Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Bùi Xuân Lực - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông.
Cảm cúm là tình trạng bệnh lý rất hay xảy ra ở dân văn phòng do việc tiếp xúc với môi trường nhiệt độ khô lạnh thường xuyên. Người mắc bệnh thường chủ quan và coi nhẹ, lâu dần sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì thế, phòng ngừa và điều trị cúm rất quan trọng.
1. Cảm cúm theo Y Học Cổ Truyền là gì?
Theo quan niệm của Y Học Cổ Truyền, nguyên nhân gây bệnh cảm mạo - cảm cúm là do cơ thể suy yếu khiến phong hàn, phong nhiệt thừa cơ xâm nhập vào phế gây nên bệnh.
2. Triệu chứng cảm cúm theo thể bệnh
Cảm cúm chia ra làm hai thể bệnh: Cảm mạo phong hàn và cảm mạo phong nhiệt.
- Cảm mạo phong hàn: Có hiện tượng sốt, sợ gió, sợ lạnh, miệng không khát, ho có đàm (đờm) trong, hơi loãng, rêu lưỡi trắng, mạch phù, tiểu trong dài, không đổ mồ hôi, cơ thể nhức mỏi.
- Cảm mạo phong nhiệt: Có triệu chứng sốt cao, sợ gió, không sợ lạnh, miệng khát, đàm đặc vàng, rêu lưỡi vàng mỏng, tiểu tiện ít, nước tiểu vàng, phát hãn (đổ mồ hôi), đau nhức khớp xương.
3. Điều trị cảm cúm theo Y Học Cổ Truyền
Hiện nay, các phương pháp điều trị cúm bằng Đông y tương đối đơn giản, tiết kiệm nhưng có thể đem lại hiệu quả cao. Tùy vào thể trạng bệnh nhân mà có thể chữa cảm cúm bằng đông y theo phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc hoặc kết hợp cả hai phương pháp.
3.1. Phương pháp không dùng thuốc
Xông lá điều trị cảm mạo phong hàn. Hiện nay, việc xông lá điều trị cúm đang rất được ưa chuộng với các dược liệu dễ kiếm, an toàn, hiệu quả cao, chia thành 3 loại:
- Lá công dụng kháng sinh: lá hành, lá tỏi,..
- Lá công dụng hạ sốt: lá tre, lá duối,..
- Lá chứa tinh dầu: Lá chanh, bưởi, tía tô, kinh giới,..
Phương pháp đánh gió: Gồm có gừng, ngải cứu, rượu,... dùng trứng gà hoặc đồng bạc điều trị cúm.
- Huyệt đại chùy: Chỗ lõm ngay dưới đầu mỏm gai của đốt sống cổ 7
- Huyệt phong trì: Hõm giữa lòng bàn tay đặt vào đỉnh hai tai.
- Huyệt bách hội: Nằm ở đỉnh đầu, giao giữa đường nối đỉnh giữa hai vành tai.
- Huyệt nghinh hương: Nằm trên mặt, sát hai bên cánh mũi.
- Huyệt thái dương: Chỗ lõm phía sau lông mày, có đường mạch xanh.
Xoa bóp bấm huyệt: Phân hợp vùng trán, vỗ đầu, véo lông mày, day huyệt thái dương, vỗ đầu,... hỗ trợ điều trị cúm hiệu quả.
Cháo giải cảm:
- Tía tô: 08g
- Hành sống: 3 củ
- Gừng sống: 3 lát
- Gạo tẻ: 30g
- Muối: 1g
- Trứng gà: 1 quả
>>> Xem thêm: Liều dùng Tamiflu cho trẻ em
3.2. Phương pháp dùng thuốc Đông y trị cảm cúm
Cảm phong hàn: Phép trị Tân ôn giải biểu (giải cảm, thoát mồ hôi).
- Bài thuốc Ma Hoàng thang dùng cho người phát sốt, sợ gió, không ra mồ hôi, nhức mỏi toàn thân, gồm có:
- Ma hoàng : 06g
- Hạnh nhân: 08g
- Quế chi: 04g
- Cam thảo: 04g
- Bài thuốc Quế Chi thang dành cho người sợ gió, sợ lạnh, hâm hấp sốt, mồ hôi tự ra, nôn khan gồm có:
- Quế chi: 12g
- Thược dược: 12g
- Sinh khương: 12g
- Cam thảo: 06g
Cảm phong nhiệt: Phép trị Tân lương giải biểu, phát tán phong nhiệt. Bài thuốc Tang cúc ẩm dành cho người sốt nóng, sợ gió, ho đờm, đau lưng, miệng khô, họng đỏ gồm có:
- Tang diệp: 12g
- Cúc hoa: 12g
- Hạnh nhân: 12g
- Liên kiều: 12g
- Cát cánh: 8 - 12g
- Lô căn: 8 - 12g
- Bạc hà: 2 - 4g
- Cảm thảo: 2 - 4g
4. Cách phòng bệnh cảm cúm ở dân văn phòng
- Thường xuyên rửa tay: Giảm tỷ lệ tiếp xúc với các vi khuẩn gây bệnh
- Luyện tập thể thao thường xuyên.
- Mở cửa sổ, hạn chế ngồi máy lạnh nhiều giờ.
- Sử dụng thêm tinh dầu có mùi quế, sả chanh trong phòng làm việc hỗ trợ điều trị cúm.
- Thêm một vài lát gừng hoặc lá húng chanh vào cốc nước ấm.
Trên đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho dân văn phòng khi mắc bệnh cảm cúm. Khi người bệnh có các triệu chứng cảm như trên lâu ngày không khỏi nên điều trị cúm tại các cơ sở thăm khám chữa bệnh uy tín và sử dụng thuốc cảm cúm đông y dưới sự giám sát của bác sĩ Đông Y.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.