Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Dị vật trong khớp gối là những mảnh xương, sụn di chuyển trong khớp gối. Phẫu thuật nội soi khớp gối giúp phát hiện và loại bỏ các dị vật bên trong khớp, giảm đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.
1. Cấu tạo của khớp gối
Khớp gối đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chuyển động cơ thể. Cấu tạo của khớp gối gồm:
- Mặt khớp: Gồm 2 mặt khớp, đó là mặt khớp lồi cầu đùi - mâm chày và mặt khớp giữa lồi cầu đùi - bánh chè. Giữa mặt khớp lồi cầu đùi và mâm chày có cấu trúc sụn là sụn chêm. Sụn chêm có chức năng giảm gốc khi sụn khớp lồi cầu đùi và mâm chày tiếp xúc trong quá trình vận động. Bên cạnh đó, sụn chêm còn có tác dụng giữ cho khớp gối vững vàng khi vận động;
- Phương tiện nối khớp: Bao khớp (che chở, bảo vệ khớp) và dây chằng (dây chằng trong, ngoài, chéo trước và chéo sau, giúp giữ vững khớp khi thực hiện động tác);
- Bao hoạt dịch: Toàn bộ khớp gối được bao phủ bởi một lớp màng hoạt dịch có tác dụng tiết ra dịch khớp với lượng vừa đủ để bôi trơn quá trình vận động của khớp gối. Đồng thời, màng hoạt dịch còn có tác dụng chống viêm nhiễm.
2. Dị vật trong khớp gối là gì?
Dị vật trong khớp gối là những mảnh xương, sụn hoặc cả hai, di chuyển tự do trong khớp. Có thể chia dị vật trong khớp gối thành 3 loại chính:
- Dị vật là các mảnh sụn: Do chấn thương gây ra vỡ sụn khớp hoặc do thoái hóa khớp gối;
- Dị vật là các mảnh xương sụn: Gây ra bởi chấn thương gãy xương, viêm xương sụn bóc tách, thoái hóa khớp hoặc u màng hoạt dịch lành tính;
- Dị vật là tổ chức xơ sợi: Do hậu quả của chảy máu trong khớp hoặc hoại tử các tế bào màng hoạt dịch, thường đi kèm lao khớp, thoái hóa khớp hoặc viêm khớp dạng thấp.
Biểu hiện khi có dị vật trong khớp gối là bệnh nhân thấy đau khớp gối, sưng nề gối, có dấu hiệu kẹt khớp gối, có tiếng lạo xạo trong khớp khi cử động.
Để chẩn đoán dị vật trong khớp gối, bệnh nhân thường được chỉ định chụp X-quang, CT Scanner hoặc chụp khớp cản quang. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể được thực hiện để chẩn đoán các tổn thương kèm theo.
3. Phương pháp điều trị dị vật trong khớp gối
Để có phác đồ điều trị hợp lý, mỗi trường hợp dị vật khớp gối đều cần được xác định rõ nguyên nhân gây dị vật khớp. Với dị vật khớp nhỏ, người bệnh chỉ cần theo dõi và dùng thuốc điều trị triệu chứng. Với dị vật khớp gối đã gây ra các triệu chứng như đau nhiều, kẹt khớp,... thì cần được loại bỏ.
Có 2 phương pháp phẫu thuật loại bỏ dị vật trong khớp gối là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật mở thường chỉ được áp dụng đối với số ít trường hợp có dị vật rất lớn và ở phía sau khớp gối. Hầu hết các trường hợp sẽ được chỉ định phẫu thuật nội soi.
Phẫu thuật nội soi khớp gối là một thủ thuật ngoại khoa cho phép bác sĩ quan sát rõ hình ảnh bên trong khớp gối để điều trị bệnh hiệu quả. Sau khi rạch một đường nhỏ và sử dụng dụng cụ kính soi khớp luồn vào bên trong khớp gối, bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn thấy hình ảnh bên trong khớp được truyền lên màn hình lớn. Tiếp theo, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để gắp các mảnh di vật ra hoặc tán nhỏ các mảnh dị vật và hút ra ngoài phối hợp với bơm rửa khớp gối.
Ưu điểm của phẫu thuật nội soi loại bỏ dị vật khớp gối:
- Ít xâm lấn, chỉ cần rạch da khoảng 0,5cm, ít làm tổn hại đến các mô;
- Sẹo nội soi nhỏ, thẩm mỹ hơn và thời gian phục hồi ngắn hơn mổ mở;
- Bệnh nhân ít đau, có thể ra viện sau 1 - 2 ngày và đi lại sau 3 - 5 tuần.
Dị vật trong khớp gối gây nhiều triệu chứng đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Vì vậy, khi có triệu chứng đau đớn, cứng khớp, bệnh nhân nên đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời. Phương pháp phẫu thuật nội soi khớp gối giúp chẩn đoán và loại bỏ dị vật khớp gối, mang lại những kết quả vượt bậc, giúp bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe và khả năng đi lại sau điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.