Rút đinh cố định sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình

Rút đinh cố định sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là một thủ thuật khá phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ khi nào cần thực hiện và khi nào có thể bỏ qua thủ thuật này. Để chỉ định lấy đinh vít ra còn dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có độ tuổi, vị trí nẹp, chất liệu nẹp cũng như thể chất của từng bệnh nhân.

1. Tìm hiểu chung

Trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, các bác sĩ có thể dùng các tấm nẹp, ốc vít, thanh nẹp... bằng thép không gỉ, titanium để thực hiện một số nhiệm vụ sau:

  • Cố định một xương bị gãy vào đúng vị trí để giúp xương mau lành;
  • Nối xương để điều trị viêm khớp;
  • Điều chỉnh hoặc thay đổi hình dạng của xương.

Một khi vị trí tổn thương đã lành, các bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân thực hiện thủ thuật để rút các đinh nẹp ra ngoài. Nếu là rút đinh nội tủy, bác sĩ sẽ thực hiện lấy ra sau 1 năm. Đối với đặt nẹp, thời gian lấy nẹp ra chậm hơn, khoảng 1,5-2 năm. Tuy đây là khuyến nghị từ phía chuyên môn nhưng trên thực tế việc rút hay để lại các dụng cụ này còn tùy thuộc vào ý nguyện của bệnh nhân.

2. Khi nào nên rút đinh cố định sau chấn thương chỉnh hình?

Về bản chất, khả năng đàn hồi của xương theo sinh học là mềm, dẻo. Trong khi đó, đinh cố định hoặc nẹp vít thường chế tạo từ thép không gỉ. Do đặc tính khác nhau thì sẽ chỉ hỗ trợ xương lành ở mức tương đối chứ không chắc chắn và kiên cố như kỳ vọng. Do vậy, nếu đinh cố định/ nẹp với xương không tương thích được với nhau có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Một số lợi ích của việc rút đinh nẹp có thể kể đến:

  • Giúp bệnh nhân giảm cảm giác đau đớn hoặc khó chịu do những dụng cụ này gây ra;
  • Có cơ hội điều trị nhiễm trùng xung quanh các dụng cụ kim loại;
  • Tránh bị vướng bởi các dụng cụ khi thực hiện các thao tác;
  • Đinh nẹp lấy ra sẽ khiến lực tác động lên xương, giúp xương chắc khỏe hơn, vỏ xương dày thêm, hạn chế nguy cơ gãy.

Các bác sĩ sẽ luôn khuyến khích bệnh nhân trong độ tuổi lao động nên rút đinh cố định ở những xương chi dưới, với những bệnh nhân ở chi trên thì có thể để nguyên.

Riêng với những bệnh nhân lớn tuổi (từ 60 trở lên), có bệnh lý nền, ít nhu cầu đi lại hoặc vận động thì bác sĩ sẽ khuyến khích để nguyên đinh nẹp ở vị trí đã đặt, không nhất thiết phải phẫu thuật lấy ra để tránh nguy hiểm cho người bệnh.


Rút đinh cố định sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là một thủ thuật khá phổ biến
Rút đinh cố định sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là một thủ thuật khá phổ biến

3. Những điều cần biết trước khi rút đinh cố định

Ngoài thực hiện phẫu thuật rút đinh cố định, bệnh nhân có thể lựa chọn những biện pháp tạm thời như sau:

  • Giảm sự khó chịu từ kim loại bằng cách dùng kết hợp thuốc giảm đau, tránh đè lên những đinh nẹp này và giữ ấm khi trời lạnh;
  • Nếu bị nhiễm trùng xung quanh các dụng cụ kim loại, người bệnh có thể uống thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên tốt hơn hết vẫn là nên phẫu thuật để lấy đinh nẹp ra ngoài hơn là chỉ uống thuốc đơn thuần.

Vậy nếu không thực hiện phẫu thuật, điều gì sẽ xảy ra? Nếu bỏ qua việc rút đinh cố định, bệnh nhân có thể phải đối mặt với các biến chứng sau:

  • Nguy cơ nhiễm trùng xung quanh các dụng cụ kim loại, gây tổn thương xương và mô mềm và chuyển thành nhiễm trùng nghiêm trọng;
  • Thời tiết thay đổi khiến người bệnh dễ bị buốt lạnh, đau (do các dụng cụ bằng kim loại dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết), gây khó chịu trong sinh hoạt vào những mùa lạnh.
  • Đối với những người bệnh thường xuyên đi lại, di chuyển qua cửa an ninh, việc máy kiểm soát báo động vì có kim loại trong người sẽ gây phiền toái đôi chút trong việc giải trình.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho biết nếu bệnh nhân để dụng cụ kim loại quá lâu trong cơ thể sẽ có nguy cơ nhiễm kim loại nặng. Tuy nhiên, nguy cơ trên không cao nên bệnh nhân cũng không cần quá lo lắng.

Trước khi tiến hành phẫu thuật rút đinh cố định, người bệnh nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu có bất cứ câu hỏi nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.


Dùng kết hợp thuốc giảm đau trước khi tiến hành phẫu thuật rút đinh cố định
Dùng kết hợp thuốc giảm đau trước khi tiến hành phẫu thuật rút đinh cố định

4. Quy trình rút đinh cố định

Đầu tiên, các nhân viên y tế cần thực hiện một số kiểm tra để xác nhận người bệnh đang thực hiện đúng loại phẫu thuật và xác định đúng vị trí có đinh nẹp. Bệnh nhân có thể giúp đỡ các bác sĩ bằng cách cung cấp các thông tin cần thiết cho bác sĩ phẫu thuật và các nhân viên y tế. Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng và làm theo hướng dẫn của bác sĩ (ví dụ: Nếu đang điều trị bằng thuốc chống đông máu Warfarin hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu Clopidogrel thì cần ngưng uống trước khi phẫu thuật để tránh nguy cơ khó cầm máu).

Có nhiều cách gây mê khác nhau có thể áp dụng cho thủ thuật này. Bác sĩ gây mê sẽ đề xuất hình thức nào là tốt nhất cho người bệnh. Người bệnh có thể được tiêm thuốc tê tại chỗ để giảm đau sau thủ thuật, hoặc dùng kháng sinh trong phẫu thuật để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Bác sĩ phẫu thuật thường sẽ rút đinh cố định thông qua vết mổ cũ đã được sử dụng để đặt nó vào trong. Với quá trình lành tổn thương tự nhiên, các dụng cụ kim loại có thể sẽ khó tìm hơn khi bị che phủ bởi các vết sẹo hoặc xương. Điều này có thể khiến bác sĩ phải cắt rộng hơn kết hợp với quan sát ảnh chụp X-quang. Cuối cùng, sau khi đã lấy được đinh nẹp, bác sĩ sẽ đóng da bằng chỉ khâu hoặc kẹp. Một ca phẫu thuật rút đinh cố định thường kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ.

Sau khi lấy đinh, khoảng 1 tuần hoặc ngay sau khi rút bệnh nhân đã có thể đi lại được bình thường, có thể chỉ hơi bị đau chút nơi vết mổ và được bác sĩ dặn tránh làm việc nặng, quá sức để hạn chế nguy cơ gãy xương. Trong vòng từ 2-3 tháng, những lỗ đinh sẽ tự bít lại và hoàn toàn bình thường nên người bệnh không cần quá lo lắng.

Rút đinh cố định sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là một thủ thuật khá phổ biến. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe và hạn chế biến chứng, người bệnh nên chọn các trung tâm y tế uy tín để thực hiện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe