Nghiện rượu và viêm tụy mãn tính

Viêm tụy mãn tính là tình trạng viêm tụy kéo dài dai dẳng, không được điều trị, dẫn đến tổn thương các cấu trúc tụy vĩnh viễn, gây xơ hóa và chèn ép ống dẫn,làm suy giảm chức năng ngoại tiết lẫn nội tiết. Nghiện rượu nặng và hút thuốc lá được xem là 2 yếu tố nguy cơ chính gây viêm tụy mạn tính.

1. Viêm tụy mạn tính là gì?

Tụy tạng là một tuyến dài và dẹt, vị trí nằm phía sau dạ dày, ở phần bụng trên (vùng thượng vị) với 2 nhiệm vụ chính:

  • Sản xuất enzyme tiêu hóa đổ vào ruột non giúp tiêu hóa thức ăn;
  • Sản xuất và giải phóng các hormone insulin và glucagon vào máu. Đây là 2 loại hormon chịu trách nhiệm chính trong việc điều hoà và ổn định đường huyết.

Sau những đợt viêm tụy cấp tính kéo dài, nhu mô tụy bị tổn thương sẽ dẫn đến viêm tụy mạn tính. Đây là một quá trình bệnh lý gây tổn thương tụy không hồi phục, gây xơ hóa và phá hủy mô tụy.

2. Mối liên hệ giữa nghiện rượu nặng và viêm tụy mãn tính

Viêm tụy mạn tính có sự xơ hóa nhu mô tụy, quá trình phá hủy ngày càng nặng sẽ dẫn đến hậu quả suy giảm hoặc mất chức năng tuyến tụy. Trên lâm sàng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tụy mạn, trong đó có hơn 70% viêm tụy mạn tính là do lạm dụng bia, nghiện rượu nặng.

Tổn thương tụy do nghiện rượu thường rất âm ỉ, không biểu hiện trong nhiều năm, sau đó sẽ xuất hiện một cách đột ngột bởi một đợt viêm tụy cấp tính. Có thể thấy nghiện rượu nặng chính là nguyên nhân viêm tụy mạn tính ở 70% người trưởng thành, gặp ở nam nhiều hơn nữ và thường xảy ra ở lứa tuổi từ 30 - 40 tuổi.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây viêm tụy mạn tính:

  • Tắc nghẽn, hẹp ống tụy do chấn thương hoặc do nang giả tuỵ được hình thành;
  • Do di truyền, không xác định (vô căn);
  • Rối loạn chuyển hóa: thiếu đạm, thừa mỡ;
  • Nhiễm độc chì, nhiễm độc thủy ngân;
  • Nguyên nhân tự miễn;
  • Do một số thuốc gây ra;
  • Xơ nang phổi.

Nghiện rượu nặng được xem là yếu tố nguy cơ chính gây viêm tụy mạn tính
Nghiện rượu nặng được xem là yếu tố nguy cơ chính gây viêm tụy mạn tính

3. Triệu chứng của bệnh viêm tụy mãn tính

Đa số bệnh nhân mắc bệnh viêm tụy mãn tính gặp phải tình trạng đau bụng. Tuy nhiên vẫn có không ít bệnh nhân không hề có triệu chứng đau. Cơn đau thường biểu hiện nặng hơn sau khi người bệnh ăn uống, đau có thể lan ra sau lưng hoặc đau liên tục, đôi khi còn khiến bệnh nhân không thể sinh hoạt một cách bình thường.

Một số trường hợp cơn đau có thể giảm dần theo diễn tiến của bệnh do lúc này tuỵ đã không còn sản xuất được men tiêu hoá. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác gồm: buồn nôn, nôn, sụt cân, tiêu chảy phân mỡ...

Bệnh nhân viêm tụy mãn tính thường bị sụt cân ngay cả khi ăn vẫn cảm thấy ngon miệng và đang theo một chế độ ăn vẫn bình thường. Hiện tượng sụt cân này xảy ra là do cơ thể người bệnh đã không còn khả năng tiết đủ men tuỵ để tiêu hoá thức ăn, từ đó dẫn đến các chất dinh dưỡng không được hấp thu đầy đủ. Quá trình tiêu hoá kém đi còn dẫn đến hiện tượng bài tiết mỡ, protein và đường ra phân.

4. Biến chứng của bệnh viêm tụy mạn tính

Khi sự bài tiết enzyme lipase và protease giảm xuống <10% so với mức bình thường, bệnh nhân sẽ phát triển chứng kém hấp thu đặc trưng trong viêm tụy mạn tính với chứng tiêu phân mỡ. Khi đó sự chuyển động của phân sẽ cho cảm giác nhờn, hoặc thậm chí có các giọt dầu trôi nổi trong nước, rất khó để làm sạch bằng cách xả nước thông thường.

Trong những trường hợp viêm tụy mạn tính nặng, tình trạng suy dinh dưỡng, giảm cân, giảm hấp thu vitamin tan trong dầu (A, D, E, và K) có thể xảy ra ở bệnh nhân.

Khi những tế bào sản xuất insulin ở tuỵ (tế bào beta đảo tụy) cũng bị tổn thương trong bệnh viêm tụy mạn tính thì bệnh lý đái tháo đường cũng sẽ hình thành. Như vậy bệnh đái tháo đường là bệnh lý tiếp theo, thường xảy ra muộn trong quá trình tiến triển của viêm tụy mãn tính.

Bệnh nhân viêm tụy mãn tính cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng hạ đường huyết. Điều này được giả thích là do các tế bào alpha của đảo tụy - các tế bào chịu trách nhiệm sản sinh ra glucagon (hormon điều hoà làm tăng đường huyết khi đường huyết hạ xuống) đã bị phá hủy.

Các biến chứng khác của bệnh lý viêm tụy mãn tính:

  • Hình thành nang giả;
  • Tắc nghẽn ống mật hoặc tá tràng;
  • Vỡ ống tụy (có thể gây ra cổ trướng hoặc tràn dịch màng phổi);
  • Huyết khối tĩnh mạch lách, giãn mạch dạ dày;
  • Phình động mạch gần tụy hoặc nang giả;
  • Viêm tụy mạn tính làm gia tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy, nguy cơ này là lớn nhất đối với bệnh nhân viêm tụy di truyền và viêm tụy nhiệt đới.

Nếu viêm tụy mạn tính không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng dần và xảy ra các biến chứng trong vòng 10 năm đầu, thường gặp nhất là chứng kém hấp thu và bệnh đái tháo đường.


Đa số bệnh nhân mắc bệnh viêm tụy mãn tính gặp phải tình trạng đau bụng
Đa số bệnh nhân mắc bệnh viêm tụy mãn tính gặp phải tình trạng đau bụng

5. Điều trị viêm tụy mãn tính

Chẩn đoán viêm tụy mạn tính cần đến các xét nghiệm về chức năng tuỵ: kỹ thuật siêu âm, nội soi chụp mật tuỵ ngược dòng (ERCP), CAT scan... có thể cho thấy những dấu hiệu của viêm tụy mạn như: vôi hoá tuỵ, mô tuyến tụy xơ cứng do kết tủa muối calcium không hoà tan...

Khi các biến chứng như đái tháo đường và kém hấp thu sẽ xảy ra, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân để chẩn đoán viêm tụy mạn và theo dõi biến chứng của bệnh.

Điều trị nội khoa trong bệnh viêm tụy mạn tính là hết sức quan trọng. Chỉ định phẫu thuật sẽ được cân nhắc khi bệnh nhân bị đau bụng kéo dài, đau không thể chịu nổi và cơn đau đã không còn đáp ứng với điều trị nội khoa bằng thuốc. Phẫu thuật viêm tụy mạn tính được thực hiện đó là dẫn lưu ống tụy (nối ống tụy với ruột) hoặc có thể phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hay một phần của tuyến tụy đối với trường hợp nặng.

Các bước điều trị cụ thể như sau:

  • Giảm đau: bước đầu tiên trong điều trị;
  • Thiết lập chế độ ăn giàu đường bột, ít chất béo;
  • Sử dụng men tuỵ nếu tuyến tụy của bệnh nhân đã không còn khả năng đáp ứng đủ, men tụy cần uống theo mỗi bữa ăn để hỗ trợ tiêu hoá thức ăn, cải thiện cân nặng. Insulin có thể được chỉ định đề kiểm soát đường huyết;
  • Phẫu thuật dẫn lưu ống tụy dãn to do tắc nghẽn hoặc phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến tụy bị hoại tử.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cần bỏ rượu tuyệt đối, tuân thủ chặt chẽ về chế độ ăn và lịch uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Để điều trị bệnh viêm tụy mãn tính hiệu quả, bạn nên được thăm khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe