Chấn thương gối – các tổn thương thường gặp và hướng điều trị

Các chấn thương đầu gối là vấn đề phổ biến khi tham gia vào các hoạt động thể thao, lao động và sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, chấn thương đầu gối có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp gối.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Công Hoàng - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Liên chuyên khoa thuộc Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Các chấn thương đầu gối thường gặp

1.1 Đứt dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước (ACL) có chức năng giữ cho mâm chày không trượt ra phía trước so với xương điều và cẳng bàn chân không bị không bị xoay vào trong.  

Tổn thương ACL thường xảy ra khi thực hiện động tác nhảy cao và hạ chân không đúng tư thế, hoặc khi xoay cơ thể đột ngột trong khi bàn chân vẫn giữ vững.  

Khoảng một nửa số người bị tổn thương ACL cũng gặp phải tổn thương khác như: rách sụn chêm, bong sụn khớp, hoặc tổn thương các dây chằng khác trong khớp gối (như dây chằng chéo sau, dây chằng bên…) 

Đứt dây chằng chéo trước
Đứt dây chằng chéo trước

Có ba mức độ tổn thương dây chằng chéo trước, phụ thuộc vào mức độ tổn thương của dây và độ lỏng của khớp gối:

  • Độ 1: Dây chằng bị giãn, khớp gối vẫn ổn định.
  • Độ 2: Dây chằng bị đứt một phần, khớp gối bắt đầu mất ổn định (khớp gối bị lỏng vừa).
  • Độ 3: Dây chằng bị đứt hoàn toàn, khớp gối lỏng lẻo.

Trên thực tế, tổn thương ở mức độ 1 ít gặp, tổn thương ở mức độ 2 và 3 phổ biến hơn.

Biểu hiện lâm sàng của tổn thương dây chằng chéo trước

Sưng và đau gối:

Ngay sau khi gặp các chấn thương đầu gối, bệnh nhân có thể cảm nhận tiếng "rắc" ở vùng gối. Sau đó, gối sẽ sưng và đau, gây cản trở khả năng vận động của bệnh nhân. Tình trạng sưng đau của bệnh nhân thường sẽ giảm dần sau một thời gian, dù có điều trị hay không.

Lỏng gối:

  • Bệnh nhân có cảm giác yếu chân khi di chuyển, gây khó khăn khi đứng trên một chân (chân có gối lỏng).  
  • Khi chạy nhanh, bệnh nhân cảm thấy bị ríu chân và dễ ngã.  
  • Khi đi nhanh trên địa hình không phẳng, bệnh nhân sẽ cảm thấy gối bị trượt.  
  • Khi lên cầu thang, bệnh nhân có cảm giác không ổn định, khó khăn khi đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang.

Teo cơ:  

Cơ đùi teo dần dần sau các chấn thương đầu gối, làm cho chân trở nên yếu dần, đặc biệt khi cơ đùi teo nhiều. Hiện tượng teo cơ này thường xảy ra ở những người ít vận động như nhân viên văn phòng, học sinh...  

Tuy nhiên, ở các vận động viên thể thao, triệu chứng lỏng gối thường không rõ ràng vì cơ đùi vẫn còn rắn chắc, tạo cảm giác gối vững chắc mặc dù dây chằng chéo trước đã bị đứt hoàn toàn.

Hậu quả của tổn thương dây chằng chéo trước:

Khi dây chằng chéo trước bị đứt, quan hệ động học giữa xương đùi và xương chày thay đổi. Sự phân phối và truyền lực từ đùi xuống cẳng chân không còn bình thường, dẫn đến các tổn thương kéo theo là rách sụn chêm thứ phát và thoái hóa khớp gối.

  • Tổn thương sụn chêm thứ phát: Khi dây chằng chéo trước bị tổn thương, mâm chày có thể trượt ra phía trước, dẫn đến phần sau sụn chêm bị kẹt và nghiền dưới lồi cầu trong xương đùi, đặc biệt trong tư thế gối gấp. Tình trạng này kéo dài dẫn đến rách sừng sau của sụn chêm. Đường rách có thể lan rộng ra sừng trước và sừng giữa của sụn chêm. Sụn chêm ngoài cũng có thể bị tổn thương, nhưng ít phổ biến hơn so với sụn chêm trong.
  • Tổn thương thoái hóa khớp: Khi dây chằng chéo trước bị tổn thương, động học của khớp gối thay đổi một cách bất thường. Nếu tình trạng này kéo dài, sụn khớp dễ bị tổn thương, tình trạng hay gặp phải nhất là nhanh mòn, lớp sụn bị bong vỡ, dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp gối sau các chấn thương đầu gối. 
Tổn thương thoái hóa khớp
Tổn thương thoái hóa khớp

1.2. Đứt dây chằng chéo sau

Nếu dây chằng chéo trước giữ mâm chày không bị trượt ra phía trước và xoay vào trong, thì dây chằng chéo sau (PCL) lại giữ mâm chày không bị trượt ra phía sau và xoay ra ngoài. Tổn thương dây chằng chéo sau có thể xảy ra đơn thuần (38%), nhưng thường kèm theo các tổn thương khác (56%).

Biểu hiện lâm sàng tổn thương dây chằng chéo sau:

Tương tự như tổn thương ACL, tổn thương dây chằng chéo sau cũng bao gồm các triệu chứng sưng và đau ngay sau chấn thương, lỏng gối, teo cơ…Tổn thương dây chằng chéo sau được chẩn đoán dựa trên phương pháp kiểm tra nghiệm pháp ngăn kéo sau.

Hậu quả của tổn thương dây chằng chéo sau:

Nếu không được điều trị kịp thời, tổn thương dây chằng chéo sau có thể dẫn đến tổn thương sụn chêm thứ phát và thoái hóa khớp gối sau này. Tuy nhiên, tình trạng này thường không gây ra các vấn đề lâm sàng lớn như tổn thương dây chằng chéo trước. 

Đứt dây chằng chéo sau
Đứt dây chằng chéo sau

1.3. Tổn thương dây chằng bên trong

Dạng cẳng chân quá mức thường gây tổn thương một phần hoặc hoàn toàn của dây chằng bên chày do cơ chế vặn xoắn, và có thể khiến bong điểm bám đùi hoặc chày của dây chằng.

Cơn đau do tổn thương dây chằng bên trong xuất hiện ở mặt trong khớp gối và có thể dẫn đến tràn dịch khớp gối. Khớp gối có thể yếu ở vị trí tổn thương của dây chằng.

Quá trình điều trị tình trạng đứt không hoàn toàn dây chằng bên chày bao gồm việc tránh những tổn thương nặng hơn trong thời gian dây chằng hồi phục. Ngoài ra, các cơn đau và vấn đề bị tụ máu trong khớp nên được điều trị bằng aspirin. Bên cạnh đó, khớp gối nên được cố định bằng nẹp hoặc bó bột.

Trường hợp đứt hoàn toàn dây chằng bên chày có thể điều trị bằng phẫu thuật hoặc bó bột trong khoảng 6 tuần. Tổn thương dây chằng bên chày thường kết hợp với các tổn thương khác như tổn thương sụn chêm, dây chằng chéo trước hoặc vỡ mâm chày ngoài.

1.4. Tổn thương dây chằng bên ngoài

Tổn thương dây chằng bên mác thường đi kèm với các tổn thương của các cấu trúc xung quanh như gân cơ khoeo hoặc dải chậu chày. Tình trạng này có thể xuất hiện bong cực trên của chỏm xương mác và tổn thương thần kinh mác chung. Bên cạnh đó, cơn đau có thể xuất hiện ở mặt ngoài của khớp gối, đôi khi kèm theo tình trạng tụ máu trong khớp gối.

Chụp X Quang khớp gối có thể giúp phát hiện bong điểm bám của dây chằng vào chỏm xương mác. Trong trường hợp nghi ngờ, việc chụp X quang khớp gối sau khi vô cảm và thực hiện nghiệm pháp gắng sức là rất cần thiết.  

Bên cạnh đó, khe khớp ngoài rộng có thể là dấu hiệu của việc tổn thương nặng. Việc điều trị đứt bán phần dây chằng bên ngoài tương tự như điều trị đứt bán phần dây chằng bên trong. Trong trường hợp đứt hoàn toàn dây chằng bên mác, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật tái tạo.

1.5. Tổn thương sụn chêm

Đây là một trong các chấn thương đầu gối phổ biến nhất khi bị chấn thương thể thao (như bóng đá) hoặc các tai nạn giao thông. Sụn chêm được hình thành dưới dạng một tấm sụn chắc chắn có hình dạng như chữ 'C' (sụn chêm trong) và như chữ 'O' (sụn chêm ngoài), nằm ở giữa hai mặt khớp của xương đùi và xương chày.  

Sụn chêm đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và phân phối lực tác động lên khớp gối, đồng thời giúp duy trì sự ổn định của khớp. Ngoài ra, sụn chêm cũng lấp đầy khe khớp, ngăn màng hoạt dịch cùng bao khớp không tràn vào khe khớp.

Triệu chứng lâm sàng của tổn thương sụn chêm bao gồm:

  • Đau khi nhấn vào vùng khe khớp gối.
  • Tràn dịch trong khớp gối, dấu hiệu cho thấy khớp bị kẹt, cùng với tiếng lục khục trong khớp khi di chuyển.
  • Teo cơ tứ đầu đùi có thể xảy ra khi tổn thương kéo dài.
  • Dương tính với các nghiệm khác Mac Murray và Appley. 
Rách sụn chêm ngoài
Rách sụn chêm ngoài

1.6. Tổn thương sụn khớp

Sụn khớp là lớp sụn phủ bề mặt của đầu xương đùi và xương chày trong khớp. Chúng có cấu trúc trơn nhẵn, giúp cho việc cử động của khớp diễn ra nhẹ nhàng, đồng thời giảm lực va đập và phân phối áp lực đều lên bề mặt khớp. Sụn khớp không có mạch máu và không chứa đầu mút thần kinh, do đó khi bị các chấn thương đầu gối sẽ không tự phục hồi được.

Tổn thương sụn khớp thường đi kèm với tổn thương dây chằng chéo trước, chiếm 20% - 70% tỷ lệ trong các trường hợp lỏng gối mãn tính. Nguyên nhân thường là do áp lực từ bên ngoài tác động lên bề mặt khớp một cách đột ngột, gây ra tình trạng bong hoặc vỡ sụn, hoặc do gối bị xoay và chịu lực nặng một cách đột ngột. Các mảnh sụn lớn từ tổn thương có thể tạo ra dị vật trong khớp, dẫn đến tình trạng kẹt khớp.  

Triệu chứng của tổn thương sụn khớp thường tương tự với tổn thương sụn chêm: đau khi di chuyển, sưng, kẹt khớp, và tiếng lục cục trong khớp.

1.7. Gãy xương vùng khớp gối

Gãy xương ở vùng khớp gối có thể làm mất sự trơn tru của khớp khi vận động và gây cứng khớp nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các loại gãy xương vùng khớp gối thường gặp bao gồm: gãy xương bánh chè, mâm chày, lồi cầu ngoài / trong / trên, liên lồi cầu xương đùi, gãy Hoffa... Đa số đều được bác sĩ yêu cầu phẫu thuật để phục hồi bề mặt khớp và khả năng chịu lực của xương, cải thiện khả năng vận động

Sau khi bị gãy xương do các chấn thương đầu gối sẽ xuất hiện những dấu hiệu:

  • Cảm giác đau nhói ở vùng xương gãy.
  • Sưng, đau và bầm tím xung quanh đầu gối.
  • Cơn đau tăng dần, cần sự hỗ trợ khi di chuyển.
  • Di động bất thường và tiếng xương lạo xạo tại vùng xương đầu gối.

2. Nguyên nhân chấn thương đầu gối

Nguyên nhân gây ra các chấn thương đầu gối có thể chia thành hai loại:

2.1. Nguyên nhân trực tiếp

Các chấn thương đầu gối do va chạm trực tiếp vào đầu gối như: tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông hoặc trong các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền…

2.2. Nguyên nhân gián tiếp

Thay đổi tư thế đột ngột như xoay người, dừng lại khi chạy hoặc nhảy từ trên cao xuống được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các chấn thương dây chằng.

3. Chẩn đoán hình ảnh trong các chấn thương đầu gối

Khi xuất hiện các chấn thương đầu gối, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán sau:

3.1 Chụp phim X-quang quy ước

Ngay sau khi gặp các chấn thương đầu gối, bệnh nhân nên tiến hành chụp phim X-quang theo quy trình tiêu chuẩn, trong hai tư thế thẳng và nghiêng.

Quá trình này nhằm đánh giá tình trạng của xương, chỗ bám dây chằng chéo có bong không, mâm chày và lồi cầu đùi có bị rạn/gãy/nứt không,...

3.2 Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Nên tiến hành chụp cộng hưởng từ sau khi gối đã giảm phù nề và không còn máu tụ trong khớp (thường sau khoảng 2-3 tuần từ khi các chấn thương đầu gối xảy ra). Trên phim cộng hưởng từ, chúng ta có thể quan sát rõ hơn tình trạng tổn thương của các dây chằng chéo, sụn chêm, sụn khớp, các dây chằng bên và những biểu hiện bất thường khác của phần mềm trong vùng gối. 

Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp chẩn đoán các chấn thương đầu gối
Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp chẩn đoán các chấn thương đầu gối

4. Hướng dẫn điều trị tổn thương trong các chấn thương đầu gối

4.1 Xử lý ban đầu

Sau chấn thương, khi đầu gối đau và sưng nặng, người bệnh cần phải bảo vệ gối bằng cách cố định gối bằng bột hoặc nẹp trong khoảng 2-3 tuần. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên chườm lạnh lên vùng trước gối trong 2-3 ngày đầu.  

Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm, kết hợp với việc nghỉ ngơi. Trường hợp có máu tụ trong khớp gối, thường máu sẽ tự tiêu hết mà không cần phải tiến hành rút máu khớp, vì điều này có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng trong khớp.

4.2 Điều trị bảo tồn

Đứt dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau, cũng như hầu hết các trường hợp rách sụn chêm, thường không thể tự liền, đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, những bệnh nhân có tuổi cao hoặc ít hoạt động có thể áp dụng liệu pháp bảo tồn.

Sau khi đặt nẹp hoặc bó bột bảo vệ trong vòng 3 tuần, bệnh nhân sẽ tập phục hồi chức năng để khôi phục biên độ của khớp và tăng cường sức mạnh cơ bắp, từ đó giúp bệnh nhân tránh tình trạng teo cơ.

4.3 Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định khi tình trạng gối đã hết sưng và biên độ của khớp gối được khôi phục. Hiện nay, với sự phát triển của nội soi, tất cả các tổn thương từ dây chằng chéo đến sụn chêm đều có thể được điều trị bằng phẫu thuật nội soi, đem lại kết quả rất tích cực cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp sau:

  • Tổn thương dây chằng chéo trước ở độ 2 và độ 3;
  • Tổn thương dây chằng chéo sau gây mất vững khớp gối;
  • Tổn thương sụn chêm, khi có các triệu chứng như đau hoặc kẹt khớp;
  • Tổn thương sụn khớp lan đến xương dưới sụn, xuất hiện dị vật trong khớp gây đau hoặc kẹt khớp.

Phương pháp phẫu thuật:

Phẫu thuật nội soi được tiến hành thông qua các đường rạch da nhỏ, thường dưới 1cm. Trong quá trình này, các dây chằng bị tổn thương sẽ được tái tạo. Tổn thương của sụn chêm có thể khâu bảo tồn hoặc cắt tạo hình phần rách tùy theo vị trí tổn thương. Các khu vực sụn khớp bị bong gãy sẽ được loại bỏ.

Sau đó, phần khuyết sụn sẽ được kích thích để tạo chảy máu, thúc đẩy quá trình phát triển của lớp xơ sụn để lấp đầy vùng khuyết sụn. 

Phẫu thuật nội soi khớp gối tại Bệnh viện Vinmec
Phẫu thuật nội soi khớp gối tại Bệnh viện Vinmec

Trong khi đó, phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo cần thực hiện nhiều kỹ thuật. Vật liệu phổ biến được sử dụng cho việc tái tạo dây chằng chéo thường là vật liệu tự thân lấy từ gân cơ của chính bệnh nhân, bao gồm cả gân cơ bán gân và gân cơ thon.  

Bên cạnh đó, vật liệu lấy từ gân bánh chè ít được lựa chọn hơn, mặc dù gân bánh chè chắc chắn và liền gân tốt, nhưng lại có nhược điểm như đau và yếu vùng trước gối sau khi phẫu thuật.

Hơn nữa, việc sử dụng gân từ người hiến tặng cũng đang trở thành một lựa chọn mới. Ngoài ra, các vật liệu tổng hợp cũng đang được nghiên cứu để sử dụng trong quá trình tái tạo dây chằng chéo.

4.4. Tập luyện phục hồi chức năng

Cả việc tập luyện và phẫu thuật đều đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị tổn thương dây chằng chéo ở khớp gối, giúp bệnh nhân phục hồi và trở lại cuộc sống hàng ngày. Các bài tập luyện phục hồi chức năng nhằm mục đích tăng cường sức mạnh cơ đùi và duy trì biên độ khớp gối.

Trong trường hợp phẫu thuật, việc phục hồi chức năng thường bắt đầu bằng việc khôi phục biên độ của khớp, sau đó tập trung vào việc tăng cường cơ đùi và cơ quanh khớp. Các bài tập sau đó sẽ dần dần tăng độ khó để tăng cường sự liền gân và ổn định của gối.

5. Lời khuyên dành cho người mắc các chấn thương đầu gối

Người bệnh cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc dưới đây để hạn chế các chấn thương đầu gối:

  • Vận động viên chuyên nghiệp nên thực hiện khởi động đầy đủ và đúng cách trước khi thi đấu và tránh va chạm ở các tư thế không thuận lợi.  
  • Người chơi thể thao không chuyên nên tập luyện đều đặn và tránh bị động trong các tình huống va chạm.
  • Bệnh nhân cần chăm sóc các chấn thương đầu gối theo nguyên tắc RICE: Nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và gác chân cao giúp giảm sưng và đau.
  • Ngoài ra, chế độ ăn uống và sinh hoạt giữ vai trò quan trọng trong việc phục hồi các chấn thương đầu gối. Bệnh nhân cần tăng cường bổ sung canxi, vitamin C, D từ sữa, hạt và các thực phẩm giàu omega-3, chondroitin, glucosamine như cá hồi, xương, tôm.  
  • Đồng thời, người bệnh cần hạn chế cồn, thức khuya và thường xuyên vận động nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ. 
Bổ sung các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, xương, tôm hỗ trợ quá trình phục hồi các chấn thương đầu gối
Bổ sung các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, xương, tôm hỗ trợ quá trình phục hồi các chấn thương đầu gối

Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị các chấn thương đầu gối sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ chấn thương, cũng như tình trạng của bệnh nhân.

Các chấn thương đầu gối có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó việc thăm khám và chẩn đoán kịp thời là rất quan trọng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm chuyên môn của chúng tôi có năng lực vượt trội trong lĩnh vực phẫu thuật và điều trị các bệnh lý khớp và xương như sau:

  • Thực hiện thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp bằng các khớp nhân tạo.
  • Tiến hành phẫu thuật thay khớp háng, gối, và khuỷu tay, cũng như thay khớp vai đảo ngược và các khớp nhỏ bàn ngón tay.
  • Chuyên môn cao trong phẫu thuật nội soi khớp để tái tạo và sửa chữa tổn thương dây chằng và sụn chêm.
  • Điều trị ung thư xương, u xương và các bệnh lý của mô mềm cơ quan vận động.
  • Tập trung vào phục hồi chức năng với chuyên môn cao trong lĩnh vực y học thể thao.
  • Sử dụng công nghệ hiện đại như hình ảnh 3D và in 3D để tái tạo hình dáng xương và khớp, cũng như sản xuất các trợ cụ cá nhân hóa.
  • Áp dụng công nghệ mới và các vật liệu tiên tiến trong sản xuất và ứng dụng các khớp nhân tạo và xương nhân tạo.
  • Sử dụng kỹ thuật phẫu thuật chính xác với sự hỗ trợ của Robot. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khoa chuyên điều trị các chấn thương và tình trạng bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và dây chằng.

Trung tâm có thế mạnh chuyên môn trong phẫu thuật, điều trị các bệnh lý:

  • Thay thế một phần hoặc toàn bộ đoạn xương và khớp nhân tạo;
  • Thay khớp háng, gối, khuỷu tay;
  • Thay khớp vai đảo ngược, các khớp nhỏ bàn ngón tay ;
  • Phẫu thuật nội soi khớp tái tạo và sửa chữa các tổn thương dây chằng, sụn chêm;
  • Ung thư xương, u xương và mô mềm cơ quan vận động;
  • Phục hồi chức năng chuyên sâu về Y học thể thao;
  • Phân tích vận động để chẩn đoán, theo dõi và cải thiện thành tích cho các vận động viên; chẩn đoán và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh.

Trung tâm đang áp dụng các công nghệ hiện đại, tối tân vào điều trị như công nghệ tái tạo hình ảnh 3D và in 3D xương, khớp nhân tạo, công nghệ trợ cụ cá thể hóa được chế tạo và in 3D, công nghệ chế tạo và ứng dụng xương khớp nhân tạo bằng các vật liệu mới, kỹ thuật phẫu thuật chính xác bằng Robot.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe