Theo nghiên cứu, trái tim phụ nữ có một số khía cạnh khác so với nam giới, vì vậy nguy cơ mắc bệnh tim ở mỗi đối tượng là không giống nhau. Do đó, việc hiểu hơn về sức khoẻ của tim cũng như các nguy cơ làm tăng khả năng phát triển bệnh tim có thể giúp chị em bảo vệ tốt hơn cho trái tim của mình. Dưới đây là tất tần tật những điều mà mọi phụ nữ nên biết về trái tim của mình.
1. Những dấu hiệu nhận biết các vấn đề về tim mạch ở nữ giới
Bệnh tim là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thường gặp ở cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể ảnh hưởng khác nhau đến mỗi đối tượng, trong đó một số bệnh tim có khả năng xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ và kèm theo các dấu hiệu đặc trưng khác so với nam giới.
Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tim ở nữ giới thường bao gồm:
- Có cảm giác đau tức ngực.
- Khó thở.
- Đau ở lưng, hàm và bụng trên.
- Cảm thấy choáng váng, chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa.
2. Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh tim ở nữ giới
Thông thường, nhịp tim chuẩn của nữ sẽ dao động từ 60 – 100 nhịp / phút. Tuy nhiên, khi nhịp tim vượt quá mức trên sẽ dẫn đến hiện tượng tim đập nhanh và kéo theo nhiều hệ luỵ sức khoẻ khác. Việc nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ dẫn đến những vấn đề về tim sẽ giúp chị em bảo vệ trái tim của mình, bao gồm:
2.1. Bệnh bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) ở nữ giới
Bệnh bóc tách động mạch vành tự phát là tình trạng rách một trong các mạch máu ở tim. Điều này có thể làm chậm hoặc ngăn chặn lượng máu lưu thông đến tim, khiến cho chị em cảm thấy đau tức ngực dữ dội và kèm theo triệu chứng khác như đau tim.
Nhìn chung, SCAD là một vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp. Theo nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có nhiều khả năng mắc bóc tách động mạch vành tự phát hơn so với nam giới, đặc biệt là ở những chị em mới sinh con gần đây.
2.2. Hội chứng trái tim tan vỡ
Thuật ngữ y học cho hội chứng “trái tim tan vỡ” là bệnh cơ tim do căng thẳng. Tình trạng này có nguy cơ xảy ra cao hơn ở nữ giới. Hội chứng “trái tim tan vỡ” thường được gây ra bởi sự giải phóng đột ngột của các hormone căng thẳng hoặc những sự kiện gây xúc động mạnh như mất người thân, thất tình hoặc ly hôn.
Khi mắc hội chứng này, trái tim phụ nữ sẽ trở nên lớn hơn bình thường và gặp khó khăn trong quá trình bơm máu. Khi đó, người bệnh sẽ có cảm giác bị đau ngực dữ dội và cần được điều trị nhanh chóng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác.
2.3. Thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ
Một yếu tố nguy cơ khác làm ảnh hưởng đến nhịp tim trung bình của phụ nữ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim là tình trạng mãn kinh. Mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh tim, tuy nhiên những thay đổi tự nhiên trong cơ thể xảy ra ở thời kỳ mãn kinh có thể khiến phụ nữ dễ mắc phải vấn đề sức khoẻ này hơn.
Khi nồng độ hormone estrogen giảm xuống, các động mạch sẽ có xu hướng trở nên cứng hơn. Ngoài ra, các yếu tố khác như cholesterol xấu LDL, mỡ bụng hoặc huyết áp cao cũng có thể xảy ra sau khi mãn kinh. Do đó, để bảo vệ trái tim khỏe mạnh, chị em cần tích cực vận động thể chất để hạn chế những nguy cơ trên.
2.4. Các tình trạng viêm trong cơ thể
Các tình trạng viêm trong cơ thể, chẳng hạn như lupus hoặc viêm khớp dạng thấp cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến trái tim phụ nữ và làm tăng khả năng mắc bệnh tim. Thậm chí điều này có thể xảy ra ngay cả khi bạn còn trẻ tuổi, do đó để ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch, bạn cần tránh hút thuốc lá, hạn chế lạm dụng bia rượu và tăng cường tập thể dục.
Chị em cũng có thể kiểm soát tình trạng viêm bằng các loại thuốc. Tuy nhiên tránh sử dụng steroid vì chúng có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim. Tốt nhất, bạn nên trao đổi với bác sĩ về phương pháp phù hợp để bảo vệ trái tim của mình.
2.5. Phiền muộn – yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở phụ nữ
Phiền muộn là một tình trạng sức khoẻ tâm thần có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim ở phụ nữ. Vấn đề này có thể làm rối loạn nhịp tim trung bình của phụ nữ và tạo áp lực căng thẳng cho tim.
Ngoài ra, phiền muộn cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm và kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng khác. Chị em nên nói chuyện với bác sĩ hoặc nhà trị liệu để sớm có biện pháp khắc phục chứng bệnh này.
2.6. Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nữ giới. Khi lượng đường trong máu cao có thể làm chậm quá trình lưu thông oxy trong máu và dẫn đến sự tích tụ của các mảng bám trong lòng động mạch.
Một nguyên nhân khác là phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thường dễ bị béo phì, cholesterol cao và tăng huyết áp. Chị em có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề này bằng cách kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu thông qua chế độ ăn kiêng và tập luyện thể chất.
2.7. Cân nặng thấp quá mức cho phép
Mặc dù phụ nữ thừa cân thường có khả năng mắc bệnh tim nhiều hơn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là những người gầy ít mắc phải tình trạng sức khoẻ này. Theo nghiên cứu cho thấy, những người phụ nữ có cân nặng thấp quá mức cho phép vẫn có nguy cơ tăng lượng cholesterol và huyết áp, từ đó làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim.
Khi nhận thức được rủi ro của mình, chị em nên hành động ngay các biện pháp phòng ngừa để kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Bạn có thể đi khám bác sĩ để phát hiện các rủi ro và tìm phương hướng đối phó chúng.
3. Các biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim ở phụ nữ
Khi hiểu hơn về trái tim của mình, chị em sẽ có biện pháp phòng ngừa hiệu quả các vấn đề về tim mạch. Dưới đây là một số cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mà bạn nên tham khảo:
3.1. Kiểm tra tiền sử gia đình
Nếu chị em gái hoặc mẹ của bạn mắc bệnh tim trước 65 tuổi hoặc từng bị đột quỵ, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng tương tự. Tốt nhất, bạn nên đi khám bác sĩ và trao đổi về tiền sử gia đình của mình để đảm bảo tìm ra các bước phòng ngừa phù hợp giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh.
3.2. Bỏ hút thuốc lá
Trái tim phụ nữ có khoẻ mạnh hay không cũng liên quan mật thiết đến thói quen hút thuốc lá. Theo nghiên cứu cho biết, phụ nữ hút thuốc sẽ có nguy cơ bị đau tim cao hơn khoảng 25% so với nam giới. Ngoài ra, thói quen hút thuốc cũng làm hỏng mạch máu, tăng mức huyết áp và dẫn đến sự hình thành của các cục máu đông. Rủi ro mắc bệnh tim của chị em cũng tăng lên đáng kể khi sử dụng thuốc tránh thai kết hợp với hút thuốc lá, đặc biệt là những người sau 35 tuổi. Do đó, việc từ bỏ sớm thói quen hút thuốc sẽ giúp phụ nữ loại bỏ hoặc làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim.
3.3. Theo dõi và quản lý chặt chẽ mức cholesterol trong máu
Cholesterol có thể tích tụ trong động mạch và làm hình thành nên các mảng bám cứng theo thời gian, từ đó gây tắc nghẽn động mạch. Bạn có thể thực hiện xét nghiệm máu nhanh để biết chỉ số cholesterol của mình.
Để làm giảm mức cholesterol xấu LDL trong cơ thể, chị em nên tập trung vào những thay đổi đơn giản hàng ngày. Điều này bao gồm việc theo dõi lượng cholesterol, lượng đường trong chế độ ăn uống và kết hợp tập thể dục nhiều hơn.
3.4. Giữ cân nặng ở mức hợp lý
Nguy cơ mắc bệnh tim ở phụ nữ sẽ giảm đáng kể khi chị em biết cách giữ cân nặng ở mức hợp lý. Bạn có thể ăn nhiều các thực phẩm tươi, ít calo, natri và chất béo chuyển hóa, chẳng hạn như rau xanh lá, hoa quả, cá, ngũ cốc nguyên hạt,... Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham gia các lớp học nấu ăn tốt cho tim mạch hoặc thực hiện những hoạt động thú vị giúp giảm căng thẳng, ví dụ như đi dạo với bạn bè, khiêu vũ hoặc tập Zumba.
3.5. Tăng cường hoạt động thể chất
Ngay khi bước qua tuổi 40, chị em nên tích cực thực hiện các hoạt động thể chất nhiều hơn mỗi ngày để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Trái tim phụ nữ cũng trở nên khỏe mạnh hơn và hoạt động năng suất hơn nhờ vào những bài tập thể dục tốt cho tim mạch, chẳng hạn như yoga, chạy bộ, đi bộ hoặc đạp xe.
3.6. Bảo vệ tim khi mang thai
Khi mang thai, trái tim phụ nữ thường bơm máu nhiều hơn. Điều này có thể tạo áp lực căng thẳng cho tim cũng như động mạch. Mặt khác, quá trình chuyển dạ và sinh nở cũng tiếp thêm sự căng thẳng cho tim. Chính vì vậy, những chị em mắc các vấn đề về nhịp tim hoặc van tim nên chú trọng theo dõi các triệu chứng, chẳng hạn như khó thở, tim đập nhanh hoặc một số dấu hiệu nhiễm trùng khác khi mang thai.
Nếu bạn bị cao huyết áp trong lúc mang thai, tình trạng này có thể dẫn đến chứng tiền sản giật và dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. Do đó, việc theo dõi nhịp tim và tăng cường sức khoẻ của tim trong thời kỳ mang thai là điều vô cùng cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd