống đất hoặc tự nhiên mòn rách do lão hoá kết hợp với tổn thương khi tập thể thao. Các nguyên nhân đau vai khi chơi bóng chuyền, tennis đến từ người chơi là chủ yếu do:
- Chơi quá sức;
- Khởi động không kỹ trước khi tập luyện;
- Thể lực cơ bắp không đủ hoặc cơ thể không được khoẻ khi chơi;
- Thực hiện kỹ thuật không đúng ở những động tác giơ tay quá đầu hay xoay vai như giao bóng, đập bóng, reverse trong tennis hay giao bóng, đập bóng trong bóng chuyền.
Ngoài ra, ở người chơi các môn có động tác giơ tay cao qua đầu thường xuyên như bóng chuyền, tennis cũng khiến túi hoạt dịch dễ bị cọ xát, đôi khi sưng lên, tụ dịch gây đau.
2. Các chấn thương vai khi chơi tennis, bóng chuyền
Các chấn thương vai thường gặp đối với người chơi bóng chuyền hoặc quần vợt gồm có:
- Viêm rách gân cơ xoay: Là nguyên nhân chính gây ra đau vai cấp và mạn. Cấu trúc của nhóm gân cơ xoay ở vai gồm 4 gân cơ nằm bọc xung quanh khớp vai rất mỏng, phụ trách gần như toàn bộ hoạt động của khớp vai. Do đó nếu bị viêm sưng nề hay rách gân sẽ gây đau vai dữ dội, giảm hoặc mất vận động vai và tiến triển thành mãn tính nếu không được điều trị;
- Dãn, rách dây chằng bao khớp: Là chấn thương xảy ra do té ngã hoặc các chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại làm giãn dây chằng bao khớp khiến khớp không còn vững chắc;
- Viêm đầu dài gân 2 đầu: Tình trạng này khiến người bệnh đau mặt trước vai, lan xuống dưới khuỷu. Nguyên nhân thường độ vận động khớp vai quá mạnh, lặp đi lặp lại;
- Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay: Dạng chấn thương vai khi chơi bóng chuyền và tennis này khiến người bệnh đau nhức bên ngoài khuỷu tay, bị cản trở vận động các động tác xoay, dang và đưa tay sang ngang, thậm chí có thể yếu hoặc liệt cánh tay nếu không được xử trí.
3. Xử trí chấn thương vai do chơi tennis, bóng chuyền
Khi chơi bóng chuyền bị đau vai hoặc chấn thương vai sau khi tham gia thi đấu tennis, người chơi cần thực hiện các bước sau:
- Ngừng chơi ngay lập tức, chườm đá vùng vai đau 2-3 lần trong ngày, mỗi lần 15 phút;
- Tắm nước nóng toàn thân;
- Có thể dùng các gel kháng viêm giảm đau tại chỗ như Ketoprofen 2-3 ngày/lần, giúp giảm sưng, đau, tan máu bầm tại chỗ viêm;
- Treo tay lên nếu đau nhiều;
- Tập các bài tập kéo giãn các nhóm cơ vùng khuỷu;
- Nghỉ chơi thể thao ít nhất 3-7 ngày kết hợp vận động nhẹ nhàng các động tác khớp vai không gây đau để hồi phục vận động sớm, không nằm ngủ đè lên vai đau;
- Uống thuốc kháng viêm giảm đau theo đơn của bác sĩ;
- Nếu sau 1 tuần mà các triệu chứng không thuyên giảm cần đến bác sĩ chuyên khoa xương khớp hay chấn thương thể thao để được chẩn đoán nguyên nhân và có kế hoạch chữa trị nhằm phục hồi vận động khớp vai sớm.
Sau khi hồi phục, để phòng tránh các chấn thương vai trở lại người chơi cần lưu ý:
- Tập tăng sức mạnh gân cơ, tăng độ dẻo dai của vùng vai bằng các bài tập kéo giãn;
- Tập thể lực và độ bền toàn thân;
- Khởi động- làm nóng kỹ trước khi chơi;
- Điều chỉnh kỹ thuật các động tác cho chuẩn.
Nhìn chung, khớp vai thực hiện khá nhiều động tác cho hầu hết các hoạt động của chi trên nên rất dễ chấn thương khi chơi tennis và bóng chuyền. Do đó, nếu không may bị chấn thương vai khi chơi tennis, bóng chuyền thì bạn cần xử lý đúng cách và đến cơ sở y tế để bác sĩ điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.