Sụn chêm hình đĩa là một nguyên nhân gây đau nhức khớp phổ biến nhưng ít được chú ý. Tình trạng này không chỉ là vấn đề của người lớn tuổi, người lao động nặng hay vận động viên mà còn có thể gặp ở trẻ em. Sụn chêm có hình đĩa ở trẻ em thường được phát hiện ngẫu nhiên khi trẻ chụp cộng hưởng từ khớp gối vì những lý do khác.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Sụn chêm hình đĩa là gì?
Cơ thể người sở hữu hai loại sụn chêm bao gồm sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Sụn chêm có hình dạng đặc trưng như một cái chêm hình lưỡi liềm hay trăng khuyết, nằm giữa lồi cầu đùi và mâm chày.
Sụn chêm có hình đĩa ở trẻ em là một bất thường về hình thái của sụn chêm, trong đó sụn bị kéo giãn và có hình dạng tròn giống như một cái đĩa. Tình trạng này thường xuất phát từ các bất thường bẩm sinh trong quá trình phát triển của bào thai.
Sụn chêm hình đĩa lại thường gặp ở sụn chêm ngoài với tỷ lệ mắc phải từ 1-3%. Đáng chú ý, khoảng 20% trường hợp sụn chêm có hình đĩa ở trẻ em xuất hiện ở cả hai chân.
Sụn chêm bình thường đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ khớp gối bằng cách hấp thụ và phân tán lực tác động lên khớp, đồng thời giúp khớp gối có thể gấp và duỗi với biên độ tối đa.
Trong khi đó, sụn chêm có hình đĩa rất dễ kẹt trong quá trình vận động khớp gối, dẫn đến cảm giác đau nhức, đặc biệt khi gối bị xoắn vặn như khi trụ chân hay thay đổi hướng di chuyển. So với sụn chêm thông thường, sụn chêm hình đĩa có nguy cơ tổn thương cao hơn.
Ở một số trẻ em, sụn chêm có hình đĩa thường không biểu hiện triệu chứng. Bất thường sụn chêm này chỉ ngẫu nhiên phát hiện khi trẻ chụp cộng hưởng từ khớp gối vì lý do khác.
2. Các loại sụn chêm hình đĩa ở trẻ em
- Sụn chêm có hình đĩa không hoàn toàn: Phần thân sụn chêm dày và rộng hơn so với sụn chêm thông thường.
- Sụn chêm có hình đĩa hoàn toàn: Sụn có kích thước lớn và bao trùm toàn bộ bề mặt của mâm chày.
- Sụn chêm siêu di động Wrisberg: Ngay từ khi chào đời, bé đã mắc phải dị tật thiếu hụt dây chằng mâm chày - sụn chêm, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc cố định sụn chêm vào mâm chày. Do không được giữ bởi dây chằng, sụn chêm trở nên di động bất thường bên trong khớp, dẫn đến hàng loạt triệu chứng khó chịu cho bé bao gồm: đau nhức, kẹt khớp và tiếng "lách cách" mỗi khi vận động.
Trong quá trình vận động, sụn chêm hình đĩa rất dễ bị tổn thương hoặc kẹt gây đau đớn và rách sụn. Bên cạnh đó, khi dây chằng neo sụn chêm bị thiếu hụt hoặc lỏng lẻo, nguy cơ gây đau và rách sụn chêm cũng sẽ tăng cao hơn.
Ngoài ra, do đặc tính cấu tạo ít mạch máu, sụn bình thường bị tổn thương vốn đã khó khăn trong quá trình phục hồi, thì với sụn chêm có hình đĩa chấn thương lại càng khó phục hồi gấp nhiều lần.
3. Chẩn đoán sụn chêm hình đĩa ở trẻ em
3.1. Triệu chứng
Các biểu hiện của trẻ sẽ phụ thuộc vào loại sụn chêm, vị trí, mức độ tổn thương và mức độ mất ổn định, bao gồm:
- Đau gối.
- Sưng và hạn chế vận động khớp gối.
- Khớp gối bị kẹt.
- Tiếng lách cách khi di chuyển.
- Cảm giác gối trượt khi đi.
- Không thể duỗi hết gối.
- Teo nhỏ cơ đùi (do đau và hạn chế vận động).
- Trong một số trường hợp, một phần sụn chêm trôi ra ngoài khe khớp và có thể cảm nhận được ngay dưới da.
3.2. Cận lâm sàng
- Chụp X-quang thông thường cho thấy có một khoảng sáng ở khe khớp giữa lồi cầu ngoài của xương đùi và mâm chày ngoài, khoảng sáng này rộng hơn so với bên bình thường
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp chẩn đoán có độ chính xác cao và được sử dụng rộng rãi.
4. Điều trị sụn chêm hình đĩa ở trẻ em
Đối với trẻ em được chẩn đoán mắc sụn chêm hình đĩa nhưng không xuất hiện triệu chứng bất thường, phẫu thuật là không cần thiết. Phẫu thuật chỉ được chỉ định trong trường hợp sụn chêm có hình đĩa bị rách hoặc trẻ có biểu hiện đau đớn, kẹt khớp, tiếng lách cách khi vận động.
Phương pháp điều trị sụn chêm hình đĩa hiệu quả nhất hiện nay là phẫu thuật nội soi. Tùy thuộc vào tính chất và vị trí tổn thương, bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật phù hợp như cắt bỏ phần sụn chêm bị rách, khâu phục hồi hoặc tạo hình lại sụn chêm sao cho giống với cấu trúc bình thường.
Sau khi phẫu thuật, trẻ có thể được đeo nẹp mềm để hỗ trợ và cần sử dụng nạng trong một khoảng thời gian nhất định trước khi quay trở lại các hoạt động bình thường. Trong một số trường hợp, nếu gối bị hạn chế duỗi trong thời gian dài trước khi phẫu thuật, trẻ có thể cần phải tham gia tập phục hồi chức năng.
Sau khi bình phục, trẻ có khả năng sinh hoạt và vận động như bình thường. Tuy nhiên, đối với những trường hợp tổn thương nặng, trẻ có thể gặp phải các triệu chứng đau nhức kéo dài và nguy cơ thoái hóa khớp sớm về lâu dài.
Do đó, trẻ em cần được đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị nếu sụn chêm có hình đĩa bị rách hoặc tổn thương gây đau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.