Các nhà nghiên cứu cho biết việc biến bữa sáng thành bữa ăn lớn nhất trong ngày là cách tốt để giảm cân. Ngoài ra nếu bạn thỉnh thoảng bỏ bữa sáng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Dưới đây là một số lời khuyên về những gì bạn nên ăn vào bữa sáng.
1. Bữa sáng và bệnh tiểu đường loại 2
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày và nhiều nghiên cứu đã cho thấy, lý do tại sao việc ăn uống lành mạnh vào buổi sáng lại quan trọng như vậy.
Các nhà nghiên cứu Đức đã tiến hành xem xét các nghiên cứu hiện có và kết luận rằng bỏ bữa sáng, thậm chí chỉ thỉnh thoảng bỏ bữa sáng có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn. Đánh giá đã xem xét dữ liệu từ hơn 96.000 người, bao gồm 6 nghiên cứu riêng biệt. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, bỏ bữa sáng mỗi tuần một lần có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 6%. Nguy cơ sẽ tăng lên, với việc bỏ bữa sáng 4 hoặc 5 lần mỗi tuần dẫn đến nguy cơ gia tăng 55%.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết rằng, 90 đến 95 phần trăm trong số 30 triệu người ở Hoa Kỳ sống chung với bệnh tiểu đường loại 2. Trong khi bệnh tiểu đường loại 1 ít phổ biến hơn và thường được chẩn đoán sớm trong đời. Bệnh tiểu đường loại 2 thường phát triển ở những người trên 45 tuổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm thừa cân, không hoạt động thể chất và do yếu tố di truyền.
Các bác sĩ thường khuyến nghị các bệnh nhân nên thay đổi lối sống để tránh phát triển bệnh tiểu đường loại 2 và họ nên có các chiến lược để quản lý bệnh khi đã được chẩn đoán mắc bệnh.
2. Bữa sáng giúp ích như thế nào đối với chúng ta?
Những thay đổi xảy ra trong cơ thể khi nhịn ăn phụ thuộc vào thời gian bạn nhịn ăn. Thông thường, cơ thể bạn sẽ đi vào trạng thái nhịn ăn sau 8 giờ kể từ bữa ăn cuối cùng của ngày. Ban đầu, cơ thể sẽ sử dụng các nguồn dự trữ glucose và sau đó trong thời gian nhanh chóng, nó sẽ phân hủy chất béo để sử dụng làm nguồn năng lượng tiếp theo. Về lâu dài, việc sử dụng nguồn dự trữ chất béo của cơ thể làm nguồn năng lượng có thể dẫn đến giảm cân. Giảm cân có thể giúp kiểm soát tốt hơn lượng đường huyết, huyết áp và mức cholesterol. Tuy nhiên, không nên áp dụng nhịn ăn như một cách giảm cân về lâu dài.
Với mối liên hệ giữa các yếu tố bệnh tiểu đường loại 2, lượng đường trong máu và insulin, không có gì ngạc nhiên khi tại sao bỏ bữa sáng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh. Jenna Freeman Scudder chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Bang Ohio, người tập trung vào việc giúp đỡ những người mắc bệnh tiểu đường cho biết, một số nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng bỏ bữa sáng thực sự có thể dẫn đến kháng insulin nhiều hơn. Đề kháng insulin là tình trạng cần nhiều insulin hơn để đưa lượng đường trong máu về mức bình thường. Bỏ bữa sáng cũng có liên quan đến việc tăng lượng đường trong máu sau cả bữa trưa và bữa tối. Điều này có thể gây căng thẳng quá mức cho cơ thể cũng như dẫn đến việc lựa chọn chế độ ăn uống kém hiệu quả.
Không ăn sáng sau một đêm có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và cũng có thể dẫn đến ăn quá nhiều. Từ đó cũng làm tăng nguy cơ cho việc lựa chọn những thức ăn không lành mạnh và nhiều calo hơn.
3. Thời gian của bữa ăn sáng
Một cuộc thăm dò năm 2015 cho thấy, 53% người Mỹ bỏ bữa sáng ít nhất một lần một tuần và 12% hoàn toàn không ăn sáng. Trong khi nhiều người tham gia cuộc thăm dò cho biết họ không cảm thấy đói vào buổi sáng. Một lý do chính khác để bỏ bữa là không có đủ thời gian để ăn sáng. Cũng nghiên cứu đó cho thấy rằng, nhiều người lựa chọn cách ăn sáng khi đang di chuyển bằng cách ăn nhanh tại một nhà hàng thức ăn nhanh hoặc một quán cà phê. Đó không phải là một lựa chọn tốt, bạn không nên bắt đầu một ngày mới bằng một bữa ăn không lành mạnh. Những thứ như bánh rán, bánh ngọt, bánh kếp và ngũ cốc ngọt chứa đầy chất béo bão hòa chứa rất ít protein và chất xơ. Đây không phải là thức ăn phù hợp để ăn vào buổi sáng.
Để có một bữa sáng lành mạnh hãy thử bột yến mạch, đây là một lựa chọn tốt vì chứa một loại chất xơ có thể giúp bạn cảm thấy no và cũng có thể giúp giảm cholesterol. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với một lời cảnh báo, đó là tránh các loại bột yến mạch có hương vị và có thêm đường. Bột yến mạch nguyên chất cũng có dạng gói riêng lẻ, vì vậy cách chế biến vốn rất đơn giản. Nếu bột yến mạch nguyên chất quá nhạt nhẽo, bạn có thể trộn với một ít mật ong, trái cây tươi hoặc các loại hạt.
Một lựa chọn khác là trứng nếu không có đủ thời gian để chuẩn bị bữa sáng. Trứng luộc là một lựa chọn tốt, vì chúng có thể được làm trước và ăn suốt cả tuần.
Thêm một lát bánh mì nướng 100% lúa mì, một chiếc bánh quế nguyên hạt hoặc sữa chua Hy Lạp đơn giản với một miếng trái cây cũng có thể tạo ra một bữa ăn cân bằng vào buổi sáng mà không mất nhiều thời gian chuẩn bị. Ăn một bữa sáng có nhiều chất xơ, carbohydrate phức hợp và protein là tốt nhất. Điều này có thể cung cấp cho bạn năng lượng, thỏa mãn cơn thèm ăn và tạo tiền đề cho việc ăn uống lành mạnh suốt cả ngày.
4. Những điều khác cần nhớ
Nếu bạn quyết định nhịn ăn, điều quan trọng là phải kiểm tra mức đường huyết thường xuyên hơn vì mức đường huyết của bạn có thể giảm quá thấp, được gọi là hạ đường huyết. Đặc biệt nếu bạn không khỏe hoặc đang điều trị bằng insulin hoặc một số loại thuốc tiểu đường.
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như cảm thấy run rẩy, đổ mồ hôi và mất phương hướng, cần phải xem xét và điều chỉnh quá trình điều trị thông thường của mình. Ví dụ như thay thế bằng việc dùng viên glucose, đồ uống có đường hoặc GlucoGel, sau đó là một bữa ăn nhẹ như bánh sandwich hoặc một bát ngũ cốc.
Bệnh tiểu đường loại 1 cũng làm cho mức đường huyết có thể tăng quá cao và dẫn đến sự tích tụ xeton. Điều này dẫn đến một tình trạng nghiêm trọng được gọi là nhiễm toan ceton. Các triệu chứng của lượng đường huyết cao có thể bao gồm, cảm thấy rất khát, đi tiểu nhiều hoặc cực kỳ mệt mỏi. Nếu mức đường huyết của bạn luôn ở mức cao và bạn gặp phải những triệu chứng này, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm được hướng chăm sóc tốt nhất.
Các nhà nghiên cứu cho biết bỏ bữa sáng, thậm chí chỉ thỉnh thoảng bỏ bữa cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Điều này là do mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường, insulin và lượng đường trong máu. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên ăn một bữa sáng lành mạnh để làm no và ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến. Các lựa chọn tốt cho bữa sáng nhanh bao gồm bột yến mạch và trứng.
Khi đã hiểu được vai trò của bữa sáng cũng như mối liên hệ giữa bữa ăn sáng với bệnh tiểu đường. Bạn nên chú ý sắp xếp thời gian để có cho mình một chế độ ăn lành mạnh cùng lối sống khoa học.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com - diabetes.org.uk