Những cách xông mũi trị viêm mũi dị ứng là những phương pháp mang lại hiệu quả và an toàn trong việc điều trị viêm mũi do dị ứng. Bệnh nhân có thể áp dụng các bài thuốc dân gian hoặc thuốc tây theo chỉ định của bác sĩ. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ chi tiết hơn về các cách chữa trị này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Vũ Thị Mai, chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Xông mũi có tác dụng với viêm mũi dị ứng không?
Viêm mũi dị ứng xảy ra khi niêm mạc mũi của người bệnh phản ứng với các tác nhân gây dị ứng khi tiếp xúc.
Các tác nhân này có thể là khói thuốc, phấn hoa, bụi, nấm mốc hoặc lông động vật,... Các triệu chứng phổ biến của viêm mũi dị ứng bao gồm sổ mũi, chảy nước mũi liên tục, ngạt mũi và hắt hơi.
Để giảm nhẹ các tình trạng này, phương pháp được dùng phổ biến nhất là xông mũi, đặc biệt là đối với những trường hợp viêm mũi dị ứng nhẹ và chưa phát triển nghiêm trọng.
Xông mũi góp phần làm thông thoáng đường hô hấp, làm dịu niêm mạc mũi bị viêm, ngăn chặn sự lây lan của phản ứng viêm nhiễm và làm loãng chất dịch mũi để dễ dàng loại bỏ.
2. Cách xông mũi trị viêm mũi dị ứng an toàn nhất
2.1 Xông mũi bằng lá trầu không
Lá trầu không được biết đến với khả năng chống viêm và kháng khuẩn mạnh mẽ, là lựa chọn lý tưởng cho việc điều trị viêm mũi dị ứng.
Ngoài việc giúp thông thoáng đường hô hấp, xông mũi bằng lá trầu không còn giảm đau và giảm sưng viêm niêm mạc mũi. Cách thực hiện như sau:
- Rửa sạch mũi bằng nước muối, tốt nhất là nước muối sinh lý.
- Rửa sạch và nghiền nát một nắm lá trầu không.
- Đun sôi lá trầu trong nước.
- Bắc nồi ra khỏi bếp, phủ kín đầu bằng khăn và xông mũi.
- Thực hiện mỗi ngày một lần trong khoảng 15 - 20 phút, kéo dài khoảng 7 - 10 ngày.
2.2 Xông mũi bằng tỏi
Tỏi chứa một hoạt chất gọi là Allicin, hoạt động như một chất kháng viêm tự nhiên. Allicin giúp tiêu diệt vi khuẩn và thông thoáng đường hô hấp.
Dưới đây là cách thực hiện bài thuốc xông mũi bằng tỏi tại nhà:
- Vệ sinh mũi sạch sẽ.
- Chuẩn bị 3 - 5 tép tỏi tươi, bóc vỏ và giã dập.
- Đun sôi tỏi trong nước.
- Trùm kín đầu bằng khăn và hít thở hơi xông mũi.
- Áp dụng vào buổi tối, mỗi ngày một lần.
2.3 Xông mũi với tinh dầu
Các loại tinh dầu như tràm trà, chanh và sả thường được sử dụng nhiều như một cách xông mũi trị viêm mũi dị ứng.
Những tinh dầu này có tác dụng giúp làm dịu niêm mạc mũi và cải thiện các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi và sổ mũi. Cách thực hiện vô cùng đơn giản như sau:
- Sau khi rửa sạch mũi, thêm một ít tinh dầu vào nước đã đun sôi.
- Trùm kín đầu và hít thở đều để hơi nước chứa tinh dầu có thể vào trong xoang mũi.
- Nên thực hiện khoảng 1 - 2 lần mỗi ngày, liên tục trong khoảng 5 - 7 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
2.4 Lá bạc hà - Vị thuốc xông mũi hiệu quả
Lá bạc hà chứa hoạt chất như menthyl acetat và menthol, có tác dụng kháng viêm và giảm sưng niêm mạc mũi, giúp cải thiện hô hấp và giấc ngủ.
Cách thực hiện xông mũi bằng lá bạc hà như sau:
- Rửa sạch 1 nắm lá bạc hà hoặc sử dụng tinh dầu bạc hà.
- Đun sôi lá bạc hà với 1 ít nước.
- Sử dụng khăn trùm đầu để xông mũi trong khoảng 15 - 20 phút để tinh dầu bạc hà có thể len lỏi vào trong xoang mũi.
2.5 Xông mũi bằng thuốc tây
Ngoài các phương pháp xông mũi bằng những bài thuốc dân gian, người bệnh cũng có thể áp dụng các loại thuốc tây để giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng.
Ưu điểm của phương pháp này là các thành phần trong thuốc có thể dễ dàng thấm qua niêm mạc của đường hô hấp, giúp cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, trước hết người bệnh cần thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ. Có hai loại thuốc tây y phổ biến được sử dụng là Corticoid (với nồng độ Hydrocortison dưới 50mg) hoặc các loại thuốc Ephedrin, Naphazolin 2 - 3ml.
2.6 Cách xông mũi bằng thuốc tây y
- Vệ sinh sạch sẽ và loại bỏ chất nhầy khỏi mũi.
- Đảm bảo lượng thuốc sử dụng phải được hòa tan hoàn toàn. Trong trường hợp thuốc được bào chế hoặc đóng gói trong ống hoặc lọ, hãy sử dụng ngay khi mở.
- Khi sử dụng máy xông hơi, đặt đầu ống xông hơi gần mũi, hít thở từ từ, lưu ý không nên thở gấp hoặc nhịn thở trong quá trình xông.
3. Cần chú ý gì khi xông mũi
Các loại thuốc xông mũi thường chỉ khả năng hỗ trợ giảm triệu chứng, không có tác dụng chữa trị triệt để bệnh viêm mũi dị ứng.
Trong quá trình sử dụng, người bệnh cần tuân thủ những điều sau:
- Đảm bảo giữ khoảng cách an toàn giữa mặt và mực nước xông để tránh bị bỏng hoặc kích ứng da.
- Các phương pháp xông mũi dân gian thường không được kiểm chứng khoa học, do đó không nên áp dụng cho phụ nữ mang thai và trẻ em.
- Nếu triệu chứng không giảm sau khi sử dụng các phương pháp xông mũi hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đi khám ngay.
- Có thể kết hợp xông mũi với các phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định để đảm bảo điều trị hiệu quả.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây viêm mũi dị ứng và tăng cường dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch.
- Bổ sung đủ nước để làm loãng chất nhầy trong mũi, giúp giảm nghẹt và sổ mũi.
Mặc dù các cách xông mũi trị viêm mũi dị ứng nêu trên đều có thực hiện đơn giản và an toàn nhưng để chữa trị bệnh viêm mũi dị ứng hoàn toàn, người bệnh nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ để có liệu pháp phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.