Rất nhiều phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp mỏi mệt toàn thân. Điều này về lâu về dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ. Vậy nguyên nhân đau nhức xương khớp sau sinh là gì và làm cách nào để khắc phục tình trạng đau lưng ở phụ nữ sau sinh?
1. Nguyên nhân phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp
- Người phụ nữ đã có tiền sử bị đau nhức xương khớp trước khi sinh: Tình trạng này sẽ dẫn đến hiện tượng đau nhức xương khớp sau sinh, đau lưng ở phụ nữ sau sinh, thậm chí mức độ đau nhức sẽ càng gia tăng hơn, vì người phụ nữ vừa phải trải qua thai kỳ kéo dài.
- Đau nhức xương khớp sau sinh do thiếu hụt canxi: Trong suốt thai kỳ nhu cầu canxi của cơ thể người mẹ là rất lớn do thai nhi cần sử dụng canxi và các chất dinh dưỡng để phát triển. Nếu người mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu canxi cho thai nhi qua chế độ ăn uống và các loại thực phẩm bổ sung, lúc này bào thai sẽ lấy canxi từ xương của mẹ để sử dụng, từ đó dẫn đến tình trạng loãng xương gây ra các triệu chứng đau lưng ở phụ nữ sau sinh. Thêm vào đó, giai đoạn sau khi sinh người mẹ thường phải cho con bú, lúc này canxi sẽ theo sữa mẹ để nuôi dưỡng em bé và một lần nữa, cơ thể mẹ lại mất canxi khiến tình trạng đau nhức xương khớp sau sinh diễn ra càng nghiêm trọng hơn;
- Sự thay đổi hormone trong cơ thể của người mẹ: Trong suốt quá trình mang thai cùng với sự phát triển của em bé các khớp xương của mẹ cần phải chịu một áp lực lớn, mặt khác hormone estrogen biến đổi lớn trong thai kỳ cũng làm cản trở quá trình hoạt động của khớp xương. Ngoài ra trong quá trình mang thai nội tiết tố của phụ nữ cũng có nhiều thay đổi, cơ thể tạo ra một loại hormone có tên là relaxin giúp vùng xương chậu thư giãn, trở nên mở rộng hơn để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Song loại hormone này lại làm mất ổn định trục cột sống, dễ gây viêm khớp và dây chằng. Hormone relaxin này sẽ vẫn tồn tại trong cơ thể mẹ sau khi sinh 3 - 4 tháng gây đau lưng. Sau đó khi hormone này trở về mức bình thường thì tình trạng đau lưng của mẹ sau sinh có thể sẽ giảm.
- Tư thế của các hoạt động sinh hoạt hàng ngày không đúng: Sau sinh phụ nữ dành nhiều thời gian để chăm sóc em bé, cụ thể người mẹ phải ra liên tục thay tã, tắm rửa em bé, nấu cơm... và ít được nghỉ ngơi, từ đó dẫn đến tình trạng đau lưng ở phụ nữ sau sinh. Bên cạnh đó, ở một số người mẹ sau sinh lại nằm quá nhiều và ít vận động khiến khí huyết bị tích tụ ở vùng chậu không được lưu thông cũng dẫn đến đau nhức;
- Nhiễm lạnh do tổn thương khí huyết: sau khi sinh con, nếu người phụ nữ không biết giữ ấm cơ thể khiến gió lạnh lùa vào có thể dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp toàn thân.
- Đau nhức xương khớp sau sinh có phải là tác dụng phụ của thuốc gây tê vùng cột sống sử dụng trong sinh mổ đi giảm đau hay không? Đây là một thắc mắc lớn của phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, tình trạng đau nhức xương khớp sau sinh ít khi là biến chứng của bị gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng, đặc biệt là tình trạng đau nhức xương khớp sau sinh mãn tính. Biến chứng của cước da sau khi sinh thường xuất hiện ngay sau đó bao gồm bí tiểu, run, hạ huyết áp, tê bì,...
- Do tăng cân trong thai kỳ: Trên thực tế, phụ nữ nước ta thường tăng từ 10 - 20 kg trọng lượng trong suốt thai kỳ. Nhiều bà bầu còn có thể tăng hơn nhiều so với khuyến cáo do quan điểm cần ăn chế độ nhiều dinh dưỡng phong phú để thai nhi phát triển tốt hơn. Tuy nhiên quá trình tăng cân quá nhanh sẽ khiến hệ cột sống thắt lưng đột ngột phải chịu một trọng tải lớn trong thời gian ngắn, điều này để khiến khối cơ lưng bị tăng gây đau nhức xương khớp sau sinh. Khi thai nhi càng lớn thì áp lực lên cột sống thắt lưng càng cao. Nếu trong thời gian này mẹ bầu phải làm những việc nặng nhọc cần đứng hoặc ngồi trong thời gian dài có thể sẽ khiến tình trạng tổn thương cột sống trở nên nghiêm trọng hơn. Tình trạng này có thể gây đau lưng kéo dài kể cả sau khi mẹ đã sinh xong và kéo dài trong nhiều năm sau đó.
- Đau do viêm: hiện tượng viêm các khớp và dây chằng liên quan đến cột sống thắt lưng - vùng khung chậu. Hiện tượng lỏng lẻo các khớp vùng chậu và xung quanh vùng chậu trong quá trình sinh nở có thể gây ra phản ứng viêm và triệu chứng đau nhức từ nhẹ đến nặng.
2. Tình trạng đau nhức xương khớp ở phụ nữ sau sinh có thể chữa khỏi không?
Có thể thấy tình trạng phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp là vô cùng phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nếu bà mẹ sau sinh gặp phải tình trạng đau lưng bắt nguồn từ nguyên nhân sinh lý như thay đổi hormone, khi đó mẹ chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý, không vận động hoặc bê vác nặng, không ngồi nhiều sẽ khiến tình trạng đau dần hết đi.
Hầu hết các trường hợp phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp kéo dài trong nhiều năm có nguyên nhân là tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, do các tổn thương và các bệnh lý phức tạp gây ra. Do đó nếu gặp phải tình trạng này, bệnh nhân không nên tự ý điều trị hoặc tự ý sử dụng các bài thuốc giảm đau, các loại thuốc dân gian truyền miệng để chữa đau lưng, bởi hầu hết các phương pháp này không thể loại bỏ cơn đau lâu dài, mà đôi khi còn gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chữa đau lưng sau sinh hiệu quả nhất là các mẹ nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và tư vấn, tìm nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị thích hợp. Tình trạng đau lưng đau sinh hoàn toàn có thể cải thiện được, tuy nhiên cần phải kiên trì và tuân thủ điều trị.
3. Phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp có nguy hiểm không?
Phụ nữ sau sinh bị đau nhức xương khớp nếu không có phương pháp điều trị kịp thời có thể gây ra những ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến các khớp xương của người mẹ, từ đó dẫn đến những trở ngại trong sinh hoạt và trong quá trình chăm sóc con nhỏ. Không ít trường hợp bà mẹ sau khi sinh bị đau nhức đến nỗi không thể vận động các khớp xương cho tình trạng viêm nhiễm đã xảy ra
Tình trạng đau nhức xương khớp sau sinh có thể ảnh hưởng đến cả những lần mang thai tiếp theo của người mẹ. Hiện nay có không ít phụ nữ không chỉ bị đau nhức xương khớp ngay sau sinh mà còn kéo dài trong suốt một thời gian sau đó.
Có thể thấy đau nhức xương khớp sau khi sinh không phải là một tình trạng đe dọa tính mạng Tuy nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người phụ nữ sau khi sinh con. Do đó các chuyên gia khuyên rằng, phụ nữ nên tiến hành điều trị càng sớm càng tốt, chú trọng chế độ dinh dưỡng cũng như chế độ luyện tập thể dục thể thao sau khi sinh. Chú trọng việc bổ sung canxi, vitamin D vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.