Ciplactin là thuốc chống dị ứng chỉ định cho các bệnh lý mề đay cấp hay mạn, viêm mũi dị ứng, chàm,... Vậy công dùng của thuốc và cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc?
1. Ciplactin là thuốc gì?
Ciplactin có thành phần chính Cyproheptadine - là thuốc kháng histamin thế hệ II thuộc nhóm piperidine. Ciplactin là thuốc chống dị ứng, có công dụng làm êm dịu hệ thần kinh, tạo cảm giác thèm ăn, kích thích tiêu hóa. Đây là chất đối kháng với serotonin và histamin ở các vị trí tiếp nhận, từ đó giảm ngứa và an thần.
Thuốc Ciplactin hấp thu tốt qua đường tiêu hóa cùng với thức ăn do hòa tan trong lipid, chuyển hóa ở gan và phân bố khắp các tổ chức trong cơ thể. Cuối cùng thải trừ qua thận.
2. Chỉ định của thuốc Ciplactin
Thuốc Ciplactin được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau
- Mề đay cấp hoặc mãn tính.
- Viêm mũi dị ứng do thời tiết, viêm mũi vận mạch mạn tính.
- Cải thiện phản ứng dị ứng với máu hoặc huyết tương.
- Đau nửa đầu do bệnh lý mạch máu.
- Bệnh lý phù mạch - thần kinh.
- Viêm da dị ứng.
- Ngứa do dị ứng da, chạm.
- Bệnh nhân chán ăn, thể chất suy kiệt.
3. Chống chỉ định của thuốc Ciplactin
Một số trường hợp không được sử dụng thuốc Ciplactin
- Dị ứng với thành phần Cyproheptadine hoặc bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
- Bệnh lý glôcôm góc đóng.
- Bệnh nhân đang bị phù, bí tiểu.
- Trẻ sơ sinh, trẻ sinh non.
- Phụ nữ có thai chống chỉ định dùng thuốc Ciplactin
- Thuốc không an toàn cho trẻ em dưới 2 tuổi đặc biệt là trẻ sinh non, vì vậy không dùng Ciplactin cho đối tượng này và phụ nữ đang cho con bú.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Ciplactin
- Dùng quá liều trên đối tượng trẻ em làm suy nhược hệ thần kinh trung ương, có giật, ảo giác, ngừng hô hấp.
- Ciplactin có thể là giảm sự tỉnh táo, ở trẻ em có thể gây kích thích.
- Thuốc có tác dụng an thần, giảm tập trung. Vì vậy người bệnh làm các công việc đòi hỏi sự tập trung, tỉ mỉ thận trọng khi sử dụng.
- Bệnh nhân có tiền sử hen, bệnh cường giáp, các bệnh lý tim mạch nên dùng thuốc thận trọng và theo dõi trong suốt quá trình điều trị thuốc.
4. Tương tác thuốc của Ciplactin
Phối hợp Ciplactin với các thuốc giảm đau, thuốc ức chế thần kinh trung ương làm tăng hiệu lực của thuốc.
Nhóm thuốc ức chế MAO khi dùng chung với Ciplactin làm kéo dài thời gian và tăng cường tác dụng kháng cholinergic của thuốc.
Rượu, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chống lo âu dùng chung với Ciplactin làm tăng tác dụng của cả hai.
5. Liều dùng và cách dùng thuốc Ciplactin
Cách dùng:
- Ciplactin được bào chế dưới dạng siro uống. Thường dùng cho trẻ em trên 2 tuổi.
- Uống thuốc trực tiếp trong hoặc sau bữa ăn.
Liều dùng ở người lớn:
- Liều thông thường: 10ml/ lần x 3 lần/ngày.
- Mề đay mãn tính: 5ml/ lần x 3 lần/ngày.
- Bệnh lý đau nửa đầu cấp do mạch: 10ml/ lần, sau 1⁄2 giờ uống lặp lại
- Bệnh nhân suy kiệt, chán ăn: 10ml/ lần x 3 lần/ngày.
Liều dùng ở trẻ em
- Trẻ 3-6 tuổi: 5ml/ lần x 3 lần/ngày.
- Trẻ em từ 7-14 tuổi: 10ml/ lần x 3 lần/ngày.
6. Tác dụng phụ của thuốc Ciplactin
Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng Ciplactin
- Chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng.
- Lú lẫn, bồn chồn, kích thích, căng thẳng, khó chịu.
- Run, dị cảm, viêm dây thần kinh.
- Ảo giác, cuồng loạn, ngất.
- Co giật.
- Phản ứng phản vệ, nổi mẩn ngứa, phù nề.
- Nổi mày đay, nhạy cảm với ánh sáng.
- Tăng tiết mồ hôi.
- Nhìn mờ, nhìn đôi, ù tai, viêm mê đạo tai cấp.
- Đánh trống ngực, tăng nhịp tim, hồi hộp.
Như vậy, Ciplactin là thuốc kháng Histamin thường được chỉ định trong các trường hợp dị ứng, quá mẫn. Thuốc ở dạng siro dễ sử dụng cho đối tượng trẻ em, cần chú ý đúng liều lượng để tránh các phản ứng không mong muốn có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.