Viêm khớp gối tràn dịch có nguy hiểm không?

Viêm khớp gối tràn dịch là tình trạng tăng quá mức lượng dịch trong khớp, gây hạn chế vận động và thậm chí là phá hủy khớp. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị qua bài viết dưới đây nhé.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh, Bác sĩ Nội Cơ xương khớp, tại Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Tràn dịch khớp gối là gì? Nguyên nhân của tràn dịch khớp gối?

Tràn dịch khớp gối xảy ra khi lượng dịch trong khớp gối tăng lên bất thường do chấn thương hoặc các nguyên nhân khác, làm hạn chế khả năng vận động của khớp gối. Tình trạng này không quá khó để điều trị nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Một số nguyên nhân thường gặp của viêm khớp gối tràn dịch gồm có:

  • Tràn dịch khớp gối sau chấn thương: Thường xảy ra do các hoạt động thể thao, vận động mạnh, tai nạn lao động hoặc trong sinh hoạt hàng ngày, dẫn đến tổn thương sụn khớp, giãn hoặc đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, rách sụn chêm hoặc gãy xương,...
  • Tràn dịch khớp gối trong các bệnh lý về khớp: Các tình trạng mãn tính như thoái hóa khớp, nhiễm trùng khớp, gout, viêm khớp dạng thấp hay viêm màng hoạt dịch thể lông nốt sắc tố có thể dẫn đến tình trạng tràn dịch trong khớp gối.
  • Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể là nguyên nhân gây viêm khớp gối tràn dịch. Một số loại vi khuẩn thường gặp bao gồm vi khuẩn lao, Mycoplasma, tụ cầu vàng, liên cầu, ….

Trắc nghiệm: Bạn biết gì về bệnh đau cổ vai gáy?

Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng và có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.

2. Làm thế nào để nhận biết viêm khớp gối tràn dịch?

Dấu hiệu chính để nhận biết tràn dịch khớp gối là sự xuất hiện của tình trạng sưng tấy, phù nề và nổi mẩn đỏ tại vùng khớp gối. Khi so sánh hai bên, khớp gối bị ảnh hưởng thường to hơn bình thường do bao khớp dày lên. Bệnh nhân có thể cảm thấy nặng nề ở khớp bị tổn thương và gặp khó khăn trong di chuyển, đặc biệt là khi cố gấp hoặc duỗi khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, các cơ xung quanh khớp có thể yếu đi, làm cho khớp càng kém ổn định và đau dai dẳng kéo dài.

Người bệnh có thể tự nhận thấy các biểu hiện trên, tuy nhiên để chẩn đoán chính xác tình trạng viêm khớp gối tràn dịch, một số xét nghiệm sau có thể cung cấp thông tin hữu ích:

  • Công thức máu: Được sử dụng chủ yếu để xác định có nhiễm trùng hoặc viêm khớp.
  • Chụp X-quang: Dùng để phát hiện các vấn đề như gãy xương, trật khớp, thoái hóa khớp hoặc các bệnh lý liên quan đến u xương.
  • Chụp MRI: Dùng để phát hiện chi tiết các bất thường về xương, gân, dây chằng và sụn trong khớp.
  • Chọc hút dịch khớp: Việc này bao gồm lấy mẫu dịch từ trong khớp để phân tích, giúp xác định bản chất của dịch và chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. 
Chụp X-quang: Phát hiện các vấn đề như gãy xương, trật khớp, thoái hóa khớp hoặc bệnh lý u xương.
Chụp X-quang: Phát hiện các vấn đề như gãy xương, trật khớp, thoái hóa khớp hoặc bệnh lý u xương.

3. Viêm khớp gối tràn dịch có nguy hiểm không?

Viêm khớp gối tràn dịch ở giai đoạn đầu có thể được điều trị hiệu quả mà không để lại biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh thường chủ quan với tình trạng của mình khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn khi đến khám tại các cơ sở y tế.  

Tình trạng sưng viêm không chỉ hạn chế khả năng vận động của khớp gối mà còn có thể dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng khớp do thực hiện nhiều lần chọc hút dịch khớp, hoặc thậm chí là phá hủy khớp, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

4. Biến chứng của viêm khớp gối tràn dịch

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm khớp gối tràn dịch mà các biến chứng xuất hiện sẽ khác nhau. Sau đây là một số biến chứng như:

  • Mất cơ: Dịch khớp gối tràn ra làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ và giảm sức mạnh cơ đùi, gây teo cơ.
  • U nang Baker: Hình thành ở phía sau đầu gối, dẫn đến tình trạng đau và sưng.
  • Vận động bị hạn chế: Tình trạng sưng nề hoặc căng bao hoạt dịch ở xương bánh chè do viêm khớp gối tràn dịch gây ra khiến bệnh nhân đau khi di chuyển.
  • Nhiễm trùng huyết: Đây là biến chứng do nhiễm trùng gây ra và không được điều trị kịp thời. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.

5. Các phương pháp điều trị viêm khớp gối tràn dịch

Việc lựa chọn phương pháp điều trị cho viêm khớp gối tràn dịch dựa trên nguyên nhân, mức độ và giai đoạn của bệnh. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

5.1 Điều trị bằng thuốc

Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc kháng sinh trong trường hợp có nguy cơ nhiễm khuẩn và thuốc ức chế miễn dịch cho các trường hợp viêm khớp dạng thấp. Quá trình điều trị bằng thuốc cần được kiểm soát chặt chẽ bởi bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng như corticoid. 

Các loại thuốc giảm đau, chống viêm và kháng sinh thường được sử dụng điều trị viêm khớp gối hiệu quả.
Các loại thuốc giảm đau, chống viêm và kháng sinh thường được sử dụng điều trị viêm khớp gối hiệu quả.

5.2 Điều trị xâm lấn

Dịch tồn đọng trong khớp gây hạn chế vận động và đau đớn, do đó chọc hút dịch khớp là phương pháp hiệu quả để giảm triệu chứng. Thủ thuật này có thể được thực hiện kết hợp với tiêm corticoid để cải thiện tình trạng bệnh.  

Nội soi khớp cũng được sử dụng để chẩn đoán và điều trị các tổn thương bên trong khớp như viêm màng hoạt dịch, tổn thương sụn, dây chằng hoặc thoái hóa khớp. Trong trường hợp tổn thương nặng do thoái hóa, phẫu thuật có thể được cân nhắc để khôi phục chức năng khớp.

5.3 Tự chăm sóc khi bị viêm khớp gối tràn dịch

Bệnh nhân nên nghỉ ngơi và hạn chế đi lại để giảm gánh nặng cho khớp gối. Sử dụng chườm lạnh và nâng cao chân có thể giúp cải thiện lưu thông máu ở chi dưới và giảm sưng.

Ngoài ra, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời tràn dịch khớp gối, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và quản lý các bệnh lý mạn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp và gout.
  • Sử dụng thuốc điều trị nguyên nhân gây ra viêm khớp gối tràn dịch hoặc đeo nẹp khớp theo chỉ định của bác sĩ để hỗ trợ điều trị.
  • Quan trọng hơn cả, các biện pháp điều trị triệu chứng chỉ giúp giảm bớt các biểu hiện của bệnh. Bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đầu tiên. Chỉ có việc điều trị triệt để nguyên nhân mới ngăn ngừa bệnh tái phát và chuyển sang giai đoạn mãn tính.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong những trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu, có khả năng sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Nếu có các dấu hiệu của bệnh phồng đĩa đệm, bệnh nhân có thể đến Vinmec để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa Nội Cơ xương khớp tại Vinmec, với chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm, sử dụng các phương pháp chẩn đoán tiên tiến để đánh giá tình trạng bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp, giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe