Rách sụn chêm đầu gối: Khi nào cần phẫu thuật?

Sụn chêm khớp gối đóng vai trò phân phối và truyền tải lực của toàn bộ cơ thể, đồng thời nó là một phần trong hệ thống giữ vững khớp gối. Do đó, nếu xảy ra tổn thương như rách sụn chêm đầu gối sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động, sinh hoạt chung của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân thắc mắc rách sụn chêm có phải mổ không?

1. Đặc điểm giải phẫu và chức năng sụn chêm

Sụn chêm khớp gối bao gồm 2 loại là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Sụn có hình bán nguyệt, vị trí ở giữa xương đùi và xương chày với bề dày trung bình khoảng 3 đến 5mm. Do đó, một trong những nhiệm vụ chính của sụn chêm là bảo vệ lớp sụn khớp của xương đùi và xương chày.

  • Sụn chêm trong: Vị trí phía bên trong của khớp gối, hình chữ C, chiều dài khoảng 5 đến 6cm. Cấu tạo chặt chẽ về mặt giải phẫu giữa sụn chêm và các cấu trúc xung quanh sẽ làm hạn chế việc thay đổi vị trí của sụn chêm. Tuy nhiên, đây lại được xem là yếu tố thuận lợi dẫn đến các tổn thương khớp gối đều có thể làm rách sụn chêm đầu gối.
  • Sụn chêm ngoài: Vị trí ở phía ngoài khớp gối, hình dạng giống chữ O.

Khớp gối là một khớp lớn, phải chịu toàn bộ trọng lượng cơ thể. Các thành phần của khớp, trong đó có sụn chêm sẽ góp phần tạo nên sự vững chắc cho khớp. Vì lý do đó mà sụn chêm có những vai trò sau:

  • Hạn chế tình trạng xóc, vừa hấp thụ vừa phân tán đều các lực tác động lên khớp gối
  • Kết hợp với các cấu trúc khác tạo nên sự vững chắc cho khớp
  • Sụn chêm tạo sự tương hợp giữa 2 mặt tiếp xúc, giúp dịch bôi trơn được dãn trải đều và duy trì dinh dưỡng nuôi sụn khớp
  • Góp phần lấp đầy khe khớp, hạn chế nguy cơ bao khớp kẹt vào khe khớp.

Bên cạnh đặc điểm giải phẫu, sụn chêm khớp gối còn được phân vùng tùy theo lượng máu nuôi dưỡng, bao gồm:

  • Vùng ngoại vi là vùng sụn chêm nằm tiếp xúc với bao khớp. Đây là vùng có mạch máu dồi dào nên được cấp máu nuôi dưỡng nhiều nhất, do đó những tổn thương vị trí này thường hồi phục tốt
  • Vùng trung tâm là vùng sụn chêm chuyển tiếp giữa vùng dồi dào mạch máu và vùng vô mạch. Do đó, khu vực này có lượng máu nuôi dưỡng nghèo nàn, dẫn đến rách sụn chêm đầu gối vùng này có tỷ lệ hồi phục thấp
  • Vùng vô mạch là vùng nằm ở 1/3 trong của sụn chêm. Do không có mạch máu nên hoàn toàn không được nuôi dưỡng bằng cách thông thường nên các tổn thương vị trí này đều phải cắt bỏ.

Để chẩn đoán rách sụn chêm đầu gối cần hiểu rõ về đặc điểm giải phẫu
Để chẩn đoán rách sụn chêm đầu gối cần hiểu rõ về đặc điểm giải phẫu

2. Chẩn đoán rách sụn chêm đầu gối

Rách sụn chêm đầu gối (tên tiếng Anh là Torn Meniscus) là một trong những chấn thương đầu gối có tỷ lệ cao nhất. Trước khi tìm hiểu rách sụn chêm có phải mổ không, chúng ta cần biết cách chẩn đoán chính xác bệnh lý này. Rách sụn chêm đầu gối là nguyên nhân hàng đầu gây nên các cơn đau và các dấu hiệu cơ học tại khớp gối như:

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả bệnh nhân rách sụn chêm đầu gối đều có biểu hiện ra bên ngoài. Do đó, những phương tiện chẩn đoán hình ảnh học (như X Quang và MRI) vẫn đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, đồng thời chúng còn giúp xác định các tổn thương kèm theo trong chấn thương khớp gối.

3. Rách sụn chêm có phải mổ không?

Nhiều bệnh nhân đặt ra câu hỏi về việc phẫu thuật điều trị rách sụn chêm, đặc biệt là rách sụn chêm trong có phải mổ không. Tại Việt Nam hiện nay, rách sụn chêm đầu gối có thể được điều trị theo 3 phương pháp và với mỗi phương pháp sẽ có chỉ định riêng biệt, bao gồm:

  • Điều trị bảo tồn
  • Phẫu thuật cắt bỏ sụn chêm
  • Phẫu thuật khâu sụn chêm

3.1. Điều trị bảo tồn rách sụn chêm đầu gối

Điều trị bảo tồn rách sụn chêm được chỉ định trong trường hợp vết rách sụn đơn giản, kích thước nhỏ, rách lần đầu và quan trọng là vị trí rách vùng ngoại vi có mạch máu nuôi dưỡng dồi dào. Các biện pháp điều trị bảo tồn bao gồm sử dụng thuốc (kháng viêm, giảm đau) kết hợp liệu pháp vật lý trị liệu, chườm lạnh... có thể mang lại hiệu quả tương đối tốt, ít xâm lấn.

Đặc biệt ở những người bệnh cao tuổi có bệnh lý thoái hóa khớp kèm theo thì điều trị bảo tồn là phương pháp hợp lý nhất.

3.2. Phẫu thuật cắt bỏ sụn chêm

Rách sụn chêm có phải mổ không? Sau đây là những chỉ định cụ thể của bác sĩ phẫu thuật:

  • Rách sụn chêm đầu gối có biểu hiện lâm sàng mà không thể khâu sụn được
  • Vị trí rách ở vùng trung tâm và vùng vô mạch, có lượng máu nuôi nghèo nàn và các biện pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả
  • Vết rách cũ, xảy ra trên 6 tuần

Hiện nay với sự phát triển của kỹ thuật phẫu thuật nội soi, hạn chế tối đa xâm lấn nhưng các chuyên gia y tế vẫn ghi nhận tình trạng thoái hóa khớp trên phim chụp X quang, mặc dù bệnh nhân chỉ phải cắt bỏ một phần sụn chêm. Vì vậy, mục tiêu quan trọng trong phẫu thuật là cắt tiết kiệm nhất có thể với mục đích chính là giải quyết triệu chứng đau và cố gắng bảo tồn sự vững chắc của sụn chêm.

3.3. Phẫu thuật khâu sụn chêm

Chỉ định khâu sụn chêm bao gồm:

  • Rách sụn chêm đầu gối làm mất vững khớp
  • Vị trí rách ở vùng ngoại vi giàu máu nuôi hoặc vùng trung tâm ở người trẻ tuổi
  • Vết rách mới, xảy ra dưới 6 tuần

Phẫu thuật khâu sụn chêm có tỷ lệ hồi phục cao ở những người bệnh dưới 45 tuổi, rách sụn chêm đầu gối do chấn thương mới, vết rách đơn giản và không có tổn thương các cấu trúc khác (như dây chằng) gây mất vững khớp gối. Tỷ lệ hồi phục tốt hơn ở phần sụn chêm ngoài, do đó nếu rách sụn chêm ngoài thường sẽ được ưu tiên chọn lựa phương pháp khâu thay vì cắt bỏ. Ngược lại, nếu rách sụn chêm chuyển sang giai đoạn mãn tính, vết rách phức tạp thì tỷ lệ thành công thấp.

Một số trường hợp không nên khâu sụn mặc dù phù hợp với các chỉ định, bao gồm:

  • Rách sụn chêm đầu gối do thoái hóa
  • Rách sụn kèm theo tổ chức sụn bị phá hủy nhiều
  • Bệnh nhân lớn tuổi, mức độ vận động ít và bệnh nhân không hợp tác với các biện pháp phục hồi chức năng sau mổ.

Người bệnh cần phẫu thuật khâu sụn chêm khi bị rách sụn chêm đầu gối
Người bệnh cần phẫu thuật khâu sụn chêm khi bị rách sụn chêm đầu gối

4. Biến chứng của rách sụn chêm đầu gối

Rách sụn chêm đầu gối nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng sau:

  • Đau nhức khớp dữ dội: Rách sụn chêm đầu gối là nguyên nhân khiến người bệnh đau nhức dữ dội, cơn đau tăng khi ở tư thế co duỗi, nghiêng người qua trái hoặc phải
  • Teo cơ tứ đầu đùi: Tình trạng đau nhức khớp gối kéo dài làm tăng nguy cơ teo cơ tứ đầu đùi, dần dần ảnh hưởng đến khả năng đi lại, hạn chế các động tác như duỗi thẳng chân, vận động khó khăn hơn
  • Hư khớp gối: Rách sụn chêm có thể điều trị bảo tồn hoặc khâu phục hồi nhưng nếu phát hiện muộn dễ dẫn đến tổn thương nhiều hơn và phải cắt bỏ sụn chêm. Từ đó dẫn đến thoái hóa khớp và hư khớp gối nhanh chóng, đặc biệt là những người trẻ tuổi
  • Tổn thương các bộ phận khác: Có đến 50% người bị rách sụn chêm đầu gối kèm theo tổn thương dây chằng chéo trước và một số tổn thương khác như bong chỗ bám dây chằng, tổn thương dây chằng chéo sau...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe