Ngủ trưa là thói quen của nhiều người. Vậy theo quan điểm khoa học thì ngủ trưa sau khi ăn tốt hay xấu cho sức khỏe của bạn? Nên ngủ trưa trong khoảng bao lâu?
1. Mỗi người nên ngủ bao lâu mỗi ngày?
Có được 1 giấc ngủ ngắn vào buổi trưa hoặc chiều có thể là mong muốn của hầu hết những người trưởng thành đang đi làm (ngủ trưa ở văn phòng) và cả của các bậc cha mẹ - mong con của họ tự chủ động đi ngủ trưa. Và giấc ngủ trưa có thể không vô thưởng vô phạt như người ta lầm tưởng.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị trẻ sơ sinh nên ngủ tối đa 16 giờ/ngày, bao gồm cả những giấc ngủ ngắn. Thanh thiếu niên nên ngủ khoảng 8 - 10 giờ/đêm. Người trưởng thành nên ngủ đủ 7 giờ/đêm.
Giấc ngủ trưa sau khi ăn tốt hay xấu đang là vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng y tế. Đối với một số người, nhu cầu ngủ trưa có thể báo hiệu về những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Bên cạnh đó, điều đó cũng có nghĩa là bạn không ngủ đủ giấc vào ban đêm. Trường hợp khác, đây có thể là 1 triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.
1 nghiên cứu mới được thực hiện cho thấy việc ngủ trưa vài lần/tuần có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến tim mạch, ví dụ như đau tim.
2. Tầm quan trọng của giấc ngủ
Bất kỳ bác sĩ nào cũng sẵn sàng giải đáp cho bạn về tầm quan trọng của việc ngủ ngon mỗi ngày. Cơ thể và tâm trí chúng ta được thiết lập để phải nghỉ ngơi trong 1/3 thời gian trong ngày. Nếu không tuân thủ đúng lịch trình này, bạn có thể phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe (tinh thần và thể chất).
Giấc ngủ giúp chúng ta phục hồi sau căng thẳng, cho phép các cơ quan quan trọng trong cơ thể có thời gian nghỉ ngơi. Đây là lý do vì sao việc ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng bất lợi. Ví dụ, 1 nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người có khuynh hướng di truyền bệnh tim có thể giảm thiểu nguy cơ này bằng cách ngủ đủ giấc. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể dẫn tới gia tăng nguy cơ bị đau tim.
Thực tế hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn còn nhiều tranh cãi khi đề cập về ảnh hưởng của giấc ngủ trưa sau khi ăn đối với sức khỏe.
3. Mối liên quan giữa ngủ trưa và sức khỏe tim mạch
Yue Leng và Kristine Yaffe - các giáo sư tâm thần học tại đại học California, San Francisco - cho biết: Các nhà nghiên cứu hiện vẫn còn khá mù mờ khi đánh giá hiệu quả của giấc ngủ trưa. Thách thức lớn nhất của họ là làm thế nào để xác định, đo lường được khoảng thời gian nghỉ ngơi này.
Cụ thể: Ngủ trưa theo kế hoạch hay không theo kế hoạch? Mục đích của những giấc ngủ trưa ngắn là gì? Chỉ ngủ trưa khi cảm thấy buồn ngủ hay nên thiết lập thành 1 thói quen, tập quán văn hóa? Ngủ trưa là cách bù đắp cho việc ngủ không đủ giấc vào buổi tối hay chúng chỉ ra một vài vấn đề sức khỏe tiềm ẩn? 5 phút ngủ gật buổi trưa có tính là 1 giấc ngủ trưa ngắn không?... Đây chính là những vấn đề mà các nhà khoa học đang băn khoăn. Cho đến khi chúng ta có được câu trả lời cho những câu hỏi trên thì những tác động của việc ngủ trưa mới được giải quyết đầy đủ.
1 nghiên cứu của các nhà khoa học tại bệnh viện Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) trên 3.462 người không có tiền sử bệnh tim mạch: Kiểm tra tần suất và thời gian chợp mắt của những người tham gia và tình trạng tim mạch của họ sau này. Trong vòng 5 năm tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận về 155 vấn đề tim mạch gây tử vong và không gây tử vong ở những người tham gia cuộc khảo sát.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người ngủ trưa sau khi ăn 1 - 2 lần/tuần có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch thấp hơn đáng kể so với những người hoàn toàn không ngủ trưa. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế chưa tìm thấy mối liên hệ giữa thời lượng của những giấc ngủ ngắn đó và các vấn đề sức khỏe tim mạch.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã tổng kết kết quả từ 11 nghiên cứu cho thấy: Ngủ trưa có liên quan tới sức khỏe tim mạch, có thể giảm rủi ro xuống nhưng sau đó sẽ tăng lên. Cụ thể, những giấc ngủ ngắn dưới 30 phút có lợi cho việc ngăn ngừa bệnh tim mạch vành. Tuy nhiên, nếu mọi người ngủ lâu hơn thế thì dường như nó sẽ gây tác động ngược lại.
Tuy nhiên, còn quá sớm để đưa ra kết luận rằng 1 giấc ngủ ngắn vào buổi trưa có phù hợp để giữ gìn sức khỏe tim mạch hay không. Các nhà nghiên cứu sẽ cần tìm hiểu về nhiều khía cạnh liên quan tới giấc ngủ này.
4. Đánh giá của các chuyên gia về giấc ngủ trưa sau khi ăn
Theo tiến sĩ Anil Rama (trợ giảng tại Trung tâm Khoa học và Y học về Giấc ngủ của Đại học Stanford ở California): Điều quan trọng là xem liệu giấc ngủ vào ban đêm của 1 người có lành mạnh hay không, không có những vấn đề như kích thích, thức giấc, rối loạn nhịp thở,... khiến họ không thể nghỉ ngơi thực sự. Theo vị tiến sĩ này, câu hỏi giấc ngủ trưa có tốt cho sức khỏe hay không sẽ không liên quan tới thời lượng hay tần suất ngủ trưa.
Theo tiến sĩ Sujay Kansagra (phó giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Duke ở Bắc California): Nghiên cứu về mối liên quan giữa tần suất ngủ trưa và bệnh tim mạch khá thú vị. Tuy nhiên, cuối cùng nó vẫn đặt ra nhiều câu hỏi hơn là giải quyết triệt để vấn đề. Ví dụ như liệu giấc ngủ trưa sau khi ăn có thực sự tốt cho tim mạch hay vốn dĩ những người có cơ hội ngủ trưa đều có cuộc sống ít căng thẳng hơn?
Giấc ngủ vốn rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể. Ngủ là thời điểm mà huyết áp và nhịp tim có xu hướng thấp hơn so với khi thức giấc. Vì vậy, việc ngủ trưa có khả năng đóng vai trò phục hồi sức khỏe tim mạch. Miễn là 1 người không gặp vấn đề với chứng mất ngủ thì việc ngủ trưa rất tốt. Tiến sĩ khuyến nghị mọi người nên ngủ trưa từ 20 - 30 phút/ngày.
Theo chuyên gia Nate Masterson: Nếu bạn ngủ đủ giấc suốt đêm thì bạn không cần phải chợp mắt vào ban ngày. Như vậy, điều quan trọng là bạn cần tôn trọng nhu cầu của cơ thể. Việc vượt qua sự mệt mỏi có thể gây ảnh hưởng xấu tới nhiều chức năng cơ thể, bao gồm cả sức khỏe tim mạch. Về cơ bản, nếu bạn mệt mỏi và có thời gian thì 1 giấc ngủ trưa ngắn là rất tốt. Dù vậy, bạn không nên bỏ qua nguyên nhân vì sao bạn bị mệt mỏi ngay từ đầu.
Như vậy, có thể thấy vấn đề ngủ trưa sau khi ăn tốt hay xấu cho sức khỏe vẫn đang gây tranh cãi. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng những giấc ngủ trưa ngắn mang lại một số lợi ích đối với sức khỏe tim mạch và tinh thần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.