Sau khi đã thực hiện quy trình thay khớp vai thành công thì việc quan trọng cần làm tiếp theo là phục hồi chức năng khớp vai. Quá trình phục hồi sau phẫu thuật sẽ quyết định bệnh nhân có thể hoạt động trở lại bình thường với sức khoẻ ổn định được hay không.
1. Tổng quan
Thay khớp vai nhân tạo là thay toàn bộ khớp vai hoặc một phần của khớp vai đã bị tổn thương bằng khớp nhân tạo mới. Các trường hợp cần phẫu thuật thường là do bệnh lý (hoại tử các phần ở khớp vai, thoái hoá khớp vai, ung thư xương khớp,...) dẫn đến mất chức năng của vai hoặc bị gãy xương phức tạp mà không thể điều trị bảo tồn.
Quy trình thay khớp vai được phân loại như sau:
- Thay khớp vai toàn phần: Thay đầu xương cánh tay và cả ổ chảo xương bả vai
- Thay khớp vai bán phần: Thay một phần khớp vai
- Thay khớp vai nhân tạo đảo ngược: Biến đầu xương cánh tay thành ổ chảo, và ổ chảo thành chỏm hình cầu để hạn chế tổn thương các gân cơ chóp xoay.
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những về tình trạng khớp vai hiện tại và những vùng lân cận, cũng như một số thông tin về bệnh sử. Sau đó sẽ tiến hành khám lâm sàng khớp vai, kết hợp xem xét tầm vận động khớp vai chủ động và thụ động. Thông thường bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ yêu cầu chụp X-quang xương vai trước khi tiến hành quy trình thay khớp vai nhân tạo.
2. Phục hồi chức năng khớp vai sau phẫu thuật
2.1. Mục tiêu
- Bảo vệ khớp vai mới thay, bảo vệ các cơ gân gần chỗ phẫu thuật để đảm bảo những phần này có thể liền lại sau can thiệp
- Chống dính tại khớp
- Giảm đau, giảm phù nề
- Giảm sự kéo giãn dây chằng và bao khớp
- Phục hồi tầm vận động tối đa của khớp vai và các cơ quan lân cận như khớp khuỷu, khớp cổ tay và khớp bàn tay
- Giúp bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường hằng ngày.
2.2. Chương trình phục hồi
Tuỳ vào loại phẫu thuật và kỹ thuật mổ mà chuyên gia phục hồi chức năng sẽ áp dụng phương pháp phù hợp và hiệu quả. Như vậy bác sĩ điều trị cần nắm rõ quy trình thay khớp vai mà bệnh nhân đã trải qua để trao đổi về các bài tập đơn giản trong quá trình hồi phục khớp vai sau mổ.
Giai đoạn ngay sau phẫu thuật
- Cần bất động khớp vai mới phẫu thuật, kết hợp sử dụng đai nâng và cố định vai ở tư thế xoay trong và tư thế kép. Đai cố định thường được sử dụng vào ban đêm nhằm tránh khớp vai bị duỗi, căng bao khớp hay gân cơ dưới vai trong khi ngủ.
- Trong giai đoạn này bệnh nhân không được cử động bên vai mổ, hạn chế tối đa việc nâng hay cầm, kéo đồ bên vai mổ.
Trị liệu thông qua vận động
- Trong thời gian 3 - 4 ngày đầu rời phòng mổ: Tập co cơ đẳng trường nhóm cơ chi phối xương bả vai, bao gồm cơ thoi, cơ thang, cơ lưng rộng.
- Từ ngày thứ 5 trở đi: Tập bài co cơ tĩnh và các động tác nhẹ nhàng không gây cử động khớp vai.
- Từ tuần thứ 2 trở đi: Tập làm quen với con lắc Codman (người bệnh đứng cạnh bàn, tay lành vịn vào bàn còn tay bị thương thì thả lỏng, đung đưa nhẹ với biên độ hẹp và làm tăng dần. Mỗi bên thực hiện 5 lần.).
- Sau 3 - 4 tuần: Tập các bài thụ động nhẹ nhàng, ví dụ như gập khớp vai tăng dần lên đến 90 độ, dạng thụ động 90 độ và xoay ngoài đạt 45 độ còn xoay trong đạt lên 70 độ.
- Trong lúc tập phục hồi chức năng khớp vai bạn cũng có thể chủ động tập các khớp khác như: tập chủ động bàn ngón tay, khớp cổ tay hay khớp khuỷu.
Trị liệu hỗ trợ
- Điện trị liệu: Sử dụng điện xung hay điện di ion thuốc trong phẫu thuật hoặc lúc cấp bách
- Nhiệt trị liệu: Nhiệt lạnh được dùng trong giai đoạn cấp, nhiệt nóng dùng trong giai đoạn mạn
- Thuỷ trị liệu: Bơi lội trong bồn xoáy hay trong bể bơi kết hợp với các phương thức thuỷ trị liệu khác
Ngoài ra, cũng có thể tiến hành những hoạt động trị liệu khác cho các bộ phận hỗ trợ xung quanh như cổ tay, cánh tay và khớp vai. Bệnh nhân có thể dùng thuốc làm giảm đau, giảm phù nề hay chống viêm khi cần thiết và có sự đồng ý của bác sĩ.
Mặc dù quá trình phục hồi chức năng khớp vai sau phẫu thuật rất quan trọng, nhưng bệnh nhân cũng nên lưu ý tránh tập luyện quá sức. Đồng thời phải theo dõi huyết áp, đề phòng lỏng khớp, bán trật khớp vai hay tổn thương thần kinh trong quá trình điều trị phục hồi. Tốt nhất là phải có sự hướng dẫn của bác sĩ và chuyên viên vật lý trị liệu để nhanh chóng bình phục, trở lại sinh hoạt bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.